Sưu tầm truyện cổ Churu

08:01, 11/01/2018

Để phục vụ cho đề tài nghiên cứu, tôi đã đi điền dã một số buôn làng, gặp gỡ một số người già nhờ họ kể chuyện cổ (khan t'rơ can). Những người tôi tìm tới theo địa chỉ mọi người chỉ dẫn đều đã rất lớn tuổi. Những ngày đầu đi, tôi hớn hở nghĩ thầm chắc tối nay mình sẽ sưu tầm được nhiều truyện lắm.

1. Để phục vụ cho đề tài nghiên cứu, tôi đã đi điền dã một số buôn làng, gặp gỡ một số người già nhờ họ kể chuyện cổ (khan t’rơ can). Những người tôi tìm tới theo địa chỉ mọi người chỉ dẫn đều đã rất lớn tuổi. Những ngày đầu đi, tôi hớn hở nghĩ thầm chắc tối nay mình sẽ sưu tầm được nhiều truyện lắm. Tuy nhiên, vì tìm đến khá đột ngột, với do trong khoảng thời gian rất dài họ không còn kể chuyện nữa nên đã quên đi rất nhiều. Những ngày đầu chỉ ngồi nghe tâm sự từ những người vốn thuộc rất nhiều truyện cổ. Nhưng vì “tụi nhỏ chẳng còn ai tha thiết”, nên họ đã quên. Hiện nay, phần lớn mỗi gia đình người Churu đã có ti vi - một phương tiện giải trí vô cùng hữu ích. Đó là điều kiện tốt để bà con có thể biết thêm nhiều thông tin bổ ích bên ngoài buôn làng của mình. Nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy lòng nặng trĩu. Những người tôi tìm gặp từ Chơ Răng Hao, Đạ Quyn, Rơ Lơm, Ma Am, Tà In... đều hẹn tôi vào một dịp khác: “Buối tối, trời mưa rào và cùng ngồi sưởi lửa”. Trong không gian ấy may ra họ sẽ nhớ… 
 
Ma Hiêng đang ghi âm truyện cổ
Ma Hiêng đang ghi âm truyện cổ

2. Trở về nhà, tôi chợt nhớ da diết buôn làng của mình mặc dù tôi vẫn đang ở chính nơi này. Có lẽ điều tôi nhớ là buôn làng, con người trong ký ức. Khi ấy, trẻ nhỏ chúng tôi mỗi chiều chơi các trò chơi dân gian cho tới tối mịt. Sau đó về nhà, cầm bát cơm chan xì dầu ngồi bên bếp lửa vừa ăn vừa nghe bà kể chuyện cổ. Vào mỗi buổi chiều tối cuối tuần, đặc biệt vào mùa khô, khi lúa đã gặt xong, mọi người lại xúm lại quanh bếp lửa trước sân một nhà nào đó nghe kể chuyện cổ. Có những câu chuyện dài mỗi tối chỉ kể được một đoạn, phải cả tuần mới kể hết chuyện như: Cơ Chay Lung, Cơ Chay M`Nhoal, Cơ Chay Clăl... Nhưng giờ đây đó chỉ còn là những hình ảnh trong ký ức nhạt nhòa. Những đứa trẻ người Churu bây giờ cũng giống bao đứa trẻ khác, sinh hoạt thay đổi theo guồng quay của cuộc sống hiện đại. Cuộc sống mỗi ngày của những đứa trẻ là đi học cả ngày, tối về phải học bài, rồi xem ti vi và đi ngủ. Vì lẽ đó cũng rất dễ hiểu khi các bạn trẻ của người Churu không hề biết dù chỉ là một truyện cổ tích của dân tộc mình. Và hiển nhiên không phải ai cũng biết trân trọng, gìn giữ những bản sắc của dân tộc mình. Chỉ có một số ít những người già, những người yêu mến giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc mình cảm thấy xót xa, tiếc nuối vì những giá trị tốt đẹp của cộng đồng dân tộc giờ chỉ còn trong dĩ vãng.
 
3. Tôi đã có một tuổi thơ thiếu thốn về vật chất, khi mà buôn làng chưa có điện, bữa cơm ngon nhất từng được ăn là cháo trắng với cá hấp, hay cơm với xì dầu, còn lại chỉ được ăn cơm độn khoai mì, khoai lang, đặc biệt ăn cháo bắp quanh năm. Nhưng tôi đã có một tuổi thơ đáng nhớ với những câu chuyện bà kể bên bếp lửa, những câu chuyện ông kể mỗi đêm cho đến khi chìm vào giấc ngủ. Bức tranh về tuổi thơ của tôi cũng sinh động hơn bởi những buổi chăn trâu khi mà lũ trẻ chúng tôi thi nhau kể truyện cổ tích xem ai thuộc nhiều hơn. Con người chúng ta vốn rất trân trọng những thứ đã mất, vẫn luôn hoài niệm về quá khứ nên tôi vẫn luôn khao khát giữ lại những câu chuyện mình từng được nghe, để một số người có thể tìm đọc khi ký ức về tuổi thơ hiện về. Tôi biết rất khó để cho những đứa trẻ người Churu mình sống trong bầu không khí cổ tích như tôi đã từng sống nếu không muốn nói là không tưởng. Nhưng tôi vẫn hy vọng có thể góp chút công sức nhỏ bé của mình vào việc lưu giữ những giá trị tốt đẹp của người Churu cho thế hệ sau bằng công tác sưu tầm và tìm hiểu những truyện cổ. 
 
Là một người con của dân tộc Churu, ngoài những chuyến đi cụ thể trên, trong suốt khoảng thời gian sinh sống tại thôn Long Bong, xã Tà Năng, tôi cũng tiếp xúc với nhiều người trong những lần đi đám cưới hay đi chơi. Bản thân cũng từng chứng kiến nhiều nghi lễ, nhiều phong tục tốt đẹp của dân tộc mình. Và bản thân cũng ngậm ngùi, chua xót khi nhận thấy mỗi ngày trôi qua, các phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình mai một dần và có nguy cơ biến mất, điển hình là các nghi lễ tín ngưỡng, trang phục và văn học dân gian trong đó có truyện kể. 
 
Bản thân tôi cũng may mắn khi được giảng dạy tại Trường PT Dân tộc nội trú tỉnh, nơi có đông đảo học sinh là người Churu theo học. Nhà trường cũng khuyến khích các hoạt động nhằm giáo dục cho học sinh ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Do đó tôi có điều kiện, nhờ học sinh sưu tầm truyện cổ dưới hình thức bài tập về nhà trong dịp hè. Mỗi học sinh hỏi ông bà cha mẹ mình hoặc người trong buôn làng một câu chuyện. Từ những bài nộp của học sinh tôi đã tập hợp thêm được một số truyện như: Hai anh em và bà già ma, Chó và lợn, Đăm Jun, Sự tích thác Ponggur, Đăm Dưa, Cây đu đủ, Thác Bảo Đại, Sự tích thác Bay... Cảm ơn các em, xem như các em đã đồng hành với tôi trở về với truyện cổ Churu, với Khan T’rơ can.
 
Qua chuyến đi này tôi nhận ra rằng đâu đó vẫn còn người tha thiết với những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Vì thế chỉ cần nỗ lực, ít nhiều sẽ góp sức vào việc sưu tầm, lưu giữ và tuyên truyền để phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. 
 
Những ngày đi sưu tầm truyện cổ tuy ngắn ngủi nhưng thật ý nghĩa. Qua chuyến đi này, tôi đã nhận được rất nhiều: ngoài những câu truyện cổ phục vụ cho đề tài luận văn, tôi còn nhận được tình cảm của người Churu ở các buôn làng, có thêm những hiểu biết về phong tục, tập quán của dân tộc mình. Đồng thời cũng nắm bắt được những suy tư trăn trở của một số già làng trước những thay đổi của cuộc sống hiện đại. Và có lẽ điều tôi nhận được nhiều nhất chính là được hòa mình vào không khí của miền ký ức - được lắng nghe những câu chuyện cổ ngay tại môi trường phát sinh ra nó! Thời gian đi sưu tầm không phải là dài nhưng những điều gặt hái được đã ngoài hình dung của tôi trước chuyến đi. Đó không chỉ là những tài liệu khoa học mà tôi có nhiệm vụ phải sưu tầm, ghi chép, phân loại; mà thông qua đó, tôi học thêm được cách thức giao tiếp với cộng đồng, bồi đắp thêm cho tôi tình yêu đối với những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc đang ngày một mai một và có nguy cơ biến mất. Chắc chắn trong tương lai tôi sẽ có nhiều chuyến đi như thế này, không chỉ giới hạn mà khắp các buôn làng của người Churu trong tỉnh Lâm Đồng.
 
MA HIÊNG