Bất cập tại dự án sắp xếp dân di cư tự do

08:12, 29/12/2017

Gần 95 tỷ đồng để triển khai Dự án đầu tư Khu quy hoạch sắp xếp dân di cư tự do tại xã Hòa Bắc - Hòa Nam (huyện Di Linh). Thế nhưng, sau 10 năm triển khai, dự án này đã bộc lộ rất nhiều bất cập. 

Gần 95 tỷ đồng để triển khai Dự án đầu tư Khu quy hoạch sắp xếp dân di cư tự do tại xã Hòa Bắc - Hòa Nam (huyện Di Linh). Thế nhưng, sau 10 năm triển khai, dự án này đã bộc lộ rất nhiều bất cập. 
 
Dự án nhiều ý nghĩa
 
Theo Quyết định 2237/QĐ-UBND ngày 7/9/2007, Dự án đầu tư Khu quy hoạch sắp xếp dân di cư tự do tại xã Hòa Bắc - Hòa Nam có tổng mức đầu tư gần 41,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương. Trong đó, kinh phí xây dựng công trình là 24,1 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp kinh tế hơn 2 tỷ đồng, kinh phí đầu tư phát triển sản xuất hơn 15,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó dự án được điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư lên gần 95 tỷ đồng (vốn trung ương là gần 80 tỷ đồng và vốn địa phương gần 15 tỷ đồng). Mục tiêu của dự án là di dời và sắp xếp, ổn định cho 155 hộ dân di cư tự do đang sống trong rừng, ven rừng phòng hộ xung yếu; hỗ trợ cho hơn 1.400 hộ dân trong khu quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ổn định đời sống; đầu tư các hạng mục chủ yếu như: Đường giao thông nội vùng dự án, đường điện trung thế và hạ thế, giếng đào, phòng học, hội trường, nhà văn hóa; chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; khai hoang và hỗ trợ di chuyển các gia đình trong rừng, ven rừng. Thời hạn thực hiện dự án kéo dài đến hết năm 2020. 
 
Từ năm 2008 đến nay, dự án đã đầu tư được 46 km đường giao thông, xây dựng 2 hồ chứa nước, 2 giếng khoan và trạm bơm, tuyến ống nước phục vụ sinh hoạt của người dân, 4 hội trường thôn, 3 trường mẫu giáo, 20 km đường điện trung và hạ thế, thực hiện khai hoang 105 ha và đưa 80 hộ dân ra khỏi khu vực rừng phòng hộ xung yếu. Theo đánh giá, các công trình, hạng mục trên hoàn thành và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả theo mục tiêu đề ra, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Đặc biệt, công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ cũng hiệu quả hơn.
 
Sai phạm về tài chính 
 
Trong năm 2017, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành thanh tra 28/45 công trình, hạng mục của dự án với tổng giá trị dự toán được duyệt hơn 50 tỷ đồng, gồm: 13 công trình đường giao thông, 4 công trình hội trường thôn, 3 công trình trường mẫu giáo, hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt, hồ chứa nước, 2 công trình đường điện trung và hạ thế, công trình khai hoang và hạng mục hỗ trợ di dân. Kết quả thanh tra cho thấy, ngoài việc điều chỉnh quy mô nhiều hạng mục, công trình thì dự án còn nhiều sai phạm, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tài chính. Có 21 công trình lập dự toán không chặt chẽ, tính toán dư khối lượng so với bản vẽ thiết kế thi công với số tiền gần 940 triệu đồng. Trong quá trình chọn lựa nhà thầu, chủ đầu tư phê duyệt giá trúng thầu lớn hơn giá gói thầu được phê duyệt tại 3 công trình với số tiền 185 triệu đồng. Công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng thực hiện lớn hơn quy định tại 27 công trình với số tiền hơn 1,65 tỷ đồng; trong đó, Thanh tra tỉnh đã xử lý thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 1,55 tỷ đồng và yêu cầu nhà thầu thi công bổ sung đối với khối lượng đã nghiệm thu, thanh toán nhưng chưa thực hiện tại 7 công trình với số tiền gần 100 triệu đồng. 
 
Ngoài những sai phạm liên quan đến tài chính, Dự án còn có cơ cấu vốn đầu tư chưa hợp lý, tập trung phần lớn vốn cho đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, trong khi các hạng mục đầu tư phát triển sản xuất ít được quan tâm, chỉ chiếm 1,42% tổng vốn đầu tư của dự án. 
 
Bên cạnh đó, việc lựa chọn vị trí đất để lập Dự án đầu tư Khu quy hoạch sắp xếp dân di cư tự do tại xã Hòa Bắc - Hòa Nam chưa phù hợp. Một số khu vực có địa hình cao, giao thông đi lại khó khăn, thiếu nước tưới và điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi. Điều này đã khiến nhiều hộ dân không chịu di dời ra khỏi rừng phòng hộ xung yếu để vào khu vực mà nhà nước đã bố trí. 
 
Ngăn chặn sang nhượng đất dự án
 
Thời gian thực hiện dự án kéo dài, UBND huyện Di Linh chưa thường xuyên chỉ đạo và quản lý đầu tư, thiếu kiểm tra thực hiện các công trình, hạng mục đầu tư tại dự án; đặc biệt, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý rừng phòng hộ Hòa Bắc - Hòa Nam thiếu kinh nghiệm quản lý đầu tư là những nguyên nhân khiến dự án có nhiều sai phạm, bất cập. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá lại toàn bộ quá trình triển khai thực hiện dự án, rà soát và xác định rõ các công trình cần tiếp tục đầu tư cũng như nhu cầu vốn để báo cáo UBND tỉnh bố trí vốn để phấn đấu hoàn thành dự án vào năm 2020.
 
Đối với những sai phạm, Thanh tra tỉnh đề nghị UBND huyện Di Linh, chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu thi công bổ sung các hạng mục còn thiếu so với giá trị đã thanh toán; sửa chữa, khắc phục các công trình bị hư hỏng, thu hồi số tiền chênh lệch do nghiệm thu, thanh toán khối lượng không đúng. Đặc biệt, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hòa Bắc - Hòa Nam phải có trách nhiệm phối hợp với Hạt kiểm lâm lập phương án giải tỏa hơn 30 ha đất lâm nghiệp bị 43 hộ dân lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng. Các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra tình hình sử dụng đất của các hộ dân được Nhà nước bố trí đất sản xuất tại dự án, kịp thời ngăn chặn tình trạng sang nhượng đất trái pháp luật, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc. 
 
ÐÔNG ANH