Thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2035

09:11, 17/11/2017

Cần quy hoạch đô thị tổng thể với tầm nhìn xa đối với thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn năm 2050 bởi nhiều lẽ: vai trò, vị thế, định hướng phát triển trong không gian đô thị theo chiến lược phát triển vùng của tỉnh Lâm Đồng. Mặt khác, định hướng này cũng nhằm phát huy tốt những đặc thù của khu vực và hướng đến tiêu chuẩn đô thị loại I...

Cần quy hoạch đô thị tổng thể với tầm nhìn xa đối với thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn năm 2050 bởi nhiều lẽ: vai trò, vị thế, định hướng phát triển trong không gian đô thị theo chiến lược phát triển vùng của tỉnh Lâm Đồng. Mặt khác, định hướng này cũng nhằm phát huy tốt những đặc thù của khu vực và hướng đến tiêu chuẩn đô thị loại I...
 
Một góc thành phố Bảo Lộc hôm nay. Ảnh: M.Đ
Một góc thành phố Bảo Lộc hôm nay. Ảnh: M.Đ
Một đô thị với nhiều ưu thế 
 
Theo Đồ án nhiệm vụ quy hoạch chung của Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, thành phố Bảo Lộc gồm 6 phường, 5 xã và vùng phụ cận thuộc huyện Bảo Lâm; tổng diện tích tự nhiên 625,98 km2; tổng dân số 219.994 người (năm 2015). Đến năm 2025, dự báo dân số toàn đô thị 260.000 người, vào năm 2035 khoảng 290.000 người, năm 2040 khoảng 325.000 người. Dự kiến nhu cầu đất xây dựng năm 2025 là 3.244 ha, năm 2035 khoảng 4.500 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 2.300 ha, bình quân khoảng 80 m2/người). Định hướng phát triển không gian theo đó có 6 hành lang chính, bao gồm các trục dọc và trục ngang. Đánh giá các quy hoạch tính đến thời điểm hiện tại, với 6 phường đã phê duyệt được 16 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (tổng diện tích đã lập quy hoạch 5.693 ha, trên địa giới hành chính là 6.696 ha; đạt tỷ lệ phủ kín quy hoạch 85%). Phê duyệt 154 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng (tổng diện tích 933,7 ha; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết khoảng 14%). Với 5 xã, thực hiện xong công tác lập, phê duyệt quy hoạch chung (tổng diện tích 16.410,9 ha; tỷ lệ phủ kín đạt 100%). Đã lập và phê duyệt 16 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng (trong đó có 5 đồ án quy hoạch chi tiết trung tâm của 5 xã, 11 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn). Tổng diện tích 291,25 ha; đạt tỷ lệ phủ kín quy hoạch 2,1%... 
 
Các vấn đề cần giải quyết đối với quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận theo các tác giả đồ án bao gồm: Xác định vị thế chiến lược; Tích hợp các nguyên tắc phát triển bền vững vào định hướng quy hoạch; Chuyển hóa bản sắc vào định hướng hình thái kiến trúc đô thị; Tăng cường sức hấp dẫn kinh tế bằng những công cụ quy hoạch đô thị; Học tập kinh nghiệm quốc tế để áp dụng; Gắn kết không gian giữa thành phố và xã phụ cận, khu vực phụ cận; Xây dựng mô hình phát triển đô thị cao nguyên sinh thái, hiện đại theo định hướng tăng trưởng xanh; Bảo tồn và phát triển các không gian xanh cảnh quan. Đánh giá tổng quan về hiện trạng phát triển đô thị. 
 
Các nhà lập đồ án của Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam cho rằng, hiện thành phố đang thiếu hấp dẫn đầu tư; đô thị phát triển manh mún, chưa đồng bộ trong quản lý; hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ về cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, cấp điện... và tốc độ đầu tư phát triển các dự án đô thị còn chậm. Vì vậy, đồ án hướng đến tiềm năng và động lực của thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận bao gồm các mặt như: vị trí chiến lược; tiềm năng và vị thế trong vùng đô thị cấp quốc gia; tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm thương mại - dịch vụ cấp vùng; tiềm năng về hiện đại có bản sắc...
 
Và những ý kiến đóng góp 
 
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng tại Văn bản số 6226/UBND-XD2 ngày 10/10/2016, đầu tháng 11/2017, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã triển khai tổ chức xong việc lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với Đồ án quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Các ý kiến của thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, từ lãnh đạo Thành ủy, Huyện ủy, UBND và đại diện HĐND thành phố và huyện, đại diện UBMTTQ, các phòng chức năng, các UBND phường, xã... và gần 400 phiếu góp ý của cộng đồng dân cư trong khu vực quy hoạch... đã cơ bản thống nhất cao những nhiệm vụ quy hoạch chung mà đồ án đặt ra. 
 
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc Nguyễn Quốc Bắc cũng đặt ra một số vấn đề cụ thể khác như: ranh giới nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung; phát triển kinh tế, xã hội; thiết kế đô thị và thời gian thực hiện đồ án. Còn Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm Hoàng Trọng Hiền nêu lên: Cần xác định rõ quan điểm tại sao lại mở rộng thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận; Mục tiêu và tính chất của đô thị là gì, cần làm rõ sức hút của đô thị trung tâm từ đó đưa ra phạm vi nghiên cứu phù hợp; xác định lại phạm vi, đô thị hiện đại không nhất thiết phải có quy mô hành chính lớn mà là sức hút và mối quan hệ không gian. Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Nguyễn Trung Kiên thì đề nghị chủ đầu tư và đơn vị tư vấn ghi nhận các ý kiến đóng góp và chỉnh sửa bổ sung, phiếu lấy ý kiến nên được chỉnh sửa, nội dung chưa nói lên tính chất của cuộc họp. 
 
Đại diện cộng đồng dân cư thành phố Bảo Lộc nêu một số đề nghị: Cần nâng cấp, tôn tạo các hồ nước tự nhiên, nâng cao diện tích rừng, đảm bảo đô thị xanh bền vững; Nghiên cứu phương án xử lý rác thải phù hợp để đảm bảo nguồn nước; Kết nối du lịch thành phố với Bảo Lâm, Đạ Huoai và thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi; bổ sung phát triển cụm công nghiệp chế biến ở một số vùng phụ cận như Lộc Thành, Lộc An; xây dựng và xem xét lại vùng kinh tế công nghệ cao trong định hướng giữ nguyên vùng nguyên liệu chè, cà phê, dâu tằm... Cộng đồng dân cư huyện Bảo Lâm cho rằng: Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng chuyên canh, phát triển công nghiệp dệt may; Mở rộng quy hoạch về hướng đông (Di Linh), lấy Lộc Đức và một số xã của Di Linh làm đô thị vệ tinh cho tỉnh lỵ Lâm Đồng trong tương lai...
 
Đại diện Sở Xây dựng, Phó Giám đốc Bùi Quang Sơn cho biết: Các ý kiến góp ý được Sở này tiếp thu và cập nhật trong Nhiệm vụ quy hoạch. Đồng thời, những nội dung cụ thể, chi tiết, Sở Xây dựng sẽ nghiên cứu cập nhật vào trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung.        
 
MINH ĐẠO