Thời gốc rễ lên ngôi

08:11, 23/11/2017

Khi những cánh rừng nguyên sinh thâm u với những cây gỗ quý đã vơi cạn dần thì vài năm trở lại đây người ta bảo nhau đi vào những nương rẫy, góc rừng để tìm kiếm những gốc rễ quý còn sót lại đem về  đục đẽo, bán với giá cao.

Khi những cánh rừng nguyên sinh thâm u với những cây gỗ quý đã vơi cạn dần thì vài năm trở lại đây người ta bảo nhau đi vào những nương rẫy, góc rừng để tìm kiếm những gốc rễ quý còn sót lại đem về  đục đẽo, bán với giá cao.
 
Thú chơi gốc cây đang thịnh hành thời gian gần đây. Ảnh: C.T
Thú chơi gốc cây đang thịnh hành thời gian gần đây. Ảnh: C.T

Bây giờ đi khắp các con đường chính ở 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, không khó để bắt gặp những xưởng chế tác mỹ nghệ từ gốc rễ lớn nhỏ. Quay trở lại khoảng 5-6 năm trước, nhiều người còn giật mình với hình ảnh nhiều gốc cây khô đủ loại nằm chèo queo ở vườn, nương rẫy. Có nơi người dân đào lên làm củi, còn trong rừng tuyệt nhiên không ai ngó ngàng tới. Vậy mà bây giờ, những thứ sản vật của rừng tưởng như “đồ bỏ”, chẳng mấy giá trị đã có “vị thế” rất khác.
 
Hết nạc vạc đến xương
 
Cấm khai thác gốc cây trong rừng
 
Qua trao đổi, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thông tin, hành vi khai thác gốc cây trong rừng, từ lâu Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như UBND tỉnh đã chỉ đạo cấm việc khai thác, đào bới, vận chuyển, tiêu thụ gốc rễ không có nguồn gốc và các sản phẩm lâm sản phụ có nguồn gốc từ rừng ra nhằm hạn chế nạn phá rừng, thất thoát tài nguyên. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo trên, mặc dù theo quy định đã cấm nhưng do mức xử phạt còn nhẹ, trong khi đó nhu cầu người chơi đồ gỗ làm từ gốc cây lớn nên việc quản lý chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Sắp tới đây, sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khác tiến hành kiểm tra chặt chẽ hơn nguồn gốc số gốc cây tại các xưởng chế tác cũng như tăng cường xử phạt hành vi đào bới, vận chuyển gốc cây từ rừng ra ngoài.
Trung tuần tháng 9, theo tuyến đường đèo B40 dẫn vào Thủy điện Đồng Nai 5 đi qua xã Lộc Bắc, Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm), chúng tôi thấy rải rác trước sân nhà dân có nhiều gốc cây khô bỏ không. Mong, một “thổ địa” chuyên nghề rừng tại xã Lộc Bắc đi cùng chúng tôi giải thích những gốc cây khô cả nhóm vừa thấy là gốc xá xị, gốc hương. Tuy nhìn đơn giản như vậy nhưng là gốc đã rũa, có giá từ 500.000 tới 1,5 triệu đồng/gốc thô. “Sau khi bán cho các các xưởng mỹ nghệ đục đẽo, mấy gốc này có giá gần chục triệu đồng là bình thường” - Mong nói.
 
Theo Mong, hiện nay có nhiều thương lái, xưởng mỹ nghệ sẵn sàng thu mua những gốc cây quý như lim, cẩm lai, hương, gõ đỏ, kể cả gỗ xá xị, dổi,… miễn là gốc to, dáng “độc”, độ quý tùy chủng loại với giá khá cao nên ở các xã vùng sâu như Lộc Bắc, Lộc Bảo có ít nhất 7-8 nhóm thanh niên chuyên đi “săn” gốc thô về bán. “Không ai biết bây giờ nó thế anh ạ, nếu biết mấy thứ gốc rễ này có giá như vậy tôi đã mua trước cả chục xe tải về để đó, giờ bán kiếm tiền tỷ rồi” - Mong tặc lưỡi tiếc rẻ khi dẫn chúng tôi đi tìm gốc cây ven đường rừng vào khu vực Thủy điện Đồng Nai 5.
 
Nhiều người chơi gỗ ở Lộc Bắc cho biết, thú chơi gốc rễ bắt đầu từ dăm năm trở lại đây, xuất phát từ thú chơi của một số đại gia tại Lâm Đồng thích đồ “độc, lạ”, sau đó lan truyền dần như một mốt chơi thời thượng của nhiều người. Và từ đó bỗng chốc đã đẻ ra những người chuyên tìm kiếm gốc rễ về bán, coi đó như một nghề thời vụ trong lúc mùa màng giáp hạt, rảnh rỗi. Theo Mong giải thích, nói đi đào gốc cây thì dễ vì chỉ cần có sức khỏe, rành địa bàn rừng núi là được nhưng khi đi tìm trong nhóm phải có một người thật “tinh mắt”, sành sỏi về gỗ. Bởi không như các loại gỗ đã được chế tác, đục đẽo đẹp mắt có thể nhìn ra giá trị, nét đẹp ngay, người đi “săn” gốc rễ quý phải có mắt nhìn “nghệ thuật” để tìm ra thế gốc độc đáo từ những hình thù cục mịch, đầy bùn đất ban đầu. “Tôi biết có người nhìn gốc rất giỏi, mỗi tháng kiếm cả 100 triệu đồng do gom được nhiều gốc đẹp từ người dân bán lại” - Mong cho biết.
 
Buôn bán sôi động
 
Tại trung tâm thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) đi về TP Bảo Lộc chỉ dài trên 10 km nhưng chúng tôi ước chừng có ít nhất 15 xưởng mỹ nghệ chế tác gỗ từ gốc cây. Những xưởng gỗ này hầu hết đều nằm mặt đường chính, để gốc cây đủ loại chất chồng ra tận mép đường cho khách đi đường tiện ngắm và mua hàng. Chúng tôi chọn vào các xưởng mỹ nghệ nổi tiếng A.T tại thị trấn Lộc Thắng để hỏi mua vài gốc gõ đỏ loại nhỏ. Chủ xưởng là một thanh niên còn khá trẻ vồn vã tiếp khách, trả lời ngay: “Anh muốn mua gốc gì, ở đây có cẩm lai, hương, xá xị, dổi, trắc, cà te… tụi em đều có cả”.
 
Theo chủ xưởng mỹ nghệ này, trường hợp khách đã có gốc cây sẵn, xưởng nhận gia công tùy loại gỗ, độ khó, gốc lớn hay nhỏ sẽ lấy giá vài trăm ngàn tới chục triệu đồng/gốc. “Anh mua hay đặt hàng gỗ xá xị thơm lắm, kiểu dáng đẹp lại toàn gốc rũa chắc chắn. Hôm qua em mới mua ba gốc xá xị đỏ nặng hơn 120 kg thợ mang từ rừng ra với giá gần 2 triệu đồng/gốc. Nếu chế tác xong em lấy rẻ 10 triệu, một tuần sau sẽ có hàng giao” - chủ xưởng gỗ chào mời. Theo quan sát, chỉ ít phút ở đây nhưng có khá nhiều khách đặt hàng hoặc hỏi mua những cặp lục bình làm từ gốc gỗ dổi và gỗ hương. Ngoài số gốc đặt ở ngoài, phía sau xưởng chứa cả trăm gốc cây đã được đẽo gọt với đủ kiểu dáng bắt mắt. 
 
Tiếp tục ra một xưởng chế tác gỗ lớn H.N tại TP Bảo Lộc, gần Ngã 3 Lộc Sơn, chúng tôi bị choáng ngợp bởi số lượng gốc cây “khủng” nặng vài tạ tới cả tấn/gốc. Người quản lý xưởng cho hay: khoảng hai tuần xưởng nhập gốc rễ một lần từ các thương lái hay người dân chở từ trong rừng  ra. “Anh đi khắp các xưởng không ở đâu giá phải chăng bằng ở đây đâu. Chúng tôi làm uy tín lâu năm rồi, không chỉ trong tỉnh mà khách ngoài tỉnh đặt hàng rất nhiều” - quản lý xưởng gỗ trên nói và cho biết thêm, nhiều người dân các xã ven rừng cũng thường gom gốc cây mang bán lại cho các xưởng chế tác kiếm lời. Theo tìm hiểu, chủ xưởng H.N trước đây làm nghề điện tử nhưng do mấy năm nay gốc cây lên giá bất ngờ nên đã quyết định mở xưởng nhập sỉ gỗ cũng như thu gom khắp nơi về bán. Để xưởng được nổi tiếng, ngoài giá bán rẻ, chủ xưởng trên còn thuê 17 thợ lành nghề từ Huế, Hải Dương, Hà Nam, vốn là các tỉnh nổi tiếng về chế tác mỹ nghệ lâu nay về làm để tạo uy tín.
 
Không riêng gì ở các huyện Bảo Lâm, TP Bảo Lộc, việc buôn bán gốc rễ diễn ra khá nhộn nhịp, từ trục Quốc lộ 20 đi qua huyện Đạ Huoai, Di Linh, Đức Trọng, kể cả ngay tại TP Đà Lạt chúng tôi ước có cả chục xưởng chế tác mỹ nghệ từ gốc rễ. Từ những gốc cây sần sùi, nhìn không ra hình dạng nào nhưng khi qua bàn tay đục đẽo, các xưởng chế tác trên biến những món đồ gỗ đầy tính nghệ thuật, bắt mắt khiến người chơi chọn mua ngày một đông.
 
Những gốc cây tiền tỷ
 
Giới chơi gỗ từ gốc cây không còn lạ với những đại gia tại TP Đà Lạt, Lâm Hà hay Đức Trọng,… sở hữu những gốc cây quý, kích cỡ “khủng” với giá trị tiền tỷ. Như tại TP Đà Lạt, ông N.V.D, một chủ xưởng chế tác đồ gỗ hiện đang sở hữu một bộ gỗ xá xị đỏ khổng lồ mua trong Lạc Dương chuyển ra với giá không dưới 1 tỷ đồng. Gốc xá xị trên được dân chơi trầm trồ khen ngợi bởi mặt còn nguyên khối cao gần 70 cm, rộng 1,7 m, dài tới hơn 3 m, phần rễ được chế tác thành ghế ngồi sành điệu. Đây là chiếc bàn gỗ lũa xá xị thuộc dạng lớn nhất nhì Lâm Đồng vì không có nhiều những cây xá xị có đường kính lớn, trong khi tuổi đời của gốc xá xị trên phải lên tới vài trăm năm.
 
Còn tại huyện, có những gốc cây nhặt được ở sông suối vô tình đã trở thành những "báu vật" hiếm có . Như hộ ông Nguyễn Văn Hùng (huyện Bảo Lâm) bỗng nhiên trở thành tỷ phú từ một gốc cây trâm. Được biết, gốc cây trâm “hóa lũa” này dài hơn 4 m, cao gần 2,5 m, rộng khoảng 1,2 m ông Hùng tình cờ phát hiện trong vườn cà phê nhà mình. Đến đầu năm 2016, gốc cây này đã có nhiều người trả giá đến hơn 1 tỷ đồng, nhưng ông Hùng vẫn chưa muốn bán.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có khá nhiều đại gia tại Đức Trọng, Lâm Hà, TP Đà Lạt,... đang sở hữu những bộ gốc cây gõ đỏ, cẩm lai, gụ hiếm có giá trị từ một tới vài tỷ đồng. Như một đại gia tại huyện Đức Trọng đã không quản công mua gốc gõ đỏ (tên khác là hổ bì, cà te) tận cánh rừng trên tỉnh Đắk Nông giáp biên giới Campuchia với đường kính gốc chỗ dài nhất rộng gần 4 m, các rễ cây cũng rất lớn, ước tính nặng hơn 2 tấn cả bộ. Sau khi vất vả vận chuyển về nhà, đại gia này thuê hẳn một nhóm thợ từ Huế vào chế tác bộ gõ đỏ với các chi tiết tinh xảo, hút mắt khiến nhiều dân chơi đồ gỗ không khỏi xuýt xoa, tán thưởng mỗi khi tới chiêm ngưỡng. Một tay chuyên chơi đồ gỗ nhận định, ngoài việc chơi gốc cây liên quan tới vấn đề phong thủy, sở thích hiếu kỳ, đam mê gỗ,... cũng có không ít người mua đồ gỗ tiền tỷ chỉ để khẳng định độ chịu chơi và mức độ giàu có của mình.
 
CHÍNH THÀNH