Xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều nan giải

09:11, 22/11/2017

UBND tỉnh Lâm Ðồng vừa ban hành Kế hoạch số 3825 về việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh; trong đó, xác định đây là nhóm chất thải nguy hại, cần sớm có giải pháp xử lý quyết liệt, đồng bộ...

UBND tỉnh Lâm Ðồng vừa ban hành Kế hoạch số 3825 về việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng trên địa bàn tỉnh; trong đó, xác định đây là nhóm chất thải nguy hại, cần sớm có giải pháp xử lý quyết liệt, đồng bộ. Tuy nhiên, tới thời điểm này, tại những địa phương trọng điểm về chuyên canh rau, hoa công nghệ cao như TP Ðà Lạt, Ðơn Dương, Ðức Trọng, Lạc Dương, việc triển khai trên thực tế gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.
 
Hầu hết người dân sản xuất rau, hoa cho biết đều đốt hoặc chôn lấp bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng.
Hầu hết người dân sản xuất rau, hoa cho biết đều đốt hoặc chôn lấp bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng.

Chủ yếu ném, đốt và chôn lấp vỏ thuốc BVTV 
 
Sáng ngày 20/11, chúng tôi tới cánh đồng rau màu rộng hàng 100 ha tại thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương). Trên đường người dân vệ sinh lối đi khá sạch sẽ, nhưng ở dưới những mương nước chiều ngang 80 cm dẫn theo các thửa rau vẫn rải rác nhiều vỏ thuốc trừ sâu, túi ni-lông thuốc BVTV người dân ném xuống sau khi sử dụng. Có đoạn mương, bao gói thuốc BVTV còn làm nghẽn dòng chảy đường ống nhựa thông nước sang các thửa rau bên cạnh. Tại một thửa rau thôn Nghĩa Tân, thị trấn Thạnh Mỹ, chúng tôi chứng kiến 2 người dân đang phun thuốc trừ nấm bệnh cho 4 sào rau xà lách. Ngay khi phun thuốc xong, ông Nguyễn Thanh H., chủ thửa rau dọn dẹp dụng cụ, cho bao bì thuốc đã sử dụng vào túi ni-lông, sau đó bỏ bên bờ mương. Giải thích việc này, ông H. nói: “Trước đây, sử dụng xong tôi ném xuống mương, nhưng giờ cẩn thận hơn bỏ vào bao nhỏ, một hai tháng gom lại đốt cho sạch sẽ”.
 
Còn ngay cạnh thửa xà lách nhà ông H., nhiều người dân sau khi phun, xịt thuốc còn tiện tay ném bao bì thuốc BVTV xuống mương nước cùng với các loại rác thải khác như vỉ xốp, ống nhựa. Một người dân tại đây chia sẻ, theo thói quen nếu rác trên mương nước quá nhiều gia đình sẽ vẫn vớt lên bờ thành đống nhỏ, khi nào khô sẽ châm lửa đốt vì không biết bỏ vỏ thuốc đi đâu, nếu mang về nhà cũng phải đốt bỏ như các loại rác thông thường khác.
 
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương thừa nhận, qua rà soát thực tế tại địa phương, hầu hết người dân đều không biết cách xử lý bao bì thuốc BVTV đúng cách. Thế nhưng, vướng mắc là do Nhà nước chưa triển khai đặt bể chứa thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, nên người dân cũng không có sự lựa chọn ngoài việc đốt và chôn lấp rác thải nguy hại. 
 
“Phần lớn người dân có thói quen vứt báo gói thuốc BVTV bừa bãi tại vườn, ruộng, sông, suối hoặc ven đường sau khi sử dụng. Để giảm thiểu thực trạng trên, ngày 4/10/2017, UBND huyện đã có Kế hoạch về lộ trình thu gom, vận chuyển xử lý giai đoạn 2017-2020 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Hiện chúng tôi đang trình kế hoạch trên lên cấp tỉnh xem xét, bố trí kinh phí thực hiện” - Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương cho hay.
 
Và không chỉ các hộ dân trồng hoa màu tại thị trấn Thạnh Mỹ, theo ghi nhận ngay tại TP Đà Lạt, các phường sản xuất rau, hoa công nghệ cao như làng hoa Trại Mát (Phường 12), Làng hoa Vạn Thành, trên bờ mương, lối đi giữa các thửa vườn, bao bì thuốc BVTV cũng nằm rải rác khá nhiều. Có nhiều vị trí chai, lọ thuốc BVTV người dân ném bỏ còn nổi lềnh bềnh dồn vào một góc mương nước, bờ kênh. Ngoài ra, theo ghi nhận tại một số vị trí tại Phường 11, đã có một số bể bê tông được đặt rải rác để người dân bỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng. Và do khoảng cách đặt quá xa nên người dân vẫn chọn cách thu gom vỏ thuốc lại thành đống nhỏ sau đó chôn, đốt mà chưa có biện pháp xử lý nào khác. 
 
Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Đà Lạt cho biết, mỗi năm lượng thuốc BVTV được các trang trại, nông hộ sử dụng tại Đà Lạt ước tính khoảng 600 - 700 tấn và lượng bao bì nguy hại thải ra trên 30 tấn. Tuy nhiên, việc xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng từ người dân nhiều năm qua vẫn là phương thức tiêu hủy duy nhất là đốt, chôn lấp. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên & Môi trường khuyến cáo, việc tiêu hủy sai cách sẽ tạo ra những hệ lụy nguy hiểm bởi bao bì thuốc BVTV được liệt vào nhóm các chất thải nguy hại, khi đốt sẽ phát thải khí đi-ô-xin (chất gây ung thư). 
 
Những vướng mắc
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, ngoài huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai, TP Đà Lạt (mới có 11 bể chứa) đã ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện thí điểm, còn lại hầu hết các địa phương khác đã có kế hoạch nhưng chưa triển khai thực hiện nên việc tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thu gom bao bì thuốc BVTV đúng quy định gặp nhiều vướng mắc.
 
Lượng bao gói thuốc BVTV thải ra môi trường hàng năm tại Lâm Ðồng khoảng 357 tới 391 tấn/năm. Tuy nhiên, tới thời điểm này, số lượng bể thu gom bao gói thuốc BVTV được xây dựng tại địa phương rất ít. Toàn tỉnh chỉ có 598 bể thu gom. 
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá, trong các loại rác thải nông nghiệp, bao gói thuốc BVTV là chất thải nguy hại, cần phải được thu gom, tiêu hủy tại các đơn vị có đủ điều kiện tiêu hủy chất thải nguy hại theo đúng quy định của Bộ Tài nguyên & Môi trường. Hiện nay, với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh lên tới 278.882 ha, lượng thuôc BVTV sử dụng trung bình hàng năm tại Lâm Đồng khoảng 4.200 tới 4.600 tấn. Theo tính toán của ngành, tỷ lệ bao bì/khối lượng thuốc BVTV đối với chai nhựa khoảng 10%, gói và các loại khác khoảng 5%, trong đó chai nhựa chiếm 70%, gói và loại khác chiếm 30%. 
 
Có tới 90% lượng bao gói thuốc BVTV tại Lâm Đồng nông dân tiêu hủy theo hình thức chôn, đốt hoặc thải ra môi trường. Tỷ lệ được thu gom và tiêu hủy đúng quy định chỉ chiếm 4,7%. 
 
Một số địa phương cho biết, ngay cả khi kế hoạch được triển khai, khoảng cách cũng như số lượng bể chứa hạn chế cũng khiến thói quen của người dân chưa thể sớm thay đổi. Một lãnh đạo UBND huyện Đam Rông cho chúng tôi biết, để tránh tình trạng thực hiện đồng loạt, gây khó khăn cho việc phân bổ kinh phí cũng như việc thực hiện, trước mắt huyện Đam Rông dự kiến khảo sát và xây dựng 1 bể chứa/1 thôn hoặc 1 khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung. Trên địa bàn huyện Đam Rông có khoảng 65 thôn và khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung, do đó dự kiến trong năm 2018 xây dựng 65 bể chứa. “Nếu tính mỗi thôn có diện tích rau màu, cây công nghiệp có diện tích trung bình khoảng 380 ha thì với một bể chứa là quá ít, rất khó khăn khi tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng quy định” - vị lãnh đạo huyện Đam Rông phân tích.
 
Còn tại huyện Đạ Tẻh và Đạ Huoai, hai địa phương triển khai sớm nhất việc đặt bể chứa trên địa bàn tỉnh nhưng đến nay việc tiêu hủy loại rác thải nguy hại trên cũng khá nan giải. Theo UBND huyện Đạ Tẻh và Đạ Huoai, sau đợt chống bọ xít muỗi trên cây điều trong tháng 5-6/2017, bao bì gói thuốc BVTV lên tới gần 3 tấn vỏ thuốc Wamtox 100EC, nhưng do chưa có kinh phí tiêu hủy kịp nên người dân một số xã tại địa bàn không có kho lưu chứa đã tự tiêu hủy theo hình thức tự đốt hay thu gom như rác thải thông thường.
 
Để hạn chế rác từ vỏ thuốc BVTV tác động xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay 12 huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng theo đúng Kế hoạch 3825/KH-UBND ngày 19/6/2017 của UBND tỉnh nhưng triển khai mới được 4 địa phương. Dự kiến trong quý IV năm 2017 và quý I năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai 4 mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đạ Huoai và TP Đà Lạt. Về kinh phí thực hiện, trên cơ sở tính toán của các địa phương, đơn vị sẽ phối hợp với Sở Tài chính chủ trì thẩm định kế hoạch trình UBND tỉnh cấp kinh phí cho 12 huyện, thành phố để thực hiện, triển khai trong quý I/2018. 
 
C.THÀNH- N.NGÀ