Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

09:12, 01/12/2017

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, song hậu quả chiến tranh, trong đó có chất độc da cam/dioxin vẫn còn đó. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam đã và đang trở thành hoạt động đầy ý nghĩa được toàn xã hội hưởng ứng bằng những hành động thiết thực và hiệu quả.

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, song hậu quả chiến tranh, trong đó có chất độc da cam/dioxin vẫn còn đó. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam đã và đang trở thành hoạt động đầy ý nghĩa được toàn xã hội hưởng ứng bằng những hành động thiết thực và hiệu quả.
 
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai hỗ trợ 50 triệu đồng cho Hội NNCĐ Da cam/dioxin Phường 9, Đà Lạt. Ảnh: N.Thu
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai hỗ trợ 50 triệu đồng
cho Hội NNCĐ Da cam/dioxin Phường 9, Đà Lạt. Ảnh: N.Thu

Hội Nạn nhân chất độc Da cam/dioxin Phường 9, thành phố Đà Lạt tuy mới đi vào hoạt động được gần 2 năm nhưng đã phát huy hiệu quả rõ rệt, tập trung hướng các hoạt động thiết thực, ý nghĩa về cho nạn nhân da cam và thân nhân của người nhiễm dioxin tại khu dân cư. Hiện nay, Hội Nạn nhân chất độc Da cam/dioxin Phường 9 gồm 8 chi hội với 65 hội viên, trong đó có 8 hội viên là con của nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. 
 
Ông Lê Bá Bảo - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/dioxin Phường 9 cho biết: Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Đảng ủy, UBND Phường 9, thời gian qua, bằng tinh thần trách nhiệm và tình cảm với xã hội với các đối tượng không may bị nhiễm chất độc da cam, đội ngũ cán bộ Hội đã hoạt động rất tích cực, năng động, sáng tạo và mang lại những hiệu quả tích cực.  
 
Được biết năm 2017, nguồn quỹ Hội vận động được gần 68 triệu đồng, trong đó Hội đã vinh dự được đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương hỗ trợ 50 triệu đồng. Nguồn quỹ thu được tuy chưa nhiều nhưng bằng trách nhiệm của các cán bộ Hội, các hoạt động thăm hỏi ốm đau, tặng quà động viên được duy trì thường xuyên. Đồng thời, Hội cũng kịp thời chia buồn, phúng viếng các nạn nhân qua đời, hỗ trợ hội viên bị bệnh hiểm nghèo phải mổ tại thành phố Hồ Chí Minh là 3 triệu đồng. Với mức hỗ trợ 75% mua thẻ bảo hiểm y tế đã thực hiện cho 1 trường hợp là thân nhân của hội viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa có bảo hiểm y tế. Vào dịp Tết Đinh Dậu 2017, Hội đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các nạn nhân với tổng giá trị phần quà là hơn 13 triệu đồng...
 
Riêng vào dịp tổ chức kỷ niệm 56 năm Ngày thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961-10/8/2017),  Hội đã tổ chức gặp mặt tọa đàm ôn lại lịch sử mất mát hy sinh của các nạn nhân do thảm họa da cam trong chiến tranh để lại và tặng quà động viên khích lệ tinh thần các hội viên, đối tượng da cam với tổng kinh phí trên 15 triệu đồng. Món quà vật chất tuy không nhiều nhưng hoạt động “Nghĩa tình thủy chung” ấy đã động viên tinh thần và nghị lực giúp các hội viên vượt qua nỗi đau mất mát, bệnh tật và những khó khăn trong cuộc sống hiện tại. Lễ kỷ niệm cũng là dịp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên, nạn nhân da cam còn nhiều bất cập về chính sách, chế độ cần kiến nghị Nhà nước quan tâm giải quyết.
 
Chỉ trong 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa ít nhất 366 kg dioxin - chất độc nhất trong các chất độc mà con người từng biết, xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam, làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư. 
 
Theo thống kê, toàn quốc hiện có tới hơn 4,8 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Đa số những nạn nhân có hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn. Nhiều cựu chiến binh từng một thời cầm súng đánh giặc, chiến đấu trong khu vực bị đế quốc Mỹ rải chất độc, vẫn đang cố gắng bươn chải với cuộc sống thường nhật. Khó khăn chồng chất khó khăn khi chính bản thân họ còn phải đeo theo gánh nặng là chăm sóc, nuôi dưỡng những người con, người cháu tật nguyền do hậu quả chất độc da cam để lại. 
 
Thấu hiểu nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người chồng, người con có người thân là nạn nhân của chất độc da cam, toàn xã hội đã có những hành động thiết thực và chung tay góp sức giúp đỡ các đối tượng nhằm bù đắp phần nào những mất mát to lớn đó.
 
Ngoài việc đem đến một cuộc sống vật chất, tinh thần tốt nhất cho các nạn nhân da cam, công tác chăm sóc luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng các bộ, ngành đặc biệt quan tâm. Từ đó, góp phần vào nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, phục hồi sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam. Xoa dịu nỗi đau da cam không còn là trách nhiệm của riêng ai, mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc cùng nhau giúp những nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt qua nỗi đau về thể xác và tinh thần, vươn lên trong cuộc sống là trách nhiệm không của riêng ai.
 
HÀ NGUYỆT