Ấm áp… miền đất lạnh

08:01, 24/01/2018

Trong cái lạnh trên miền sơn cước, K'Thắm, ở xã Lát, Lạc Dương trở thành "người vận chuyển" của bản làng. Thế mạnh của K'Thắm là còn trẻ, khỏe, biết đi xe máy và có thể chuyên chở thêm hàng hóa.

Trong cái lạnh trên miền sơn cước, K’Thắm, ở xã Lát, Lạc Dương trở thành “người vận chuyển” của bản làng. Thế mạnh của K’Thắm là còn trẻ, khỏe, biết đi xe máy và có thể chuyên chở thêm hàng hóa. Thế là không ai bảo ai, K’Thắm trở thành “mối” ruột của hai chị em Trần Thị Hiền Vy (1986) và Trần Thị Thảo Vy (1990) tại Phường 7, TP Ðà Lạt. Hai chị em Thảo Vy và Hiền Vy làm một công việc bình thường, bình dị nhưng ý nghĩa lớn lao: xin quần áo cho đồng bào DTTS, người lao động nghèo. Chung quy, ai cần áo quần thì đến lấy, ai có quần áo thì mang cho. 
 
Địa điểm kinh doanh của hai chị em Vy giờ đã thành “shop” của đồng bào DTTS và người lao động nghèo. Ảnh: Đức Tú
Địa điểm kinh doanh của hai chị em Vy giờ đã thành “shop” của đồng bào DTTS và người lao động nghèo.
Ảnh: Đức Tú

“Vì sao hai chị em làm công việc này?” - tôi hỏi, cô em Trần Thị Hiền Vy cười hiền khô: “Thường thôi anh, mình sống ngay tại đường vào huyện Lạc Dương, thấy bà con dân tộc thiểu số (DTTS) và người làm thuê làm mướn còn nhiều thứ vất vả, thế là nảy ra ý tưởng đi xin quần áo của những người đã đầy đủ để cho người còn thiếu thốn”. Mặt bằng tiệm sửa chữa điện thoại của cô chị và tiệm cà phê của cô em trở thành “kho” hàng và cũng là nơi để “khách” lựa chọn áo quần. K’Thắm nói thật cái bụng như cây thông mọc thẳng trên ngọn núi Lang Biang: Chỗ này là em lấy áo quần cho em, cho bà con xã Lát nhưng lấy ít thôi, còn cái bao tải kia là em lấy gửi về cho đồng bào DTTS ở huyện Đam Rông. Em có bà con ở đó, dưới đó còn khó, còn khổ, còn rét hơn mình nhiều. Mỗi lần gửi mất 50 nghìn đồng anh à, khi có tiền thì em gửi luôn cước vận chuyển cho xe khách, không có thì ngả tay xin luôn hai chị em cô Vy.
 
Một thời thơ ấu cực khổ, một “tuổi thơ dữ dội” như cái tựa đề tiểu thuyết của nhà văn Phùng Khoán là nỗi thấu hiểu cho những phận đời nghèo khó, ăn bữa hôm lo bữa mai, chườn thân mình với gió rét. Với hai chị em song Vy cha mất sớm, mồ côi cha từ nhỏ, nên một mình người mẹ phải tảo tần mưa nắng để nuôi con cái ăn học. Đói, khát, rét… là điều hai chị em đã trải qua, nên các em luôn đồng cảm với những con người còn kém may mắn hơn mình để biến suy nghĩ “lá rách ít, đùm lá rách nhiều” thành những hành động cụ thể.
 
Ngay từ đầu cái ý tưởng đi xin quần áo được cô chị Hiền Vy khởi xướng, cô em đồng thuận và mẹ ủng hộ. Thế rồi, trên những nẻo đường, hai người vật lộn với xe máy, bụi đường, mưa gió để “xin” quần áo đưa đến với người nghèo, người khó, người khổ ở núi rừng Nam Tây Nguyên này. Nói như vậy là vì áo quần của chị em Vy xin được đã đến tay nhiều người lao động, nhất là đồng bào DTTS ở các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh...
 
Như một duyên tiền định, chàng rể quý giá của gia đình, chồng của cô em Thảo Vy là một tài xế taxi, anh Nguyễn Minh Nhật, trở thành “người vận chuyển” chính cho những chuyến hàng. Thảo Vy tâm sự: May mắn thay nhà em có tài xế, thế là ở những địa điểm khá xa thành phố như Xuân Trường, Xuân Thọ, Trạm Hành (Đà Lạt), người cho quần áo gom lại thành những kiện lớn sẽ được chồng em về chuyên chở. Cũng có những lúc mình xin áo quần về rồi, có người đến xin lại nhưng không có phương tiện, thế là chồng em làm thêm một “cuốc” taxi nữa, mà không lấy tiền đâu nhé, người ta đã đi xin áo quần mà mình ngả tay lấy tiền taxi thì còn gì là giúp người ta nữa anh nhỉ! 
 
Tại địa điểm quần áo từ thiện của hai chị em song Vy, một chị buôn bán gánh hàng rong buồn rười rượi vì phận đời nghèo khó của mình: Hỏi tên tôi làm gì, tôi dân từ tỉnh khác đến, kiếm miếng cơm, manh áo qua ngày. Có hỏi thăm thì hỏi thăm hai chị em cô Vy kìa. Rồi chị lại nở một nụ cười giữa gió, rét: Giờ kiếm cơm thôi, áo quần thì có hai chị em nhà này “lo” rồi, chứ buôn bán như tôi mà bỏ ra 500 bạc để mua cái áo ấm e là khó đó nghe.
 
Không ai bảo ai, tất cả mọi người có mặt cười vì câu nói của chị buôn bán gánh hàng rong và cũng là nụ cười hạnh phúc vì việc làm của hai chị em song Vy đã xua đi đôi môi khô ráp vì gió, rét trên miền đất lạnh. 
 
ÐỨC TÚ