Luật mới sẽ xử lý nạn khai thác thiếc lậu triệt để?

08:12, 07/12/2017

Nhiều người dân đặt câu hỏi một thời gian dài lực lượng chức năng huyện Lạc Dương liên tục "đột kích" vào điểm nóng khai thác thiếc lậu tại Tiểu khu 142; 143 (khu vực Núi Cao, xã Đạ Sar) nhưng tới giờ các hầm thiếc vẫn tiếp tục vươn vòi mọc trở lại mỗi khi hầm thiếc cũ bị đánh sập? 

Nhiều người dân đặt câu hỏi một thời gian dài lực lượng chức năng huyện Lạc Dương liên tục “đột kích” vào điểm nóng khai thác thiếc lậu tại Tiểu khu 142; 143 (khu vực Núi Cao, xã Đạ Sar) nhưng tới giờ các hầm thiếc vẫn tiếp tục vươn vòi mọc trở lại mỗi khi hầm thiếc cũ bị đánh sập? Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề trên, một cán bộ Công an huyện Đơn Dương trong đoàn truy quét, đánh sập hầm thiếc lần thứ 9 (ngày 1/12) trong năm 2017 nhận định: “Luật còn yếu nên xử lý điểm nóng kéo dài và tốn kém, nếu không áp dụng xử lý hình sự thì không thể truy quét các đối tượng triệt để được”. 
 
Đoàn liên ngành tiến hành giải tỏa khu vực khai thác thiếc lậu tại Núi Cao ngày 1/12 và là lần thứ 9 trong năm 2017. Ảnh: C.Thành
Đoàn liên ngành tiến hành giải tỏa khu vực khai thác thiếc lậu tại Núi Cao ngày 1/12
và là lần thứ 9 trong năm 2017. Ảnh: C.Thành

Ông Trịnh Xuân Tự - Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim (đơn vị chủ rừng quản lý khu vực Núi Cao) chia sẻ, các đối tượng cầm đầu là chủ hầm thiếc từ lâu lực lượng công an cũng như đơn vị đều nắm khá rõ. Thậm chí là nắm nhân thân, tên tuổi, quê quán người đứng đằng sau chuyên thuê các đối tượng cộm cán, bất chấp nguy hiểm khai thác thiếc lậu. Thế nhưng, theo ông Tự mỗi lần đoàn liên ngành ập vào giải tỏa, gần như không lần nào các chủ hầm có mặt tại đây. Họ dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn tránh và dĩ nhiên hiểu rõ kẽ hở của pháp luật về xử phạt hành vi khai thác khoáng sản trái phép ở khung hình phạt nào. Biện pháp duy nhất để hạn chế tối đa hoạt động của “thiếc tặc” là phá lán trại, máy móc, trang thiết bị… Riêng về con người, mầm mống cơ bản của rất nhiều lần tái diễn cảnh khai thác thiếc lậu, đoàn liên ngành chỉ có thể đẩy đuổi và vận động họ không quay trở lại hầm.
 
Đề cập câu chuyện này, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài cho biết, quan điểm của UBND tỉnh Lâm Đồng mới đây là tuyệt đối không cho các cá nhân, tổ chức khai thác, thăm dò khoáng sản tại khu vực Núi Cao nên huyện sẽ tập trung truy quét với cường độ cao hơn. Theo ông Hoài, may mắn là sắp tới đây Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 có thể khởi tố hình sự các đối tượng cầm đầu đường dây khai thác thiếc. Và với luật xử phạt mạnh hơn, huyện Lạc Dương hy vọng sẽ sớm giải tỏa hoàn toàn các hầm thiếc, không để các đối tượng khai thác trở lại như nhiều lần khác.
 
Qua trao đổi với một lãnh đạo Sở Tư pháp Lâm Đồng thì BLHS 2015 sửa đổi bổ sung một số điều từ BLHS 1999 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018) sẽ giúp cơ quan thực thi pháp luật cụ thể hóa được nhiều hành vi thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là có thể truy cứu trách nhiệm hình sự các tổ chức, cá nhân liên quan. Đơn cử như Điều 227 BLHS 2015 quy định: “Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”.
 
“Sẽ có nhiều thuận lợi nhưng vận dụng luật cũng có vướng mắc. Ví dụ BLHS 2015 quy định, muốn khởi tố hình sự hành vi khai thác khoáng sản trái phép thì lượng tang vật phải trị giá từ 500 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng. Hoặc khai thác trái phép có tổ chức, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%,… Tuy nhiên, hành vi khai thác khoáng sản trái phép khó chứng minh gây hậu quả tức thì, đồng thời khi bắt quả tang các đối tượng khai thác thiếc lậu, cơ quan chức năng phải chứng minh giá trị khoáng sản tối thiểu là 100 triệu đồng. Khung vậy vẫn còn cao vì khai thác khoáng sản lậu cơ bản nhỏ lẻ, manh mún. Trong khi các đối tượng cũng rất khôn khéo trong việc lách luật” - vị lãnh đạo Sở Tư pháp phân tích.
 
Như vậy là với BLHS 2015 sắp có hiệu lực, mặc dù còn có khó khăn nhất định khi áp dụng luật nhưng việc truy quét hầm thiếc lậu, các đối tượng cầm đầu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Đặc biệt khi đã có chủ trương nhất quán từ UBND tỉnh, UBND huyện Lạc Dương, các ban, ngành liên quan cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để khu vực Núi Cao được người dân biết tới là điểm nóng khai thác thiếc trái phép phải được xử lý triệt để trong thời gian tới.
 
C.THÀNH