Chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

08:11, 14/11/2017

Trong tháng 11 năm nay, cùng với cả nước, Lâm Ðồng tổ chức Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2017 với chủ đề "Chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái".

Trong tháng 11 năm nay, cùng với cả nước, Lâm Ðồng tổ chức Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2017 với chủ đề “Chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.
 
Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới 2017 ở Đạ Tẻh. Ảnh: D.Q
Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới 2017 ở Đạ Tẻh. Ảnh: D.Q

Mười năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, dù còn rất khó khăn, Lâm Đồng đã có những bước tiến trên con đường hướng tới xã hội bình đẳng, tạo cơ hội cho những người phụ nữ và trẻ em gái thể hiện vai trò của mình. 
 
Là một tỉnh nông nghiệp, nơi hầu hết cư dân là nông dân, nhiều lề thói cũ còn tồn tại rất sâu trong cộng đồng dân cư như tư tưởng “trọng nam khinh nữ” nên  quá trình thực thi Luật Bình đẳng giới ở Lâm Đồng gặp không ít khó khăn. Chính bởi vậy, để đưa luật vào cuộc sống, hoạt động đầu tiên và quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, vận động song song với việc tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em gái phát huy năng lực. Bà Lê Thị Thêu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan thường trực về bình đẳng giới chia sẻ, công tác tuyên truyền, vận động được tổ chức thường xuyên, từ các cuộc hội thảo, tọa đàm, tập huấn, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng… đều hướng tới các nội dung phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới, hướng tới một môi trường tốt cho phụ nữ và trẻ em gái được phát huy khả năng, năng lực. Không chỉ một ngành, tất cả các ngành, các cấp đều có nhiều hoạt động thực hiện Luật Bình đẳng giới.
 
Lâm Đồng đã chọn lựa xã Phước Cát  1, huyện Cát Tiên là địa phương thí điểm để triển khai xây dựng mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, Thôn 4, xã Tam Bố, huyện Di Linh cũng được chọn để thí điểm mô hình cung cấp các dịch vụ hỗ trợ  bình đẳng giới. Với những địa bàn nông thôn, việc thực hiện các mô hình thí điểm đã giúp cư dân hiểu hơn về bình đẳng giới. 
 
Các hình thức tuyên truyền đa dạng, nâng cao hiểu biết về giới và lồng ghép trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách về giới trong cộng đồng, thực hiện có hiệu quả “Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới” tại Lâm Đồng. 
 
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ thực hiện tốt vai trò, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ được các cấp, các ngành quan tâm và thực thi khá hiệu quả. Tỉnh đã cử 1.167 cán bộ nữ đi học các khóa đào tạo chuyên sâu, hàng năm đều có gần 3.500 lượt cán bộ nữ được đào tạo về các lĩnh vực ngoại ngữ và tin học.  Tính tới nay, tỷ lệ cán bộ nữ được bố trí, đề bạt vào các vị trí chủ chốt tăng rõ rệt, tổng số cán bộ, công nhân lao động nữ toàn tỉnh là trên 24 ngàn người, trong đó lãnh đạo nữ các cấp chiếm tỷ lệ ngày càng tăng. Các chủ doanh nghiệp nữ cũng phát triển và đạt nhiều thành tựu. Tỷ lệ đào tạo nghề, tạo việc làm, nhất là với đối tượng phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo được thực hiện hiệu quả. Phụ nữ đã tiếp cận được những nguồn lực hỗ trợ để vươn lên. Tính tới nay, đã có trên 1.000 tỷ đồng cho trên 39.000 lượt hộ phụ nữ nghèo vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. 
 
Bình đẳng giới trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ, gia đình cũng đã được quan tâm chú ý trong nhiều năm qua. Ngành y tế đã phấn đấu chăm sóc sức khỏe sinh sản, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, tỷ lệ nạo phá thai, trẻ suy dinh dưỡng là tiền đề cho một thế hệ mẹ và bé khỏe mạnh. Với riêng ngành giáo dục, không chỉ đảm bảo công tác chuyên môn, việc thúc đẩy giáo dục bình đẳng giới ngay từ chính mái trường là hoạt động vô cùng quan trọng bởi không chỉ trong đội ngũ giáo viên mà còn giáo dục những thế hệ tương lai về bình đẳng giới.  
 
Sau một thập kỷ đưa Luật Bình đẳng giới vào thực tiễn tại Lâm Đồng đã có bước chuyển khá lớn về tư duy, nhận thức về bình đẳng giới, về vai trò và khả năng của phụ nữ. Phụ nữ và trẻ em gái đã được xã hội tạo điều kiện để vươn lên, thể hiện khả năng và đóng góp với cộng đồng. Tuy nhiên, bình đẳng giới vẫn còn là câu chuyện dài, cần mọi ngành, mọi giới tiếp tục thực hiện để xây dựng một xã hội bình đẳng, tạo cơ hội cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.
 
DIỆP QUỲNH