Khôi phục rừng Tây Nguyên: Vướng và gỡ?

08:11, 13/11/2017

Thực hiện nghiêm việc dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và nghiêm túc đóng cửa rừng tự nhiên; Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác; Không chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, đó là "ba giải pháp trọng yếu" được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020. 

Thực hiện nghiêm việc dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và nghiêm túc đóng cửa rừng tự nhiên; Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác; Không chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, đó là “ba giải pháp trọng yếu” được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020. 
 
Chính người của chủ dự án tổ chức triệt hạ 20 cây thông tự nhiên tại Đà Lạt đầu tháng 11/2017. Ảnh: M.Ðạo
Chính người của chủ dự án tổ chức triệt hạ 20 cây thông tự nhiên tại Đà Lạt đầu tháng 11/2017. Ảnh: M.Ðạo

Lâm Ðồng triển khai và kiến nghị 
 
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tại Thông báo số 191), tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số 856-CV/TU, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số 4613/UBND-LN và Kế hoạch hành động số 6122/KH-UBND để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn thực hiện. Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên với những giải pháp mang tính đồng bộ, thống nhất. Đồng thời, có chính sách, giải pháp di dân phù hợp, quy hoạch đất định canh, định cư, hỗ trợ cấp đất sản xuất kết hợp giải quyết việc làm, ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục kiểm tra thu hồi các dự án thiếu năng lực triển khai hoặc thiếu trách nhiệm để rừng bị xâm hại, xử lý nghiêm các loại tội phạm liên quan đến chức vụ trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR).
 
Cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đã phân công trách nhiệm đối với các sở, ban, ngành, địa phương trong toàn tỉnh với nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đối với công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng. Bao gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Điều tra, đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý, phân định, đánh mốc ranh giới các loại rừng; Rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động đến diện tích, chất lượng rừng; Tăng cường công tác phát triển, nâng cao giá trị của rừng.       
 
UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Trong quá trình triển khai thực hiện nghiêm chủ trương dừng khai thác tận dụng lâm sản và dừng chuyển mục đích sử dụng rừng, nhiều dự án (DA) đang triển khai dở dang phải dừng lại chờ ý kiến thống nhất của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều DA liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và một số chương trình bố trí đất sản xuất, đất ở cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được phê duyệt nay chưa được cấp đất cho người dân đã ảnh hưởng tới an sinh xã hội trên địa bàn. 
 
Vì vậy, Lâm Ðồng đề xuất Thủ tướng, Bộ NN&PTNT xem xét, cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp đối với các DA đầu tư trọng điểm, thiết yếu liên quan đến mục tiêu an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và triển khai các chương trình DA trọng tâm trên địa bàn tỉnh. 
 
Cụ thể, nhu cầu sử dụng đất, diện tích xin đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đối với DA Khu Du lịch Đan Kia - Suối Vàng là 406,76 ha; các DA tại Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm 187,3 ha. DA bố trí đất sản xuất cho người nghèo 149,32 ha; DA tuyến đường Trường Sơn Đông 22,928 ha; DA Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng 13,4313 ha; DA thi công móng trụ, đường dây điện 22 KV đấu nối từ Nhà máy Thủy điện Đa Dâng - Đạ Chomo vào lưới điện quốc gia 5,38 ha. Các DA như: Khu Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa 6,449 ha; Đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Đạ Nhim Thượng 3 là 9,85 ha và Đầu tư xây dựng hồ chứa nước Đạ Lây 213 ha. Trong tổng diện tích gần 1.000 ha có cả rừng tự nhiên (gồm rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo); rừng trồng và đất chưa có rừng. 
 
Chỉ đạo nhất quán từ Thủ tướng 
 
Ngày 14/10/2017, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường công tác QL, BVR và giải pháp trong thời gian tới” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, quan điểm của Chính phủ vẫn nhất quán thực hiện nghiêm các giải pháp để bảo vệ cho được diện tích rừng nói chung, đặc biệt là phần còn lại của rừng tự nhiên. Ghi nhận mặt nổi trội vẫn nhiều hơn hạn chế, bức tranh tổng thể về công tác QL, BVR là tích cực, Thủ tướng cũng nêu một số tồn tại như diện tích rừng khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm. Tình trạng phá rừng trái pháp luật chậm được ngăn chặn tại một số địa phương. Còn một số địa phương vẫn cho chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn nhưng không tuân thủ quy định của pháp luật. Thậm chí có công trình thủy điện phát triển chưa được cấp phép đã phá rừng, ảnh hưởng đến sinh thái. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân mà theo Thủ tướng, là do nhận thức, chủ rừng buông lỏng, năng lực quản lý Nhà nước, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành. Địa phương thiếu cương quyết trong xử lý. “Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được, liệu có tiêu cực trong vấn đề này không?”, Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Thủ tướng nhấn mạnh 3 chủ trương lớn cần thực hiện nghiêm trên toàn quốc. Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên. Các bộ, ngành, các địa phương phải quán triệt, phổ biến, giải thích để các tổ chức, cá nhân được giao rừng tự nhiên hiểu rõ chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, tạo hành động nhất quán các cấp, các ngành. Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ các DA chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ. Tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thủy điện nhỏ, kể cả các DA đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện. Thứ ba, không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học. Không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển. Không chuyển rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất. 
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chúng ta cần thiết phát triển du lịch nhưng việc chuyển mục đích phải được xem xét rất kỹ, được duyệt hết sức chặt chẽ, chứ không phải có DA du lịch vào làm sân golf, chúng ta phá hết rừng trồng bao đời nay”. Chấm dứt tình trạng hợp thức hóa giao quyền sử dụng đất do phá rừng trái pháp luật. “Bộ TN&MT phải chú ý đến vấn đề hợp thức hóa những “khu vực đất vàng” có rừng ở xung quanh những đô thị lớn”... Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác QL, BVR để kiên quyết thực hiện nghiêm nhiệm vụ chính trị này. 
 
MINH ÐẠO