Trăn trở Ðinh Trang Hòa

08:01, 12/01/2018

Xã Ðinh Trang Hòa là địa phương có dân số đông và địa bàn trải dài, rộng nhất so với các xã khác của huyện Di Linh, có thôn cách xa trung tâm xã lên đến 21 km. Ðiều này, đã gây không ít khó khăn cho cấp ủy, chính quyền trong việc quản lý, điều hành, đảm bảo an ninh chính trị cũng như phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Xã Ðinh Trang Hòa là địa phương có dân số đông và địa bàn trải dài, rộng nhất so với các xã khác của huyện Di Linh, có thôn cách xa trung tâm xã lên đến 21 km. Ðiều này, đã gây không ít khó khăn cho cấp ủy, chính quyền trong việc quản lý, điều hành, đảm bảo an ninh chính trị cũng như phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
 
Một góc dân cư Khu Kinh tế 2.  Ảnh: Ndong Brừm
Một góc dân cư Khu Kinh tế 2. Ảnh: Ndong Brừm

Cách trở “Khu Kinh tế 2”
 
Xã Đinh Trang Hòa có hơn 5.300 ha đất sản xuất nông nghiệp. Toàn xã hiện có 21 thôn với 3.700 hộ và hơn 15.000 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm 53% dân số của toàn xã, còn lại chủ yếu là người dân từ các tỉnh phía Bắc vào đây lập nghiệp. Địa bàn rộng, dân số đông nên việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như việc đảm bảo an ninh chính trị ở Đinh Trang Hòa có những khó khăn nhất định. Dù những năm qua, xã Đinh Trang Hòa được Nhà nước đầu tư nhiều chương trình dự án để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế.
 
Trong số 21 thôn ở Ðinh Trang Hòa thì có 7 thôn nằm ở “Khu Kinh tế 2” đều cách xa trung tâm xã từ 15 - 21 km. Vì vậy, việc đi lại, sinh hoạt, giải quyết các thủ tục hành chính của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. 
 
Từ UBND xã Đinh Trang Hòa, chúng tôi phải vượt khoảng 20 km đường dốc cao, nhiều khúc cua… mới đến được với thôn 11 và 12. Sự cách trở về đường sá đã gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt, thông thương hàng hóa, đặc biệt là vào mùa mưa. Ông Ngô Duy Bằng, người dân Thôn 11 chia sẻ: “Đường xa nên người dân chúng tôi rất vất vả mỗi khi có việc cần ra xã, đó là chưa kể có những việc phải đi lại hai ba lần mới xong. Không những vậy, các mặt hàng nông sản làm ra bán tại chỗ thường bị thương lái ép giá. Đã hơn 10 năm nay, người dân đã nhiều lần kiến nghị tách xã nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay vẫn chưa thực hiện”. Còn theo ông Đinh Văn Toàn, Trưởng thôn 12, Khu Kinh tế 2 chủ yếu là người dân di cư từ các tỉnh phía Bắc vào làm kinh tế. Những năm qua, tuy cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đầu tư xây dựng, nhưng hệ thống giao thông thôn, xóm, điện lưới sinh hoạt và dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng.  
 
Những khó khăn của người dân cũng là nỗi trăn trở nhất mà cán bộ xã Đinh Trang Hòa gặp phải từ nhiều năm qua. Trước thực trạng trên, từ năm 2006, UBND xã Đinh Trang Hòa đã có tờ trình và HĐND xã cũng đã ra Quyết nghị tán thành Đề án thành lập xã Đinh Trang Hạ, gồm 9 thôn với hơn 900 hộ và 3.800 nhân khẩu để trình cấp có thẩm quyền xem xét. “Sau khi chúng tôi kiến nghị lên các cấp của huyện, tỉnh về việc tách Đinh Trang Hòa thành hai đơn vị hành chính cấp xã thì năm 2008, các đơn vị chức năng của tỉnh đã xuống kiểm tra và đều thống nhất, nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tách xã là nguyện vọng và niềm mong mỏi lớn nhất của cán bộ và nhân dân chúng tôi từ nhiều năm nay. Với quy mô của xã Đinh Trang Hòa như hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã không thể đáp ứng được các yêu cầu ở cơ sở cũng như tham gia quản lý, điều hành, thực thi công vụ một cách hiệu quả” - ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Hòa cho biết. 
 
“Diện mạo” xã mới
 
Cái tên Đinh Trang Hạ đã có từ năm 1958, là một trong 11 xã của quận Di Linh thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng. Sau ngày giải phóng và theo thời gian, địa giới xã Đinh Trang Hạ được điều chỉnh thành xã Đinh Trang Hòa và các xã: Hòa Trung, Hòa Bắc, Hòa Nam và Hòa Ninh. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay, diện tích xã Đinh Trang Hòa vẫn còn rộng với địa hình phức tạp, nên từ lâu đã hình thành 2 khu dân cư riêng biệt, gồm Khu phía Nam và phía Bắc (Khu Kinh tế 2 hiện nay). Những năm qua, huyện Di Linh đã đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn tại Khu Kinh tế 2. Đến nay, tại đây đã có trường mầm non, TH và THCS với đội ngũ giáo viên trên 80 người. Ngoài ra, khu vực này còn được đầu tư một phân trạm y tế. Khu Kinh tế 2 có trục đường chính liên xã đi các xã Lộc An (Bảo Lâm), Tân Lâm và đi trung tâm xã Đinh Trang Hòa với chiều dài 14 km đã được trải nhựa và 9 nhánh đường giao thông nông thôn tới 9 thôn với tổng chiều dài khoảng 20 km. Ngay từ năm 1999, chính quyền địa phương đã chú trọng đến việc tách xã nên đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong hệ thống chính trị. 
 
Ngoài việc quy hoạch, sắp xếp khu dân cư, tổ chức bộ máy cán bộ…, UBND xã Đinh Trang Hòa còn xây dựng Đề án về Định hướng phát triển của xã Đinh Trang Hạ sau khi điều chỉnh địa giới hành chính. Với điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai thuận lợi cho việc phát triển, sản xuất nông nghiệp, như chè, cà phê…, nơi đây còn thích hợp với phát triển các loại hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, do có đầu mối thông thương với các xã Tân Lâm, Liên Đầm và Lộc Đức, Lộc An (Bảo Lâm), là những yếu tố quan trọng, tạo thế mạnh cho việc định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh. 
 
Nếu xét về thực tế, việc điều chỉnh địa giới hành chính xã Đinh Trang Hoà để thành lập xã mới Đinh Trang Hạ là cần thiết. Điều này không chỉ khôi phục lại tên xã cũ đã từng có truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng, mà còn hình thành các đơn vị hành chính mới hợp lý hơn, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo cho việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trước mắt và lâu dài. Mặt khác, việc tách xã sẽ phù hợp với trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng được những tâm tư, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân địa phương nhằm giảm bớt những khó khăn của cả chính quyền lẫn người dân.       
 
NDONG BRỪM