Chế biến sâu cao lanh Lâm Ðồng

08:01, 16/01/2018

Một dự án cấp Quốc gia về chế biến sâu cao lanh làm nguyên liệu trong công nghiệp gốm sứ và sơn dự kiến được triển khai tại Lâm Ðồng từ năm 2018.

Một dự án cấp Quốc gia về chế biến sâu cao lanh làm nguyên liệu trong công nghiệp gốm sứ và sơn dự kiến được triển khai tại Lâm Ðồng từ năm 2018. Dự án này sẽ góp phần đổi mới công nghệ chế biến, cung cấp nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường và nâng cao tỷ lệ thu hồi các sản phẩm có ích trong quá trình khai thác cao lanh. 
 
Một mỏ khai thác cao lanh tại huyện Bảo Lâm. Ảnh: Đông Anh
Một mỏ khai thác cao lanh tại huyện Bảo Lâm. Ảnh: Đông Anh

Thông tin trên được ghi nhận tại Hội thảo công bố dự án sản xuất thử nghiệm cấp Quốc gia về “Hoàn thiện công nghệ thiết bị chế biến sâu cao lanh Lâm Đồng làm nguyên liệu trong công nghiệp sản xuất gốm sứ và sơn” do Viện Nghiên cứu Sành sứ - Thủy tinh công nghiệp (Bộ Công thương) và Công ty Cổ phần Trung Thành tổ chức tại Bảo Lộc vào cuối năm 2017.
 
Theo ông Cao Minh Hòa, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trung Thành, trữ lượng cao lanh của Việt Nam khoảng 250 triệu tấn, nằm trong top 10 trên thế giới. Thế nhưng, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một khối lượng lớn cao lanh để phục vụ sản xuất. Đây là điều nghịch lý, bởi lẽ tài nguyên thiên nhiên có sẵn nhưng vẫn phải nhập khẩu. Trước tình hình này, với lĩnh vực hoạt động là khai thác khoáng sản với tổng sản lượng cao lanh được cấp phép khai thác là 20 triệu tấn, do đó, Công ty đã tiến hành thực hiện đề tài cấp nhà nước để tạo ra nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất gốm sứ và các ngành công nghiệp khác. Điều này sẽ biến nguồn tài nguyên thành sản phẩm có lợi cho quốc gia. Hiện, Công ty đang tiến hành các bước để đưa dự án từ lý thuyết đi vào thực tế. Đây là dự án thuộc chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025. 
 
Mục tiêu của dự án là tạo ra các sản phẩm ổn định và có chất lượng cao, thay thế hàng nhập khẩu với giá cả cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu về số lượng và thời gian cung cấp tối ưu nhất.
 
Ông Chu Văn Giáp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sành sứ - Thủy tinh công nghiệp, Phó Chủ nhiệm Dự án chế biến sâu cao lanh Lâm Đồng cho biết: Sau một thời gian nghiên cứu sơ bộ về cao lanh Lâm Đồng cho thấy dù không phải là cao lanh chất lượng cao nhưng sau khi xử lý hóa học sơ bộ thì đáp ứng được công nghệ chế biến mà dự án đặt ra. Cao lanh Lâm Đồng đảm bảo được các thông số kỹ thuật mà cao lanh thương mại đang được nhập khẩu về Việt Nam để sản xuất. Cao lanh tại đây đã được thử nghiệm để sản xuất gạch men chất lượng rất tốt và sản xuất sứ dân dụng cao cấp cho độ trắng đạt tốt trên 75%. Điều này cho thấy dự án hoàn toàn khả thi khi thực hiện tại Lâm Đồng, góp phần thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất. Dự kiến, dự án này sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2018 và kết thúc vào năm 2020 với 5 sản phẩm chủ yếu là Mê tan cao lanh dùng để sản xuất sơn (yêu cầu chất lượng cao nhất, khắt khe nhất), sứ dân dụng cao cấp, sứ vệ sinh, gạch ốp lát và các sản phẩm phụ. Làm được điều này thì có thể đi từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối trong quá trình sản xuất nhằm tăng giá trị cho sản phẩm cao lanh. 
 
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Phúc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, cao lanh Lâm Đồng tập trung chủ yếu tại Bảo Lộc, Bảo Lâm với sản lượng lớn và chất lượng tốt. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác và tinh chế chưa được thực hiện tốt, đặc biệt còn ảnh hưởng đến môi trường. Đa số cao lanh sau khi khai thác được chuyển về TP Hồ Chí Minh, Bình Dương để chế biến đã gây bất lợi về công tác vận chuyển do ảnh hưởng lớn đến giao thông nông thôn lẫn tuyến quốc lộ. Do đó, hướng đến tinh chế, hạn chế xuất thô là mong muốn của tỉnh Lâm Đồng. Việc Công ty Trung Thành triển khai dự án là cơ hội tốt trong việc thu hút đầu tư và tạo ra giá trị cao hơn về cao lanh. Lâm Đồng sẽ tạo điều kiện về quỹ đất để Công ty có thể thực hiện dự án này. 
 
Tại TP Bảo Lộc, Công ty Trung Thành hiện có hơn 140 ha mỏ cao lanh tại xã Lộc Châu để làm cơ sở triển khai dự án. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Bộ Công thương), chủ trương của Đảng và Nhà nước là ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất. Hiện tại, đối với cao lanh chủ yếu vẫn là sàng lọc, phân loại thô và bán ra thị trường. Việt Nam hoàn toàn chưa có dòng cao lanh cao cấp phục vụ sản xuất các sản phẩm cao cấp. Dự án được triển khai tại Lâm Đồng sẽ hướng đến chế biến sâu về khoáng sản, vừa cung cấp nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của thị trường vừa nâng cao tỷ lệ thu hồi đối với các sản phẩm có ích.  
 
ÐÔNG ANH