Lâm Hà: Siết lại quản lý đất công

09:11, 20/11/2017

Tình trạng cho thuê, mượn sử dụng đất công không đúng mục đích; để người dân lấn chiếm, sử dụng làm biến động thửa đất, mất diện tích đất... nhưng không được cấp quản lý thường xuyên kiểm tra, có biện pháp xử lý theo luật định. Ðó là thực tế đang diễn ra tại nhiều địa phương ở huyện Lâm Hà. 

Tình trạng cho thuê, mượn sử dụng đất công không đúng mục đích; để người dân lấn chiếm, sử dụng làm biến động thửa đất, mất diện tích đất... nhưng không được cấp quản lý thường xuyên kiểm tra, có biện pháp xử lý theo luật định. Ðó là thực tế đang diễn ra tại nhiều địa phương ở huyện Lâm Hà. 
 
Trường Tiểu học Gia Lâm nơi được xã xây cất Nhà văn hóa thôn trên đất nhà trường. Ảnh D.Quỳnh
Trường Tiểu học Gia Lâm nơi được xã xây cất Nhà văn hóa thôn trên đất nhà trường. Ảnh D.Quỳnh

Ðiểm danh địa phương quản lý lỏng lẻo
 
Đứng đầu danh sách xã có diện tích đất công bị chiếm dụng phải kể đến xã Phúc Thọ. Đây là đất thuộc nông trường cũ, từ năm 2005, sau khi giải thể đến nay đã bị 2 hộ dân chiếm dụng diện tích lên đến 4 ha mà xã không xử lý dứt điểm. Cùng đó là 3.000 m 2 đất công ích do UBND xã Phúc Thọ quản lý cũng đang còn để hoang, chưa có kế hoạch sử dụng. Việc quản lý đất công và sử dụng tùy tiện không báo cáo, lập hồ sơ đất  xin ý kiến cấp trên cũng xảy ra ở xã Gia Lâm. Cụ thể, xã đã xây dựng Nhà văn hóa Thôn 1, Thôn 5 và Thôn 6 trên phần đất của Trường Tiểu học Gia Lâm với tổng diện tích sử dụng 1.720 m 2 nhưng không báo cáo, lập hồ sơ trình UBND huyện, tỉnh có ý kiến xử lý thu hồi trước khi giao cho xã sử dụng vào mục đích xây dựng các công trình công cộng. 
 
Cũng rơi vào tình trạng như một số địa phương khác, một phần Quỹ đất 5% của xã Gia Lâm và đất nghĩa địa tại Thôn 3 thuộc xã được UBND xã cho các hộ gia đình, cá nhân thuê để sản xuất nông nghiệp với diện tích trên 12.330 m 2. Điều đáng nói ở đây là mặc dù cho các hộ thuê nhưng xã Gia Lâm không hề ký kết hợp đồng cho thuê đất như quy định. Còn diện tích đất nghĩa trang khu vực Thôn 2 do xã Mê Linh quản lý thì  hiện tại có tới 4 hộ dân lấn chiếm sử dụng tổng diện tích khoảng 1 ha và mặc dù xã đã nhiều lần mời các hộ lên làm việc, song các hộ không hợp tác và vẫn cố tình sản xuất…
 
Theo báo cáo mới đây của UBND huyện, kết quả rà soát quỹ đất công do UBND xã, thị trấn quản lý cho thấy, tổng diện tích đất do các địa phương đang quản lý, sử dụng theo hiện trạng là 373 khu đất, tương đương diện tích trên 333,5 ha. Số diện tích đất công trên bao gồm: đất trụ sở UBND xã, thị trấn; đất nhà văn hóa, hội trường thôn, TDP; đất thể dục thể thao, đất công ích; đất nghĩa trang, nghĩa địa; đất ao, hồ và đất chưa sử dụng… theo số liệu thống kê năm 2016. Tuy nhiên, trong tổng số diện tích quỹ đất công qua rà soát có gần 304 ha thuộc 74 khu đất được sử dụng đúng mục đích. Nghĩa là có tới gần 30 ha đất công đang được sử dụng không đúng mục đích hay chưa được đưa vào kế hoạch quản lý, sử dụng. Cụ thể, ngoài diện tích đất chưa sử dụng hơn 12 ha, thì diện tích đất công được mang cho mượn gần 8,8 ha, diện tích bị lấn chiếm trên 10,4 ha và diện tích đang để xảy ra tranh chấp là 702 m 2...
 
Ban hành nghị quyết quản đất công
 
Thực trạng quản lý đất công của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lâm Hà nêu trên bắt đầu từ sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu huyện. Xuất phát từ thực tế sử dụng đất công không đúng mục đích hay còn bỏ hoang mà chưa có kế hoạch quản lý sử dụng, thậm chí có địa phương còn không biết diện tích đất công của xã hiện có bao nhiêu và đang được sử dụng ra sao. Trong khi đó nhu cầu đòi hỏi cần phải có quỹ đất công nhằm mục đích phục vụ các công trình phúc lợi công cộng trong tiến trình xây dựng xã nông thôn mới và văn minh đô thị đang là vấn đề bức xúc ở một số nơi. Chính vì thế, qua tiếp xúc cử tri, đi sâu sát cơ sở, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phạm Thị Phúc đã có kết luận về điều này. Đồng thời, Thường trực HĐND huyện yêu cầu cấp quản lý giải trình “công tác quản lý đất công trên địa bàn huyện” tại phiên họp của HĐND”.
 
Theo UBND huyện Lâm Hà, những hạn chế, tồn tại trong quản lý quỹ đất công được nhận diện do  “công tác quản lý ngoài thực địa nhiều khu đất, thửa đất đã được đo đạc, cắm mốc chưa được UBND các xã, thị trấn quan tâm đúng mức; để xảy ra tình trạng cho thuê, mượn sử dụng đất không đúng mục đích hay bị lấn chiếm, sử dụng vào mục đích cá nhân mà không có biện pháp xử lý, kịp thời thu hồi diện tích bị lấn chiếm...”. Những nguyên nhân dẫn tới việc buông lỏng quản lý quỹ đất công cũng được huyện chỉ ra mà nổi bật nhất phải kể đến việc xã, thị trấn không lập biên bản bàn giao đất cho thôn, TDP để phối hợp quản lý; cho thuê, mượn sử dụng không đúng mục đích hoặc không thực hiện theo cam kết trước khi cho thuê, cho mượn; không lập hợp đồng thuê đất đầy đủ dẫn đến tình trạng lấn chiếm, tranh chấp. Từ đó để lại hệ lụy thiếu cơ sở để giải quyết, gây khó khăn trong việc thu hồi đất vào mục đích xây dựng công trình khi địa phương cần sử dụng vào nhu cầu công ích. Để giải quyết thực trạng “sử dụng đất công không đúng mục đích, bị lấn chiếm”, UBND huyện giao Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải có trách nhiệm rà soát, thống kê toàn bộ quỹ đất công do mình quản lý, đồng thời thực hiện kê khai đăng ký vào sổ địa chính, tiến hành cắm mốc từ vị trí lô đất... Nhất là đối với từng trường hợp đang sử dụng đất công, các hợp đồng cho thuê để xác định rõ vị trí, diện tích, thời hạn cho thuê và trường hợp chưa ký hợp đồng thuê đất với người sử dụng đất thì phải ký hợp đồng theo đúng quy định.
 
Trao đổi với Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phạm Thị Phúc được biết, thực hiện chỉ đạo của tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường và thông qua kiểm tra, giám sát, Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND huyện đã yêu cầu chấn chỉnh và đề ra các giải pháp siết chặt quản lý đất công. Qua đó, giao UBND huyện “kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng quỹ đất công trên địa bàn huyện” đã cho ra kết quả bước đầu nói trên. Tới đây, HĐND huyện sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề để quản lý chặt về đất công nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng, ngăn chặn, chấm dứt việc sử dụng quỹ đất không đúng mục đích xảy ra trong thời gian tới. Đồng thời, chỉ đạo UBND xã, thị trấn tham mưu cho HĐND xã, thị trấn ban hành Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này.

Luật Ðất đai năm 2013 quy định: 
 
 Tại khoản 2 Điều 7: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích; đất phi nông nghiệp đã giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) để sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân, các công trình công cộng phục vụ hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và công trình công cộng khác của địa phương.
 
Khoản 3 Điều 7: Người đại diện cho cộng đồng dân cư là trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố hoặc người được cộng đồng dân cư thỏa thuận cử ra đối với việc sử dụng đất đã giao, công nhận cho cộng đồng dân cư.
 
Còn Khoản 2 điều 8 chỉ rõ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao để quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương. 
 
XUÂN TRUNG