Cái khó của việc sản xuất trà hương

08:01, 03/01/2018

Bảo Lộc, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến chè nhiều nhất tỉnh, diện tích trồng chè cũng giảm sâu, còn 6.917 ha.

Phát biểu tại Hội thảo quy tắc đầu tư có trách nhiệm để tìm giải pháp phát triển chè bền vững gắn với nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch do Hiệp hội Chè Việt Nam, Sở NN & PTNT tỉnh Lâm Đồng và UBND TP Bảo Lộc tổ chức mới đây, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Lâm Đồng có khả năng không quy hoạch được diện tích trồng chè trong toàn tỉnh ở mức 22.000 ha”. Số liệu của Sở NN & PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, diện tích trồng chè của tỉnh Lâm Đồng hiện còn khoảng 21.000 ha. Bảo Lộc, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến chè nhiều nhất tỉnh, diện tích trồng chè cũng giảm sâu, còn 6.917 ha. Trong số này, chủ yếu là chè trồng xen canh. Từ những cứ liệu trên, các nhà khoa học, nhà quản lý nhìn nhận: ngành chè đang thiếu tính chủ động vùng nguyên liệu. 
 
Do nhiều nguyên nhân, vùng trà nguyên liệu ở Bảo Lộc đang giảm dần qua từng năm. Ảnh: Trịnh Chu
Do nhiều nguyên nhân, vùng trà nguyên liệu ở Bảo Lộc đang giảm dần qua từng năm. Ảnh: Trịnh Chu

Theo các nhà khoa học và nhà quản lý, sở dĩ có sự sụt giảm vùng chè nguyên liệu là vì giá trị kinh tế của cây chè thấp so với trồng các loại cây công nghiệp khác, như cà phê, dâu tằm, sầu riêng, măng cụt... Thế nên, người dân đã tự ý phá bỏ một số diện tích trồng chè để chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao hơn. Thêm nữa, quá trình đô thị hóa cũng đang lấn dần diện tích trồng chè dẫn đến diện tích trồng chè nơi đây cứ giảm dần qua từng năm. Trên thực tế, không ít doanh nghiệp sản xuất chè trên địa bàn Bảo Lộc đã không chủ động được vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp này thường mua chè của những nông hộ trồng chè nhỏ lẻ rồi mang về chế biến thành chè thương thẩm. “Do không chủ động được vùng nguyên liệu nên chất lượng chè thiếu tính đồng bộ”, bà Nguyễn Thị Thêm, Doanh nghiệp Trà Long Vân chia sẻ. 
 
Ngoài ra, ngành chè còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như thiếu tính liên kết theo chuỗi giá trị và thị trường chưa ổn định... Từ đó, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển ngành chè bền vững. Trong số những giải pháp các nhà khoa học đưa ra tại hội thảo, không có giải pháp quy hoạch vùng trồng các loại hoa dùng để ướp trà hương. Mặc dù ai cũng biết Bảo Lộc nổi tiếng khắp cả nước là bởi sản phẩm trà hương. Theo bà Thêm, vì nhiều lý do khách quan, vùng nguyên liệu dùng để ướp trà hương ở Bảo Lộc mất dần. Hiện tại, bà Thêm cũng như nhiều doanh nghiệp chế biến trà hương trên địa bàn Bảo Lộc đều phải thu mua hoa ở các nơi khác về để sản xuất trà hương. “Hiện, 1 kg hoa lài có giá 300.000 đồng. Trong khi đó, 1 kg trà chỉ bán với giá 40.000 đồng”, bà Thêm cho biết. Qua tìm hiểu, để ướp 100 kg trà bà Thêm phải sử dụng 20 kg hoa lài. Như vậy, số tiền bỏ ra để mua hoa về ướp trà là không hề nhỏ. 
 
Rõ ràng, với một sản phẩm nổi tiếng như trà hương của Bảo Lộc mà không có lấy một vùng nguyên liệu hoa riêng thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chè trên địa bàn thành phố rất bị động trong việc sản xuất chế biến trà hương.    
 
TRỊNH CHU