Sẵn sàng triển khai điểm mới chi trả dịch vụ môi trường rừng

08:12, 20/12/2017

Từ ngày 1/1/2018, Thông tư số 22/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 chính thức có hiệu lực thi hành, theo đó có nội dung mới thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). 

Từ ngày 1/1/2018, Thông tư số 22/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 chính thức có hiệu lực thi hành, theo đó có nội dung mới thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). 
 
Rừng do cộng đồng đồng bào DTTS ở Đức Trọng quản lý, bảo vệ xuất sắc được UBND tỉnh tặng Bằng khen năm 2016. Ảnh: Đạo Phan
Rừng do cộng đồng đồng bào DTTS ở Đức Trọng quản lý, bảo vệ xuất sắc được UBND tỉnh tặng Bằng khen năm 2016. Ảnh: Đạo Phan

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Lâm Đồng cho biết, Thông tư 22 được Quỹ BV&PTR đặc biệt quan tâm tuyên truyền đến các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến cung ứng, sử dụng và chi trả tiền DVMTR. Đó là xác định tiền DVMTR; hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR, kế hoạch thu, chi; xác định diện tích để chi trả tiền DVMTR; miễn, giảm tiền DVMTR… 
 
Cụ thể, tại Điều 6, Điểm 1 quy định: Hàng năm, Giám đốc Quỹ BV&PTR cấp tỉnh xác định số tiền chi trả cho bên cung ứng DVMTR theo số tiền thực thu trong năm, gồm số tiền điều phối từ Quỹ BV&PTR Việt Nam và thu nội tỉnh. Trường hợp có thiên tai, khô hạn và trường hợp mức chi trả cho 1 ha rừng thấp hơn năm trước liền kề, Quỹ BV&PTR cấp tỉnh trình UBND cấp tỉnh quyết định bổ sung từ nguồn kinh phí dự phòng. Đối với diện tích rừng có mức chi trả DVMTR lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng, tùy theo đối tượng trên cùng địa bàn cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh quyết định mức điều tiết phù hợp. Trường hợp không xác định hoặc chưa xác định được bên cung ứng DVMTR, Quỹ BV&PTR trình UBND cấp tỉnh quyết định điều tiết số tiền DVMTR cho bên cung ứng có mức chi trả DVMTR bình quân 1 ha từ thấp nhất trở lên. 
 
Về ký hợp đồng chi trả DVMTR, trường hợp chi trả trực tiếp, bên cung ứng DVMTR ký hợp đồng với bên sử dụng DVMTR, trong đó xác định loại dịch vụ, mức chi trả, thời gian chi trả, phương thức chi trả. Mức chi trả không thấp hơn mức chi trả được quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP và Nghị định số 147/2016/NĐ-CP. Trường hợp chi trả gián tiếp, bên sử dụng DVMTR ký hợp đồng ủy thác với Quỹ BV&PTR Việt Nam đối với diện tích cung ứng DVMTR trong lưu vực nằm trên địa giới hành chính từ hai tỉnh trở lên. Bên sử dụng DVMTR ký hợp đồng ủy thác với Quỹ BVPTR cấp tỉnh đối với diện tích cung ứng DVMTR trong lưu vực nằm trên địa giới hành chính của một tỉnh. 
 
Đối với việc thực hiện hợp đồng chi trả DVMTR, bên sử dụng DVMTR trả tiền DVMTR từ ngày có hoạt động sử dụng DVMTR. Trường hợp chi trả trực tiếp, bên sử dụng DVMTR trả tiền cho bên cung ứng DVMTR theo hợp đồng. Còn chi trả gián tiếp: (a) Trước ngày 15/10 hàng năm, bên sử dụng DVMTR gửi kế hoạch nộp tiền DVMTR năm sau về Quỹ BV&PTR theo Mẫu số 02 tại Thông tư 22. (b) Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày kết thúc quý, bên sử dụng DVMTR lập bản kê nộp tiền DVMTR theo mẫu số 03 gửi Quỹ BV&PTR. (c) Bên sử dụng DVMTR nộp tiền theo từng quý; thời gian nộp tiền chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý đối với quý I, II, III; 45 ngày kể từ ngày kết thúc quý đối với quý IV. (d) Chậm nhất 50 ngày kể từ ngày kết thúc năm, bên sử dụng DVMTR tổng hợp tình hình nộp tiền DVMTR gửi Quỹ BV&PTR theo Mẫu số 04.
 
Để chi trả, cần xác định diện tích, tại Điều 12, chương IV của Thông tư 22 quy định: Căn cứ xác định diện tích rừng gồm: (1) Kết quả tổng điều tra, kiểm kê rừng; (2) Kết quả theo dõi diễn biến rừng; (3) Bản đồ dùng để xác định diện tích rừng trong lưu vực quy định tại Thông tư số 60/2012/TT-BNNPTNT ngày 9/11/2012 của Bộ NN&PTNT về nguyên tắc, phương pháp xác định diện tích rừng trong lưu vực phục vụ chi trả DVMTR; (4) Kết quả chi trả DVMTR của năm trước liền kề. Theo đó, Quỹ BV&PTR cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm (hoặc Chi cục Kiểm lâm) để xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR theo quy định cho từng đối tượng cụ thể. 
 
Việc miễn, giảm tiền DVMTR cho bên sử dụng DVMTR gồm các trường hợp sau: (1) Thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, động đất, bão lụt, lũ quét, lốc, sóng thần, lở đất xảy ra, làm thiệt hại trực tiếp đến vốn, tài sản dẫn tới mất khả năng hoặc phải ngừng hoạt động, hoạt động sản xuất - kinh doanh và không thuộc đối tượng bắt buộc phải mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật. (2) Mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc bị tuyên bố là chết, mất tích không còn tài sản để trả hoặc không có người thừa kế hoặc người thừa kế thực sự không có khả năng trả nợ thay cho cá nhân đó. (3) Có quyết định giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật, không còn vốn, tài sản để chi trả nợ cho bên cung ứng DVMTR. Theo đó, mức miễn, giảm cụ thể là: (1) Tổ chức, cá nhân được miễn 100% số tiền chi trả tiền DVMTR trong trường hợp mức độ rủi ro thiệt hại về vốn và tài sản của bên chi trả DVMTR từ 70% đến 100% so với tổng tài sản hoặc phương án sản xuất, kinh doanh. (2) Tổ chức, cá nhân được giảm tối đa 50% số tiền chi trả tiền DVMTR trong trường hợp mức độ rủi ro thiệt hại về vốn và tài sản của bên chi trả DVMTR từ 40% đến dưới 70% so với tổng tài sản hoặc phương án sản xuất, kinh doanh.         
 
ÐẠO PHAN