Quản lý công suất khai thác cát trên sông Ða Nhim còn phức tạp

09:12, 04/12/2017

Mấy năm gần đây, tình trạng sạt lở dọc bờ sông Ða Nhim, đoạn chảy qua huyện Ðơn Dương đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng khiến nhiều hộ dân có đất canh tác ven sông thấp thỏm, lo âu. 

Mấy năm gần đây, tình trạng sạt lở dọc bờ sông Ða Nhim, đoạn chảy qua huyện Ðơn Dương đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng khiến nhiều hộ dân có đất canh tác ven sông thấp thỏm, lo âu. Theo phản ánh của người dân, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do khai thác cát rầm rộ nhiều năm qua. Mặc dù tới thời điểm này, hoạt động khai thác cát đã giảm bớt khá nhiều so với các năm trước, nhưng cơ quan chức năng thừa nhận việc kiểm soát công suất khai thác cát trên dòng sông Ða Nhim vẫn còn nhiều thách thức.
 
Người dân cho rằng hoạt động khai thác cát diễn ra nhiều năm qua là nguyên nhân chính dẫn tới sạt lở hai bên bờ sông Đa Nhim. Ảnh: C.T
Người dân cho rằng hoạt động khai thác cát diễn ra nhiều năm qua là nguyên nhân chính dẫn tới sạt lở
hai bên bờ sông Đa Nhim. Ảnh: C.T

Chiều ngày 26/11, theo ghi nhận của chúng tôi, trên tuyến sông dài khoảng 4 km kéo từ xã Quảng Lập tới hết thị trấn Thạnh Mỹ vẫn còn khoảng 10 máy bơm cát trực tiếp từ ven sông lên những chiếc xe tải chở cát chờ sẵn. Đó là chưa kể còn có ít nhất 6 chiếc thuyền hút cát từ giữa lòng sông lên các bãi tập kết trên bờ sông.
 
Vừa qua một số người dân đã có ý kiến với UBND huyện Đơn Dương về việc các doanh nghiệp khai thác cát làm sạt lở cục bộ một số vị trí bờ sông Đa Nhim. Tuy nhiên, qua kiểm tra tình hình khai thác cát mới đây, UBND huyện Đơn Dương chưa có căn cứ khẳng định các cá nhân, doanh nghiệp có cấp phép làm sạt lở bờ sông như người dân phản ánh. Về sai phạm, năm 2016, Phòng TN&MT huyện đã phát hiện một cá nhân khai thác cát lậu không có giấy phép và đã đình chỉ hoạt động, đồng thời xử phạt hành chính 8 triệu đồng.
Mặc dù đã gần 18 h chiều nhưng vẫn còn 5 máy hút cát được đặt trên thuyền vẫn cật lực bơm cát lên ôtô cách vị trí cầu Quảng Lập gần 1 km. Nguyên một dải đất ven hai bên sông Đa Nhim bị sạt lở hai bên bờ sông kéo dài khoảng 700 m. Một con đường nhỏ ven sông Đa Nhim người dân đi lại ra cánh đồng hoa màu HTX Thạnh Nghĩa cũng xuất hiện một số hàm ếch ăn luồn dưới lòng đường 1 - 2 m. Ông Thái Văn Huy (50 tuổi), một người dân trồng rau xà lách giáp bờ sông Đa Nhim (bên phía HTX Thạnh Nghĩa, thị trấn Thạnh Mỹ) đã có hơn 10 năm gắn bó trên mảnh đất bãi bồi ven sông chia sẻ: Trước đây, vào năm 2007 - 2008, khi chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào khai thác cát trên bờ sông Đa Nhim thì lòng sông chiều ngang chỉ rộng tầm 6 -7 m. Bình thường không phải vào mùa mưa người dân lội qua sông mực nước mới trên đầu gối. “Giờ anh nhìn coi sau nhiều năm các doanh nghiệp hút cát rầm rộ, lòng sông rộng có đoạn hơn 300 m, sâu 6 - 7 m, không ai còn nghĩ dám lội qua, còn ven bờ thì đất sói lở, khoét sâu nhìn rất nham nhở” - ông Huy bức xúc.
 
Còn theo một số người dân xã Quảng Lập sinh sống dọc bờ sông Đa Nhim, do khai thác cát rầm rộ nhiều năm qua khiến lòng sông sâu hơn, khi mưa lũ tràn về làm sói mòn nhanh chóng hai bên bờ. Dưới sông đã vậy, hoạt động vận chuyển cát cũng khiến nhiều người dân trên bờ chịu cảnh bụi bặm, đường sá xuống cấp trầm trọng. Điều gây bức xúc lớn cho người dân tại đây là hầu hết con đường bị cày nát là do xe chở cát gây ra. Ông Trần Văn Hoàng, người dân sống gần khu vực khai thác cát thị trấn Thạnh Mỹ, nhận xét: Đường trọng tải cho phép các xe lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Du, Nguyễn Văn Linh và một số đường bê tông từ bờ sông ra xã Quảng Lập tối đa 10 tấn, nhưng xe tải chở cát luôn có tải trọng từ 10 tới gần 30 tấn vẫn thường xuyên chạy qua các tuyến đường này hằng ngày.
 
Đúng như người dân phản ánh, chúng tôi chỉ quan sát khoảng 1h đồng hồ (ngày 26/11) trên tuyến đường Nguyễn Du, nhưng có tới hơn 10 chiếc xe tải chở cát hút trực tiếp từ dưới sông lên, nước còn chảy ròng ròng đi qua đoạn đường ngay trung tâm thị trấn Thạnh Mỹ về hướng Ngã ba Fi Nôm, huyện Đức Trọng. Trong đó, đoàn xe ben chở cát ướt có trọng tải lớn không dưới 25 tấn/xe.
 
Qua trao đổi, ông Lưu Đình Châu - Phó Phòng Tài nguyên và môi trường (TN&MT) huyện Đơn Dương cho biết, hiện trên dòng sông Đa Nhim do huyện quản lý có 5 cá nhân, doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát. Trong đó, giấy phép khai thác cấp cho bà Trần Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Thị Trấu (khai thác bên phía xã Quảng Lập) hiện lượng cát đã cạn kiệt nên gần như dừng khai thác. Thời điểm này nếu so với hoạt động khai thác cát năm 2014-2015 thì công suất khai thác cũng như số lượng giấy phép được cấp đã giảm đi nhiều.
 
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là việc kiểm soát công suất khai thác cát dựa trên giấy phép UBND tỉnh cấp cho các doanh nghiệp rất khó khăn. Theo ông Châu, mặc dù giấy phép được tỉnh Lâm Đồng cấp đều có công suất khai thác hằng năm rất khiêm tốn, nhưng nếu cần đối chiếu, xác định doanh nghiệp khai thác vượt mức hay không cũng không có phương pháp tối ưu nào có thể áp dụng.
 
“Để giám sát công suất khai thác cát từ doanh nghiệp, thời gian qua, chúng tôi đã tích cực kiểm tra, giám sát nhưng thú thực là không thể kiểm soát được công suất chính xác. Các doanh nghiệp nếu lách luật họ sẽ khai thác về đêm, vận chuyển không theo giờ giấc cố định, chỉ báo cáo khai thác công suất giới hạn theo giấy phép,…” - ông Châu nói và cho biết thêm thời gian tới Phòng TN&MT sẽ cùng với các phòng, ban chức năng khác sẽ tăng cường kiểm tra thường xuyên hơn; đồng thời kiểm tra, rà soát lại thông tin người dân phản ánh các tàu hút cát gần bờ gây sói mòn cục bộ một số vị trí bờ sông Đa Nhim trong thời gian qua.
 
C.THÀNH