Mai một làng gốm Krăng Gọ

09:12, 27/12/2017

Về xã Pró (huyện Ðơn Dương) hôm nay, cái tên Krăng Gọ vẫn được nhắc đến với niềm tự hào là làng gốm truyền thống từ bao đời nay của người Churu. Nhưng đi khắp thôn, không còn dễ để gặp được hình ảnh nặn đất, làm gốm và ngọn lửa nung gốm đã không còn cháy mang đến nỗi lo mai một làng nghề.

Về xã Pró (huyện Ðơn Dương) hôm nay, cái tên Krăng Gọ vẫn được nhắc đến với niềm tự hào là làng gốm truyền thống từ bao đời nay của người Churu. Nhưng đi khắp thôn, không còn dễ để gặp được hình ảnh nặn đất, làm gốm và ngọn lửa nung gốm đã không còn cháy mang đến nỗi lo mai một làng nghề.
 
Bà Ma Ly không dám chắc rằng, rồi đây, khi đứa cháu gần 2 tuổi của bà lớn lên, nó có còn hiểu được nguồn gốc của cái tên Krăng Gọ - làng gốm. Ảnh: Việt Quỳnh
Bà Ma Ly không dám chắc rằng, rồi đây, khi đứa cháu gần 2 tuổi của bà lớn lên, nó có còn hiểu được nguồn gốc của cái tên Krăng Gọ - làng gốm. Ảnh: Việt Quỳnh

Một thời đã xa
 
Nghệ nhân Ma Ly (62 tuổi) chỉ biết thở dài nhìn bao đất lấy từ núi T’rôm Ụ vẫn để yên nơi góc nhà  cả tháng nay. Bà bảo, không được nhào đất, nung gốm nên buồn tay buồn chân. Buồn vậy, nhưng khi nhắc đến những “ngày xưa” của làng gốm, mắt bà lại ánh lên rạng rỡ.
 
Một thời, nghề làm gốm ở Krăng Gọ được xem là nghề cứu đói của cả buôn làng Churu này. “Nhờ làm gốm đổi lúa, đổi ngô mới sống được qua ngày. Từ nồi nấu cơm, đến nồi thuốc, nồi rượu, chén bát, đến cả cái khuôn đổ nhẫn bạc truyền thống của người Churu cũng là từ làng gốm này làm ra. Những ngày đó cả làng cùng làm gốm, cùng đỏ lửa nung gốm suốt đêm ngày.”- bà Ma Ly nói trong  tiếc nuối  về thời kỳ hoàng kim xưa.
 
Từ nhà của bà Ma Ly có thể thấy được ngọn núi mà người Krăng Gọ lấy đất làm gốm. Nhưng để qua tới đó gùi từng bao đất nhỏ về, người dân trong thôn đã từng phải băng qua suối, qua ruộng, qua cầu treo mới lấy được. Từ bao đời rồi, bà và mẹ Ma Ly đã lấy đất ở đó, bỏ lớp trên lớp dưới, chỉ lấy lớp đất ở giữa để làm. 
 
Đất lấy về được phơi khô, sau đó giã nhỏ từng chút một. “Nhà nước cũng đã từng đầu tư máy giã đất, xay đất một lượt để người làm gốm bớt vất vả, nhưng rồi cũng đành bỏ. Vì đất làm gốm phải sạch, mình giã bằng tay thì mới lấy được đất bột, còn máy thì nghiền cả đất đá lẫn lộn, không có lọc được.”- bà Ma Ly cho hay. Đất nhồi kỹ với nước, canh khô vừa phải để nặn sản phẩm. Công đoạn này đòi hỏi kỹ càng, không được để lẫn một chút gì vào đất. Bởi nếu để lẫn vào đất sét cho dù chỉ là hạt sỏi hay sợi tóc, thì sản phẩm khi mang đi nung sẽ bị vỡ, nổ và không lành lặn. 
 
Người Krăng Gọ nặn gốm hoàn toàn bằng tay chứ không dùng bàn xoay. Nặn xong, cứ vừa phơi vừa điều chỉnh cho sản phẩm. Vì là làm bằng tay nên những nồi, những lọ của gốm Krăng Gọ không bao giờ tròn hẳn. Gốm khô được chất từng lớp, sau đó chất củi xung quanh để nung chứ không nung trong lò. Để sản phẩm có độ bóng láng, người ta dùng loại trái có tên pơlai canh (trám rừng) lấy từ trong rừng về để đánh cho bóng. Sản phẩm làm ra là kết quả của óc thẩm mỹ, bàn tay khéo léo cùng sự cầu kỳ, tỉ mỉ và nhẫn nại của người Churu nơi đây.
 
Không còn người làm gốm
 
Có lẽ vì kỳ công như vậy mà sản phẩm làm ra không bán được bao nhiêu tiền, nên bây giờ, đã không còn nhiều người Krăng Gọ bám lấy nghề để sống. Ngay cả bà Ma Ly - người luôn đau đáu với nghề truyền thống của làng - cũng phải trồng thêm lúa, thêm rau, nấu thêm rượu bên cạnh việc làm gốm mới đủ nuôi gia đình.
 
Bây giờ, trong nhà Ma Ly chỉ có mỗi mình bà làm gốm, mấy cô con gái còn lại chỉ phụ mẹ mỗi lúc rảnh rỗi. Dẫu buồn, nhưng bà chẳng dám phàn nàn. Vì “cứ bám lấy nghề, tụi nó làm sao đủ tiền để sống, để nuôi con cái ăn học.”- bà vừa chỉ vào cái nồi đất nấu cơm có giá chỉ 50 nghìn đồng, vừa ngậm ngùi nói. Số người bà biết còn giữ nghề đều đặn trong thôn chỉ còn 4 người.
 
Ông Nguyễn Hữu Chi - Chủ tịch UBND xã Pró cũng nhìn nhận, điều khó khăn nhất mà gốm Krăng Gọ đang gặp phải là chưa có đầu ra ổn định. Nên mặc dù xã đã tìm mọi cách để duy trì làng nghề truyền thống này, nhưng đến nay ở Krăng Gọ không còn nhiều người làm gốm. 
 
Bà Ma Ly cho hay: “Cũng có người ở tận Sài Gòn  tìm đến mua. Vấn đề là giá bán ra rất thấp, lại ít người mua quá. Nên nhiều người như Ma Thiều, Ma Lan cũng chỉ mới làm, nhưng cứ lo làm ra không ai mua nên tôi phải thuyết phục họ cứ làm rồi mang đến nhà để tôi bán giùm. Mà nói vậy chứ đâu phải lúc nào cũng đều đặn có khách hỏi mua”.
 
Năm 2015, thực hiện mô hình đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề, lớp đào tạo, truyền nghề làm gốm, xã Pró cũng mở lớp với 12 học viên và 3 nghệ nhân. Sau 20 ngày, học viên đã học được các công đoạn để hoàn thành sản phẩm. Nhưng các chị học rồi lại để đó, chứ không mang ra áp dụng. Chị Lương Thị Hằng - cán bộ xã Pró, đồng thời là quản lý lớp học làm gốm, cho hay: “Nếu chỉ tập trung làm gốm thì cứ 2 ngày mỗi người sẽ làm được 5 sản phẩm, nhưng có thời gian rảnh thì người dân mới làm vì thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống. Và nếu ai cũng làm và làm đều đặn hàng ngày thì sản phẩm làm ra cũng không có nơi tiêu thụ được”. 
 
Nhìn những chum, những ché chất trong góc nhà, bà Ma Ly buồn buồn nói: “Tới giờ, đâu có đứa nào trẻ trong thôn chuyên làm gốm để sống đâu. Mình lo lắm, lo chết luôn, nên mỗi lúc làm cứ sai mấy đứa con, mấy đứa cháu phụ một tay để vừa làm vừa học, để sau này khỏi mất nghề. Bây giờ, cả 5 cô con gái của mình đều biết làm, nhưng nói để bám nghề thì chắc không đứa nào chịu”.   
          
VIỆT QUỲNH