Khu Dự trữ sinh quyển LangBiang và Diễn đàn Quản lý hợp tác

09:12, 11/12/2017

Diễn đàn Quản lý hợp tác (QLHT) là một công cụ nhằm mở rộng và phối hợp các trách nhiệm xã hội từ tất cả các bên có liên quan trong Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) vì sự phát triển bền vững. Vậy có thể thực hiện bằng cách nào?

Diễn đàn Quản lý hợp tác (QLHT) là một công cụ nhằm mở rộng và phối hợp các trách nhiệm xã hội từ tất cả các bên có liên quan trong Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) vì sự phát triển bền vững. Vậy có thể thực hiện bằng cách nào?
 
Doanh nghiệp là chủ công trong tạo ra sản phẩm có thương hiệu Lang Biang. Ảnh: M.Đ
Doanh nghiệp là chủ công trong tạo ra sản phẩm có thương hiệu Lang Biang. Ảnh: M.Đ
Theo TS Đỗ Văn Ngọc - tư vấn Dự án JICA, đối với Khu DTSQ thế giới Lang Biang, trước hết là công tác thu thập thông tin từ tất cả các thành phần xã hội về các vấn đề, các hoạt động có khả năng gây các tác động tiêu cực cho các hệ sinh thái của Khu DTSQ. Từ đây, đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề thông qua sự thảo luận, phân tích và đồng thuận của mọi thành viên tham gia. Trên cơ sở này, đệ trình các đề xuất lên Ban quản lý (BQL) Khu DTSQ Lang Biang để phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương có liên quan giải quyết. Cùng đó, giám sát tiến trình và kết quả của các giải pháp đã được đề xuất. Về nguyên tắc cơ bản của việc vận hành Diễn đàn QLHT là không có chủ trì, chỉ có người thúc đẩy, gọi là ban thư ký; các thành viên có vai trò ngang nhau; công cụ để tiến tới thống nhất là thảo luận và đi đến kết luận bằng sự thống nhất của tất cả các thành viên tham gia. 
 
Thời gian qua, tại Khu DTSQ Lang Biang, đã tiến hành 3 cuộc họp tham vấn với người dân địa phương của 3 thôn Dưng K’si, Da Ra Hoa và Bon Dung 1 cùng chính quyền xã, thị trấn. Qua đó, các thành viên tham gia đã hiểu được vai trò và chức năng của Khu DTSQ, quan trọng hơn là hiểu được cuộc sống của họ phụ thuộc vào Khu DTSQ Lang Biang. Chính các thành viên đã tự liệt kê được các hoạt động có khả năng gây ra các tác động tiêu cực lên các hệ sinh thái tự nhiên của Khu DTSQ Lang Biang. Một trong những hệ quả quan trọng là chính người dân thu thập thông tin đang đối mặt để chuẩn bị cung cấp cho diễn đàn cùng xử lý. Ví dụ như ô nhiễm nguồn nước của hồ cấp nước sinh hoạt  tại xã… Từ đây, đề ra những việc cụ thể như tuyên truyền, ngăn chặn không tắm giặt tại hồ, giảm thiểu chăn thả bò quanh hồ; đơn vị chức năng là Trung tâm Quản lý và khai thác công trình công cộng tiến hành súc rửa bể, làm nắp đậy bể lọc, dọn dẹp môi trường rác hữu cơ xung quanh và thường xuyên giám sát, kiểm tra… Phần tiếp theo là Diễn đàn QLHT có những đề xuất cấp thẩm quyền cấp kinh phí nâng cấp hệ thống cấp nước cũ nhằm giải quyết cơ bản tình hình ô nhiễm; xem xét đầu tư hệ thống cấp nước mới để khắc phục tình trạng thiếu nước của người dân. 
 
Qua thực tiễn hoạt động của Diễn đàn QLHT cho thấy, để vận hành hiệu quả, cần mở rộng mạng lưới thông tin bằng cách thu hút thêm nhiều bên vào hệ thống cung cấp thông tin như cơ quan truyền thông, hội đồng nhân dân, các tổ chức đoàn thể của Mặt trận… Mặt khác, hoạt động của Diễn đàn QLHT cần tiến hành đầu tiên tại các thôn thuộc vùng lõi, vùng đệm của Khu DTSQ Lang Biang; sau đó, cải thiện việc vận hành và nâng cao chất lượng dần dần mở rộng toàn vùng đệm. Nhiều đại biểu tại Phiên họp lần 4 BQL Khu DTSQ thế giới Lang Biang vừa qua đều đồng tình một vấn đề quan trọng là để Diễn đàn QLHT thực sự có hiệu quả trong việc góp phần quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững rất cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là giải quyết những kiến nghị, đề xuất liên quan từ Diễn đàn. 
 
Một đề xuất cũng hết sức quan trọng là thành lập cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học (ĐDSH) ở mức độ hệ sinh thái và loài tại Khu DTSQ Lang Biang được TS Lưu Hồng Trường, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam  - tư vấn Dự án JICa bàn đến. Cùng đó, hình thành hệ thống quan trắc ĐDSH lâu dài; quan tâm đến sự tham gia của cán bộ Vườn quốc gia và cộng đồng nhằm nâng cao năng lực và nhận thức. Một hướng khác, cũng với vai trò tư vấn Dự án JICA, tác giả Nguyễn Cao Độ đã bàn sâu đến chiến lược Marketing của Khu DTSQ Lang Biang cho các sản phẩm có thương hiệu Lang Biang. Đây là đề tài hấp dẫn, thu hút nhiều người, từ cán bộ quản lý đến nhà đầu tư là doanh nghiệp và nhân dân sống gần Khu DTSQ Lang Biang. Nhiều vấn đề được bàn thảo xung quanh đề tài này như đâu là sản phẩm đặc trưng, chất lượng, giá cả, nguồn nguyên liệu, quy trình thu hái, sản xuất, bảo quản, đầu ra thị trường đến thương hiệu Lang Biang… Theo ông Lê Văn Hương, Phó BQL Khu DTSQ thế giới Lang Biang, các doanh nghiệp là lực lượng chủ công quyết định sự thành công trong hoạt động này, do đó rất cần nhiều đến tính đồng thuận cùng phát triển, cùng bảo tồn.   
 
Khu DTSQ thế giới Lang Biang hiện là đơn vị tiên phong trên cả nước về việc xây dựng kế hoạch hành động và kế hoạch làm việc hàng năm cũng như kế hoạch triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo cố vấn trưởng Dự án Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững, ông Kensei Oda, vấn đề là làm sao tăng cường được vai trò của Ban thư ký. Việc thúc đẩy và kiện toàn rất cần đặt ra một cách khẩn trương và nghiêm túc hơn nữa mới không còn là điều lo ngại về khó khăn trong hoạt động. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hoạt động, sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương liên quan… cũng là những thách thức trước mắt. Và muốn các ý tưởng, những kế hoạch, nhiệm vụ đặt ra đi đến kết quả đích thực, trước hết và quan trọng nhất hiện nay là làm sao đạt được chương trình khung để được cấp thẩm quyền của tỉnh thẩm định, phê duyệt, đó là ý kiến của PGS, TS Lê Xuân Thám - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Khu DTSQ thế giới Lang Biang.       
 
MINH ĐẠO