Bao giờ chợ Phan Chu Trinh mới được di dời?

09:02, 09/02/2018

Thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương nhất quán đóng cửa chợ Phan Chu Trinh để giải tỏa nút giao thông tắc nghẽn thường xuyên cũng như điều chỉnh hạ tầng đô thị, đáp ứng nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân khu vực tới năm 2050...

Thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương nhất quán đóng cửa chợ Phan Chu Trinh để giải tỏa nút giao thông tắc nghẽn thường xuyên cũng như điều chỉnh hạ tầng đô thị, đáp ứng nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân khu vực tới năm 2050. Tuy nhiên, do nguyện vọng của các tiểu thương trong việc di dời chợ và chính quyền các cấp chưa tìm được tiếng nói chung nên vấn đề giải tỏa chợ còn dùng dằng, kéo dài nhiều năm nay. 
 
Cơ quan chức năng đánh giá chợ Phan Chu Trinh là một trong những nguyên nhân gây kẹt xe, ùn ứ cục bộ thường xuyên trong giờ cao điểm hằng ngày.  Ảnh: C.P
Cơ quan chức năng đánh giá chợ Phan Chu Trinh là một trong những nguyên nhân gây kẹt xe,
ùn ứ cục bộ thường xuyên trong giờ cao điểm hằng ngày. Ảnh: C.P

Chợ xuống cấp nặng, giao thông tắc nghẽn thường xuyên
 
Nằm tại Ngã 4 đường Phan Chu Trinh - Quang Trung (Phường 9, TP Đà Lạt), chợ Phan Chu Trinh ban đầu chỉ là một chợ tạm được hình thành sau năm 1975. Đến năm 1980, chợ  được xây dựng phục vụ nhu cầu mua bán của người dân khu vực và xuống cấp nghiêm trọng nên năm 1999 chính quyền TP Đà Lạt đã hỗ trợ cùng các hộ tiểu thương đóng góp thêm kinh phí để tiến hành cải tạo và xây dựng lại. Hiện sau gần 2 thập niên hoạt động, với diện tích 801,6 m 2­, gồm 134 quầy sạp chợ tiếp tục hư hỏng nặng, không đảm bảo các tiêu chuẩn duy trì hoạt động kinh doanh theo quy định hiện hành.
 
Dễ nhận thấy nhất là việc chợ Phan Chu Trinh mất an toàn về điện, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Trong chợ một số tiểu thương giăng mắc điện không đúng kỹ thuật, các lối đi nhỏ để hàng hóa, hệ thống thông gió không đảm bảo. Các công trình phụ như nhà vệ sinh, hệ thống phòng cháy chữa cháy, bãi để xe đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
 
Do người dân tới chợ mua hàng hóa đông cùng với giờ tan tầm của các cơ quan, trường học trên địa bàn nên ngã tư này vào giờ cao điểm trưa và chiều thường ùn ứ, kẹt xe cục bộ. Như 5h30 chiều ngày 7/2, theo quan sát của chúng tôi, dù có 4 chiến sỹ CSGT phân luồng nhưng phải mất ít nhất từ 10 tới gần 30 phút người dân mới có thể thoát khỏi tình trạng kẹt xe tại đây. Thậm chí một đoạn đường xe lưu thông kẹt cứng kéo dài một đoạn 300 tới 400 m xung quanh các đường Quang Trung, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Chu Trinh tới cầu Trần Qúy Cáp.
 
Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng - Đội trưởng Đội CSGT, Công an TP Đà Lạt nhận định, do vị trí chợ nằm tại trung tâm Ngã tư Phan Chu Trinh - Quang Trung, được coi là trục đường giao thông của khu vực Phường 9, 11, 12, 10 nên lưu lượng xe lưu thông lớn. Trong đó, hướng xe tải lưu thông từ Lạc Dương, khu vực Phường 8 cũng thường xuyên chạy qua. “Đó là chưa kể khu vực này có nhiều trường học, bến xe, cơ quan nhà nước, đặc biệt là chợ Phan Chu Trinh nằm ngay nút giao thông nên khoảng 2 năm trở lại đây tình trạng kẹt xe, ùn ứ vào giờ cao điểm thường xuyên diễn ra làm người dân đi lại khá vất vả” - Thiếu tá Hùng nói. Hiện vào các giờ cao điểm trong ngày, tại đây luôn có 2 CSGT TP Đà Lạt kết hợp với 2 chiến sỹ Công an Phường 9, 2 đoàn viên, thanh niên thuộc Thành Đoàn Đà Lạt hỗ trợ phân luồng giao thông nhưng tình trạng kẹt xe, ùn ứ cục bộ vẫn diễn biến phức tạp.
 
Theo UBND Phường 9, do chợ xuống cấp thời gian dài, đặc biệt không có chỗ để xe riêng nên ngoài diện tích để xe khiêm tốn trên vỉa hè người dân thường để xe dưới lòng lề đường gây ùn ứ cho các phương tiện lưu thông khác. Lực lượng Công an, Đội quản lý trật tự đô thị Phường 9 thường xuyên ra quân chấn chỉnh, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính nhiều trường hợp về đậu đỗ xe sai quy định ngoài khu vực chợ nhưng việc vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra hằng ngày chưa có chiều hướng giảm bớt. 
 
Trì hoãn nhiều lần
 
Đánh giá thực trạng trên, ngay từ năm 2009, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao UBND TP Đà Lạt, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng… lên phương án điều chỉnh quy hoạch, xây dựng chợ mới theo hướng hiện đại, phù hợp với sự phát triển và kiến trúc cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu người dân mua bán tại khu vực Phường 9 và Phường 10 cũng như các khu vực lân cận. Tới ngày 8/6/2010, từ sự đồng thuận của các tiểu thương với nhà đầu tư, UBND tỉnh đã ra Quyết định về việc “Thu hồi đất và cho Công ty Cổ phần Len Nguyễn thuê để xây dựng, cải tạo chợ Phan Chu Trinh”. Theo đó, chợ mới sẽ được xây với tổng diện tích 801,6 m 2 (1 tầng hầm, 3 tầng nổi), trong đó diện tích Trường Thiểu năng hoa Phong Lan 68 m2 và diện tích do UBND Phường 9 quản lý là 733,6 m 2. Tuy nhiên, đến năm 2011, nhà đầu tư là Công ty Len Nguyễn vẫn chưa thể thống nhất giá cho thuê quầy sạp với các tiểu thương nên việc xây dựng chợ mới không thể khởi công theo kế hoạch.
 
Tới ngày 6/11/2013, UBND tỉnh ra Văn bản số 6689 về việc chấp thuận ranh giới, diện tích đất để di dời chợ Phan Chu Trinh và xây dựng công viên cây xanh công cộng tại Phường 9. Tiếp theo ngày 12/1/2017, tỉnh có Văn bản số 210/UBND-KT giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương lập dự án đầu tư cải tạo nút giao thông Ngã tư Phan Chu Trinh và các văn bản liên quan chỉ đạo UBND TP Đà Lạt xây dựng phương án di dời, chuyển đổi mô hình chợ.
 
Theo UBND TP Đà Lạt, UBND tỉnh đã giao UBND thành phố Đà Lạt xây dựng phương án di dời, chuyển đổi mô hình chợ phù hợp với thực tế hiện nay và thành phố đã trình tỉnh 5 vị trí trên địa bàn Phường 9. Cụ thể: Vị trí số 1 tại thửa 515 và một phần thửa số 516,517, tờ bản đồ số 07, đường Lữ Gia với tổng diện tích 5.447 m 2; Vị trí 2 tại số 57 đường Hùng Vương với diện tích 1.946 m 2; Vị trí 3 tại số 43 đường Hùng Vương, thuộc tờ bản đồ số 25 với diện tích 1.686 m 2; Vị trí 4 tại số 23 đường Quang Trung với diện tích 1.839 m 2; Vị trí cuối cùng tại số 28 và 30 đường Nguyễn Du với diện tích đất 3.434 m 2. Tất cả 5 vị trí nói trên TP Đà Lạt đều phân tích kỹ lưỡng những ưu, nhược điểm và điều kiện cụ thể và đã được Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét đôn đốc, có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản nhiều lần.
 
Qua trao đổi, một lãnh đạo UBND Phường 9 cho chúng tôi biết: Tới thời điểm này, UBND tỉnh, TP Đà Lạt vẫn chưa có thông báo chính thức nào về địa điểm xây dựng chợ mới về đơn vị. Hiện Phường 9 vẫn tiếp tục tuyên truyền cho bà con tiểu thương tinh thần sắp tới tỉnh sẽ di dời và đầu tư chợ mới Phan Chu Trinh tại một trong 5 địa điểm theo chỉ đạo của tỉnh từ Văn bản số 7205/UBND-GT ngày 25/10/2017 và Văn bản số 5950/UBND-GT ngày 8/9/2017.
 
Trong khi đó, nhiều tiểu thương tại chợ Phan Chu Trinh cho chúng tôi hay: Bà con hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng đường để khắc phục ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, khi lấy một phần diện tích của chợ để mở rộng đường, phần diện tích đất chợ cũ còn lại, khoảng trên 400 m 2 nên đề nghị được tỉnh cho phép tiếp tục cải tạo chỉnh trang xây dựng thành chợ mới để kinh doanh. Ông Lê Văn Thanh, Phó Ban Quản lý chợ Phan Chu Trinh kiến nghị thêm: “Chúng tôi mong muốn, khi giải tỏa chợ, chính quyền cần thông báo công khai bản vẽ thiết kế để bà con có ý kiến đóng góp. Phần diện tích còn lại sau khi giải tỏa thành phố chưa nói dùng vào việc gì nên chúng tôi vẫn còn nhiều thông tin chưa hiểu rõ”.
 
Về vấn đề di dời chợ Phan Chu Trinh, mới đây nhất (cuối tháng 1/2018), Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đã có cuộc họp với các ngành chức năng để chọn ra phương án xây dựng chợ Phan Chu Trinh theo hướng tối ưu nhất. Trong đó, quan điểm của tỉnh là nhanh chóng chọn địa điểm xây dựng chợ mới theo hướng: Nhà nước cho thuê đất, huy động, kêu gọi các nguồn lực để đầu tư. Quá trình xây dựng phải đảm bảo chợ mới phù hợp với quy hoạch, kiến trúc, an toàn giao thông cũng như phương án đầu tư xây dựng, khi đưa chợ vào hoạt động phải được các hộ tiểu thương thống nhất trước khi triển khai thực hiện. 
 
C.PHONG