Cải cách hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng

08:01, 26/01/2018

Trong dòng chảy ngày càng hướng đến sự hài lòng của nhân dân, vấn đề cải cách hành chính đã và đang được coi trọng hàng đầu. Ở Lâm Ðồng, sau một năm thực hiện Quyết định số 2859 và 184 của UBND tỉnh, đã đạt được những gì trong hoạt động đầu tư xây dựng? 

Trong dòng chảy ngày càng hướng đến sự hài lòng của nhân dân, vấn đề cải cách hành chính (CCHC) đã và đang được coi trọng hàng đầu. Ở Lâm Ðồng, sau một năm thực hiện Quyết định số 2859 và 184 của UBND tỉnh, đã đạt được những gì trong hoạt động đầu tư xây dựng? 
 
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến làm việc với Sở Xây dựng. Ảnh: M.Đ
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến làm việc với Sở Xây dựng. Ảnh: M.Đ

Theo kết quả công bố của Bộ Nội vụ về CCHC 6 tháng đầu năm 2017, Lâm Đồng CCHC năm 2016 đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố với 70,17 điểm, giảm 22 bậc so với chỉ số năm 2015. Riêng đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, phần việc mà Sở Xây dựng làm được cho biết là thường xuyên đăng tải các thông tin về năng lực của các tổ chức; ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin qua điện thoại, thư điện tử đường dây nóng, xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Theo đó, trong năm 2017, khá nhiều kết quả đạt được như thẩm định dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng, báo cáo kinh tế-kỹ thuật. Nếu những khâu này tiếp tục ngày càng tốt hơn thì sẽ góp phần đáng kể về nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí, đảm bảo hiệu quả sử dụng của công trình. Năm 2017, tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định dự án đạt 1,92%; tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng khoảng 2,82% so với giá trị dự toán trình thẩm định. 
 
Một vấn đề trong CCHC thường xuyên được các doanh nghiệp quan tâm đó là cấp phép xây dựng. Mục tiêu của tỉnh là hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, trong đó thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan không quá 120 ngày; bao gồm: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng không quá 63 ngày. Muốn đạt được, chỉ có giải pháp là thực hiện nghiêm Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ. Theo đó, thực hiện đúng quy trình cấp Giấy phép  xây dựng (GPXD), điều chỉnh, gia hạn GPXD theo hệ thống quản lý chất lượng ISO, thời gian cấp phép; điều chỉnh, gia hạn GPXD không quá 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ; nghĩa là cắt giảm thời gian giải quyết được 10 ngày so với thời gian quy định. Mặt khác, lồng ghép, thực hiện song song 2 thủ tục hành chính (TTHC): thẩm định thiết kế bản vẽ thi công với cấp phép xây dựng, từ đó, rút ngắn thời gian giải quyết và giảm bớt một số thành phần hồ sơ (đơn giản hóa) và tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư về thời gian và chi phí đi lại. Đối với các công trình do Sở Xây dựng thẩm định thiết kế bản vẽ thi công như thời gian cấp GPXD không quá 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp GPXD của chủ đầu tư, không tính thời gian thẩm định (cắt giảm thời gian giải quyết được 20 ngày so với quy định). Kết quả thấy rõ là quy trình xử lý được công khai, hướng dẫn thực hiện thủ tục cấp phép cụ thể, rõ ràng; hồ sơ chỉ thực hiện một lần duy nhất, thời gian giải quyết rút ngắn… Đây là hệ quả tích cực góp phần năm 2017 trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp phép xây dựng được 4.604 công trình nói chung (trong đó, công trình 330 GPXD, nhà ở đô thị 3.326 GPXD, nhà ở nông thôn 813 GPXD và 135 GPXD có thời hạn); so cùng kỳ năm 2016 đã tăng 784 GPXD với hơn 17%. 
 
Năm 2017, ngành xây dựng Lâm Đồng cũng đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn trong việc xét cấp chứng chỉ hành nghề cho các tổ chức, cá nhân. Có 106 cá nhân, 49 tổ chức, đơn vị được cấp mới, 3 tổ chức nâng hạng và 9 tổ chức điều chỉnh bổ sung. Thực hiện quy định của Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố bộ TTHC lĩnh vực xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Theo đó, các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã rà soát, niêm yết công khai về TTHC; đồng thời đưa bộ TTHC vào thực hiện quy trình xử lý thuộc thẩm quyền và theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015. Thông tin từ Văn phòng Sở Xây dựng cho biết, năm 2017, các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và UBND các huyện, thành phố đã tiếp nhận và xử lý khoảng 5.702 hồ sơ, tập trung các hồ sơ lĩnh vực cấp phép xây dựng 4.604; thẩm định dự án; thẩm định thiết kế - dự toán 1.098 hồ sơ. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt khoảng 96,7%, trễ hạn 184 hồ sơ. 
 
Việc giải quyết TTHC sai sót, trễ hạn được thực hiện xin lỗi, nhưng quan trọng hơn là nghiêm túc khắc phục hạn chế, tạo môi trường thuận lợi, đưa lại sự hài lòng cao đối với các tổ chức, cá nhân. 
 
Dĩ nhiên, các sở, ngành, địa phương tiếp tục CCHC, trong đó, đưa 100% TTHC vào giải quyết bộ phận một cửa; tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn; triển khai việc nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh giải quyết TTHC ở mức độ 3,4… Đó cũng là tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Sở Xây dựng ngày 8/6/2017. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến đã đặt vấn đề: Có hay không việc gây phiền hà, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ về lĩnh vực xây dựng. Và, Giám đốc Sở phải chịu trách nhiệm nếu có hiện tượng đó xảy ra. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Công tác CCHC là một trong những biểu hiện rõ vai trò của Đảng đã đáp ứng được hay chưa trong chỉ đạo, lãnh đạo. Còn Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Văn Hiệp cho rằng: Cần xây dựng Nghị quyết chuyên đề về CCHC, bởi đây là yếu tố then chốt, ảnh hưởng đến nhiều về chất lượng, tiến độ công việc. CCHC luôn luôn song hành với cải cách về chuyên môn thì hiệu quả công việc mới đạt được như mục tiêu đặt ra.                     
 
MINH ÐẠO