Ngành nông nghiệp khẩn trương ổn định sản xuất sau bão

09:11, 09/11/2017

Cơn bão số 12 đổ bộ vào Lâm Đồng được xem là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nhất là sản xuất nông nghiệp. Sau cơn bão, ngành nông nghiệp, các địa phương và bà con nông dân đang khẩn trương khắc phục hậu quả, dần trở lại hoạt động mùa vụ bình thường.

Cơn bão số 12 đổ bộ vào Lâm Đồng được xem là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nhất là sản xuất nông nghiệp. Sau cơn bão, ngành nông nghiệp, các địa phương và bà con nông dân đang khẩn trương khắc phục hậu quả, dần trở lại hoạt động mùa vụ bình thường.
 
Một hộ dân tại xã Đạ Sar đang nhanh chóng sửa nhà kính sau bão vào chiều 7/11. Ảnh: C.T
Một hộ dân tại xã Đạ Sar đang nhanh chóng sửa nhà kính sau bão vào chiều 7/11. Ảnh: C.T
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin, chiều ngày 7/11, riêng về nông nghiệp, cơn bão số 12 làm thiệt hại hơn 60 ha rau hoa, 100 ha lúa, 100 ha cà phê, 30 ha dâu tằm, 100 ha bắp, 15 ha khoai. Bên cạnh đó, hơn 10 tấn cá tầm gây hư hỏng nặng 1 dự án nuôi cá nước lạnh bị ảnh hưởng, trên 30 ha nhà kính bị hỏng hoàn toàn hoặc một phần,.. 
 
Để phòng chống cũng như khắc phục những thiệt hại do mưa lũ gây ra, UBND tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương mấy ngày qua khẩn trương nắm tình hình thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, nhu cầu trợ giúp của người dân để có những hướng dẫn, chỉ đạo giúp dân khôi phục sản xuất. 
 
Theo đó, từ ngày 5/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, các ban, ngành liên quan đã nhiều lần cử tổ công tác trực tiếp xuống các địa phương để nắm bắt, thống kê tình hình thiệt hại và cùng bà con nông dân trực tiếp khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Qua thống kê sơ bộ, đối với hơn 100 ha lúa, hoa màu bị ngập lụt thì có gần 50% diện tích mất trắng. Ngành đã chỉ đạo các hồ thủy điện xả lũ nhanh chóng hạ mực nước gây ngập úng hoa màu. Tập trung máy bơm hút nước tiêu úng cứu lúa, không để cây lúa bị ngập lâu. Đồng thời hướng dẫn bà con nông dân chú ý khơi thông đầu luống, nạo vét mương máng các vùng chuyên rau màu, dựng lại các nhà màn, nhà lưới để trồng các loại rau ăn lá.
 
Tại huyện Đơn Dương, bà Lê Thị Bé - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết cơn bão mạnh đã làm gần100 ha hoa màu và nhà cửa người dân bị ngập sâu trong nước, thiệt hại nặng nhất là 2 xã Lạc Xuân và Lạc Lâm. Tuy nhiên, tới chiều ngày 7/11, nhiều địa điểm nước vẫn chưa rút cạn hoàn toàn. Để giúp dân khắc phục hậu quả, Sở  NN&PTNT tỉnh, Phòng Nông nghiệp huyện, cùng các phòng, ban liên quan đã nhiều lần xuống những vùng bị ngập nặng hướng dẫn bà con chăm sóc và thu hoạch hoa màu, tránh thiệt hại nặng cho đến khi nước lũ rút hoàn toàn.
 
Tại thôn Lạc Viên B, xã Lạc Xuân, nông dân Hà Văn Sáu (55 tuổi) chia sẻ sau 30 ngày bỏ vốn, công chăm sóc 5 sào xà lách, chỉ tầm 10 ngày nữa mỗi sào rau sẽ cho gia đình ông thu từ 20 triệu - 25 triệu đồng. Thế nhưng chỉ sau chưa đầy buổi sáng 4/11 bão đổ bộ vào, gần như toàn bộ 5 sào xà lách đã mất trắng. May mắn hơn gia đình ông Sáu, ruộng dưa cải của gia đình bà Thu gần đó sau bão vẫn còn tận thu được khoảng 50%. Bà Thu cho biết, sáng 7/11, ngay khi nước lũ rút cạn, gia đình bà huy động gấp 10 nhân công tiến hành dùng nước tưới rửa đất bùn bám trên dưa cải để vài ngày nữa mới có thể thu hoạch.
 
Còn tại huyện Lạc Dương, nơi diện tích nhà kính bị hư hỏng nặng nhất trên địa bàn tỉnh, hiện người dân đã dần khôi phục được một phần thiệt hại. Tại vườn trồng hoa cúc, hoa ly trong nhà kính của hộ anh Nguyễn Văn Huy (xã Đạ Sar) bị hư hỏng 80% diện tích nhà kính, đang được anh Huy cho biết đã cơ bản dựng xong lại các khung thép ngã đổ. “Tôi bị thiệt hại khoảng gần 200 triệu đồng chủ yếu là nhà kính nhưng may số hoa cúc, hoa ly chỉ bị ảnh hưởng nhẹ. Khoảng vài ngày nữa mới sửa hoàn toàn số nhà kính, khung sắt bị gió quật ngã” - anh Huy cho hay.
 
Theo ghi nhận, tại thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương), nơi diện tích nhà kính bị hư hỏng nặng nhất cũng đang được các doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại nhưng còn khá chậm. Ông Kơ Dưng Ha Quyên, Bí thư xã Đạ Chais cho biết phải ít nhất 1 tuần nữa, người dân và doanh nghiệp mới cơ bản khắc phục xong diện tích nhà kính bị ngã đổ. Riêng số rau, hoa trong nhà kính bị lũ ngập ước tính thiệt hại khoảng trên 50% chưa thể tái phục hồi trong thời gian ngắn.
 
C.T