Rượu Linh chi rừng ra phố

08:01, 18/01/2018

Hơn 5 năm có mặt trên thị trường đối với một sản phẩm được sản xuất công phu của một gia đình làm rượu thủ công từ nấm Linh chi rừng là cả một quá trình tâm huyết, bền bỉ tiếp nối, gìn giữ nghề gia truyền. 

Hơn 5 năm có mặt trên thị trường đối với một sản phẩm được sản xuất công phu của một gia đình làm rượu thủ công từ nấm Linh chi rừng là cả một quá trình tâm huyết, bền bỉ tiếp nối, gìn giữ nghề gia truyền. 
 
Bà Hoàng Thị Kim Phượng - Giám đốc Công ty Rượu Linh chi Trường Phát mời khách dùng thử sản phẩm dịp Festival Hoa Đà Lạt 2017. Ảnh: An Nhiên
Bà Hoàng Thị Kim Phượng - Giám đốc Công ty Rượu Linh chi Trường Phát mời khách dùng thử sản phẩm
dịp Festival Hoa Đà Lạt 2017. Ảnh: An Nhiên

64 tuổi vẫn lội rừng tìm nấm
 
Mặc dù đã 64 tuổi, bà Hoàng Thị Kim Phượng - Giám đốc Công ty TNHH Rượu Linh chi Trường Phát Lâm Đồng vẫn lội rừng, dẫn đường trong mỗi chuyến đi vào rừng tìm hái nấm Linh chi về để làm rượu Linh chi. Bà Phượng kể: “Thời gian đi rừng ít nhất là 1 tuần, chúng tôi ngủ ở rừng, trong làng đồng bào DTTS, nằm đất ngủ trong cái lạnh buốt của rừng núi… Lúc nào, cứ hễ thấy vơi nguyên liệu là chúng tôi đi vào rừng thu hái nấm Linh chi, nhất là dịp đầu mùa mưa khoảng tháng 4 vào rừng từ 1 tuần - 10 ngày, nhân lực khoảng 4 - 5 người. Qua nhiều đợt vào rừng hái nấm, tôi nghĩ cần có hướng bảo tồn nguồn Linh chi tự nhiên, đó là: Muốn có nấm Linh chi tự nhiên thì phải giữ rừng, đừng chặt phá hủy hoại rừng, bảo vệ rừng thì mới có lâu dài vùng nguyên liệu mà làm rượu Linh chi, nhất là phải giữ cây to, cây xanh tươi thì mới cho ra được nấm tốt”. 
 
Bà Phượng kể thêm: Chúng tôi chỉ sản xuất rượu Linh chi rừng vì mình xây dựng thương hiệu sản phẩm từ Linh chi rừng. Vì thế, khả năng chỉ có thể khoanh vùng rừng nào đó để bảo vệ, nuôi trồng nấm Linh chi, còn hiện nay, chúng tôi khai thác nấm Linh chi trong tự nhiên ở vùng rừng Đam Rông, Lộc Bắc, Di Linh, vùng rừng đèo Sông Pha… Khi lội rừng tìm nấm, chúng tôi nhận ra Linh chi hay mọc trên 3 loại cây: cây ràng ràng, cây de, cây dẻ nên đánh dấu vùng rừng cây thường có nấm để thu hái trong nhiều năm. Khi thu hái phải để lại một phần chân nấm để có nguồn thu cho những mùa sau, bởi vào mùa mưa, phần gốc Linh chi sẽ tiếp tục mọc lên. 
 
Trong suốt hành trình đi tìm loài nấm quý, chúng tôi đã thấy rất nhiều tai Linh chi mới mọc nhưng tuyệt nhiên không động vào, chỉ ngắm nghía đánh dấu. Đây là nguồn thu nhập chính của chúng tôi những năm sau, phải chờ những tai nấm này lớn mới có giá trị, nhiều người không biết hái cả nấm nhỏ rất phí, vì nấm không đủ tuổi sẽ cho chất lượng kém. Tiềm năng nguyên liệu nấm Linh chi trong tự nhiên vẫn còn nhiều, mình gỡ cái to thì cái nhỏ từ từ lớn lên chứ không chết được, tức là lúc nào còn rừng thì còn nấm, khi nào rừng cạn kiệt mới hết nấm.
 
Nguy hiểm nhất đối với người đi rừng hái nấm là rủi ro gặp phải rắn độc, các loại bẫy thú của người đi săn, nhưng vì cái nghề đam mê thứ sản phẩm này để gây dựng một thức uống gia truyền tốt cho sức khỏe, nên chúng tôi phải vượt qua khó khăn vất vả tìm nguyên liệu duy trì sản xuất. Công ty có bộ phận kiểm tra chuyên nghiệp, phân biệt được đâu là nấm Linh chi, đâu là nấm độc để cho vào khâu sản xuất. Mang được nấm Linh chi về rồi, việc xử lý trước khi dùng còn phức tạp hơn, nếu nấm Linh chi mọc ở trên thân cây có độc thì không thể sử dụng ngay được, phải chế biến cực kỳ cẩn thận và kỹ càng trong vòng 1 tuần kể từ khi hái về, nếu không sẽ bị mọt ăn hỏng, đục rỗng bên trong hoặc bị mốc.
 
Thêm nữa, nấm Linh chi tự nhiên mọc trong rừng sâu nên rất quý và hiếm, thời gian thu hoạch lâu. Mỗi đợt đi hái nấm phải đi ròng rã vài tuần liền trong rừng mới thu hoạch được vài ký nấm, phải tích lũy một thời gian dài mới có đủ số lượng lớn cho sản xuất rượu Linh chi. 
 
Giữ nghề gia truyền
 
Bà Phượng phấn khởi cho biết: “Qua 4 kỳ tham gia trưng bày sản phẩm dịp Festival Hoa, tôi nhận thấy chương trình rất hay, mình được gặp gỡ các đối tác, giới thiệu cho nhiều người biết đến rượu Linh chi gia truyền này. Sản phẩm rượu Linh chi Trường Phát cũng được các ban ngành quan tâm vì sản phẩm mới hoàn toàn làm từ nguồn dược liệu địa phương nên được tài trợ tham gia giới thiệu sản phẩm các nơi. Mỗi lần chúng tôi đưa sản phẩm tham dự các kỳ Festival Hoa Đà Lạt đều được Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch hỗ trợ thêm tiền nữa, từ 2 - 6 triệu đồng có ý nghĩa động viên tinh thần”. 
 
Bà Phượng trong một chuyến lội rừng hái nấm Linh chi. Ảnh: An Nhiên
Bà Phượng trong một chuyến lội rừng hái nấm Linh chi. Ảnh: An Nhiên

Do kinh nghiệm gia truyền nên bà biết được 5 loài nấm Linh chi rừng, vì vậy bà trực tiếp đi rừng thu hái về xử lý qua nhiều công đoạn, rồi nấu nếp nấu rượu, ngâm từ 2 - 3 năm chiết ra mới đưa thành phẩm ra thị trường. Từ kinh nghiệm dân gian của gia đình có tính chất bí truyền, bà Phượng là người kế thừa đã tìm hiểu phát triển sản phẩm rượu Linh chi để phát triển kinh tế gia đình, đưa sản phẩm ra thị trường từ năm 2012, với các thủ tục kèm theo như đăng ký sở hữu trí tuệ và đảm bảo các quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. 
 
Văn phòng công ty đóng ở 137/1 Nguyễn Tri Phương - phường Lộc Tiến - TP Bảo Lộc, mặc dù không có chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý nhưng công ty đã cung cấp rượu Linh chi khắp nơi, ai có nhu cầu gọi điện thoại giao dịch về công ty sẽ được cung ứng. Vì vậy, bà Phượng mong muốn phát triển giới thiệu quảng bá sản phẩm rượu Linh chi Trường Phát để mở rộng thị trường. Sản phẩm với giá cả nhiều loại, trong dịp Festival Hoa Đà Lạt vừa qua, loại chai có cả hộp có giỏ xách 500 ml có giá 300.000 đồng được giảm giá 15% còn 255.000 đồng. Bà Phượng cho hay: “Sản phẩm rượu Linh chi Trường Phát được khách hàng đón nhận nồng nhiệt trong dịp Festival Hoa, ai uống thử cũng mua vì thấy rượu có vị ngon, ngọt và chúng tôi cũng có cơ hội gặp gỡ hứa hẹn với đối tác từ Hà Nội và các tỉnh lân cận để đặt hàng làm quà biếu trong dịp Tết năm 2018”. 
 
Bà Phượng cho biết thêm: Công ty sản xuất rượu Linh chi ở quy mô gói gọn trong gia đình, kế toán cũng là con cái trong gia đình, lúc nào cần lắm mới kêu thêm lao động làm phụ trong thời gian ngắn. Để sản xuất ra một sản phẩm rượu Linh chi phải ngâm từ 2 -3 năm, sử dụng 100% nguyên liệu là nấm Linh chi tự nhiên, trong mỗi chai rượu có 5 loài Linh chi rừng Lâm Đồng chứ không lấy ở rừng khác. Sản phẩm rượu Linh chi Trường Phát được ngâm từ 5 loại nấm Linh chi: Hoàng chi, Mộc chi, Hắc chi, Thảo chi, Bạch chi, với 100% là gạo nếp, không có chất cồn, uống không đau đầu, không bị say, rất an toàn với người dùng. Điều đặc biệt của loại rượu này là khi uống ban đầu người dùng sẽ cảm nhận được vị đắng và mùi thơm đặc trưng của Linh chi, sau đó sẽ thấy vị ngọt nơi đầu lưỡi, càng uống sẽ càng nhận ra vị ngon của rượu. Công dụng của Linh chi rất tốt, chữa nhiều bệnh, ngăn ngừa ung thư, chống lão hóa, cộng thêm rượu vô giúp lưu thông máu  được đối tượng khách hàng độ tuổi trung niên trở lên rất ưa chuộng. 
 
Hiện năng lực sản xuất rượu Linh chi của Trường Phát một tháng khoảng chừng 1.000 chai loại nửa lít, còn nếu có thêm đơn hàng thì sản xuất nhiều hơn. Bà Phượng nhận xét trên thị trường, sản phẩm rượu Linh chi xuất hiện nhiều nhưng lợi thế cạnh tranh của rượu Linh chi Trường Phát là được sản xuất theo công thức gia truyền, đảm bảo độ nguyên chất khi sử dụng 100% nguyên liệu nấm Linh chi tự nhiên. Bà Phượng nói rằng đang truyền nghề làm rượu Linh chi cho cô con gái lớn 40 tuổi để giữ nghề cho mai sau.
 
AN NHIÊN