Môi trường lưu vực sông Ðồng Nai - những vấn đề đặt ra

09:11, 29/11/2017

Sông Ðồng Nai có lưu vực trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng 6.767 km2 (chiếm gần 70% diện tích tự nhiên của tỉnh). Ðây là một trong những lưu vực sông lớn nhất Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến môi trường (MT) 11 tỉnh, thành, trong đó có tỉnh Lâm Ðồng. 

Sông Ðồng Nai (SÐN) có lưu vực trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng 6.767 km2 (chiếm gần 70% diện tích tự nhiên của tỉnh). Ðây là một trong những lưu vực sông lớn nhất Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến môi trường (MT) 11 tỉnh, thành, trong đó có tỉnh Lâm Ðồng. 
 
Năm 2017, Lâm Đồng đã ký kết quy chế phối hợp BVMT sông Đồng Nai cùng với các tỉnh Bình Phước  và Đồng Nai. Ảnh: M.Đạo
Năm 2017, Lâm Đồng đã ký kết quy chế phối hợp BVMT sông Đồng Nai cùng với các tỉnh Bình Phước
và Đồng Nai. Ảnh: M.Đạo

Sau khi chảy qua nội tỉnh tại xã Đinh Trang Thượng, Di Linh, dòng sông chính Đồng Nai chạy dọc theo ranh giới tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước và Đồng Nai. Tại địa phận các huyện Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng có các chi lưu thuộc lưu vực sông chính Đồng Nai như Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Đasiat, Đạ Nhar, Đạ R’Miss,... Cùng đó, sông La Ngà là một chi lưu lớn của SĐN, khởi nguồn từ khu vực vùng cao của huyện Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc chảy về hướng tỉnh Bình Thuận. Sông La Ngà có các nhánh chính như Đại Nga, Đariam, Đại Bình; diện tích lưu vực sông này trên địa bàn tỉnh 1.215 km2 (khoảng 12% diện tích tỉnh Lâm Đồng).
 
Ngày 24/11, Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực hệ thống SĐN tổ chức đánh giá và bàn kế hoạch triển khai Đề án SĐN. Chủ trì là Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái; cùng tham dự của lãnh đạo 11 tỉnh, thành, trong đó tỉnh Lâm Đồng có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S, Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Trãi. 
 
Chảy qua 11 tỉnh, thành phố trong đó có 7 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nguồn nước SÐN giữ vai trò đặc biệt quan trọng, phục vụ đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế, trên lưu vực đã có tình trạng ô nhiễm, suy thoái MT, đặc biệt là ô nhiễm MT nước có lúc và có nơi đã lên đến mức báo động. Nguyên nhân chính là từ các nguồn nước thải của sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, làng nghề, nước thải y tế và tác động của các hoạt động phát triển thủy điện, thủy lợi, khai thác và chế biến khoáng sản trên lưu vực hệ thống SĐN. 
 
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, các địa phương đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng, tích cực triển khai các hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu của Đề án nói riêng và trong công tác BVMT nói chung. Tuy nhiên, còn không ít khó khăn, hạn chế, đặc biệt là trong việc huy động nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ, dự án khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước các dòng sông. Vì vậy, cần thực hiện quy hoạch tổng thể trên toàn lưu vực theo từng giai đoạn phát triển, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, nhằm hài hòa giữa lợi ích trong phát triển kinh tế với BVMT; hài hòa lợi ích của các địa phương ở thượng lưu và hạ lưu. Chú trọng đến quy hoạch phát triển thủy điện, khu, cụm công nghiệp, khai thác chế biến khoáng sản... ở thượng lưu và quy hoạch phát triển đô thị, hạ tầng cơ sở ở hạ lưu phù hợp với khả năng chịu tải của dòng sông. Các tỉnh, thành phố trên lưu vực cần khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch và bố trí kinh phí thỏa đáng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn tại các khu đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm MT; thường xuyên hơn nữa nâng cao nhận thức về BVMT cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư. Mặt khác, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trên lưu vực, khắc phục ngay các xung đột lợi ích cục bộ, tuyệt đối tránh tình trạng vì lợi ích của địa phương mình mà bất chấp thiệt hại về lợi ích của các địa phương khác trên lưu vực. Trong năm 2018, mỗi địa phương tùy vị trí trên lưu vực và nguồn lực của mình lựa chọn những nhiệm vụ, hoạt động ưu tiên thực sự cụ thể và cấp thiết để triển khai, cụ thể các địa phương phía thượng nguồn tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng tạo nguồn sinh thủy cho lưu vực, kiểm soát các công trình thủy điện, khai thác khoáng sản; các địa phương phía hạ lưu tăng cường quản lý và xử lý chất thải, ưu tiên dây chuyền công nghệ xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt phù hợp, hiệu quả, đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm MT, các ngành nghề có sử dụng hóa chất gây nguy hiểm cho con người và MT…
 
Về phía tỉnh Lâm Đồng, theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Trãi, ngoài thực hiện các chương trình BVMT, đã và đang triển khai các dự án như thoát nước, thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Đà Lạt; nhà máy xử lý nước thải công nghiệp tập trung tại Khu Công nghiệp Lộc Sơn; nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt... Lâm Đồng đã phê duyệt 66 Đánh giá tác động MT của 67 dự án; phê duyệt 12/16 Đề án BVMT; xác nhận cấp Sở 100/149 dự án về kế hoạch BVMT... Cùng đó, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm MT nghiêm trọng như bãi rác tập trung Cam Ly, Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch và Bảo Lộc. Năm 2018 và những năm tiếp theo, Lâm Đồng tiếp tục hỗ trợ xử lý các điểm ô nhiễm MT gây bức xúc như các bãi rác ở xã Gung Ré, ở Đà Lạt; phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm MT, trong đó chú trọng đến các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở chế biến cà phê ướt và đặc biệt là Tổ hợp Bauxite-Nhôm tại Bảo Lâm... 
 
Nhằm BVMT lưu vực hệ thống SĐN, tỉnh Lâm Đồng đề xuất, kiến nghị Bộ TN&MT và Ủy ban BVMT hỗ trợ kinh phí nhằm thực hiện các dự án BVMT, kiểm soát chất lượng nguồn nước lưu vực nhằm xử lý triệt để khắc phục ô nhiễm và giảm suy thoái MT; hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu; mua sắm trang thiết bị...; đồng thời, tăng cường tập huấn, đào tạo và sự phối hợp giữa các địa phương...
 
MINH ÐẠO