Tưới tiết kiệm - giải pháp hiệu quả trong sản xuất cà phê

09:02, 26/02/2018

Sau vụ thu hoạch, những vườn cà phê lại bung hoa cho một mùa vụ mới, đây cũng là thời điểm cần tưới nước cho cây cà phê. Tuy vậy, mùa khô Tây Nguyên luôn là nỗi lo của nhà nông.

Sau vụ thu hoạch, những vườn cà phê lại bung hoa cho một mùa vụ mới, đây cũng là thời điểm cần tưới nước cho cây cà phê. Tuy vậy, mùa khô Tây Nguyên luôn là nỗi lo của nhà nông. Việc áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm, sẽ giảm bớt áp lực của tình trạng khô hạn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đồng thời cũng giảm bớt chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
 
Vườn cà phê áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt. Ảnh: B.H
Vườn cà phê áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt. Ảnh: B.H

Vùng Tây Nguyên có gần 600 ngàn ha cà phê, chiếm trên 90% diện tích, khoảng 95% sản lượng cà phê của Việt Nam. Sản xuất cà phê tạo việc làm cho hàng triệu lao động trong vùng và là nguồn thu nhập chính của trên 500 ngàn hộ dân. Cây cà phê đã đem lại một diện mạo mới cho các buôn làng Tây Nguyên. Tuy nhiên, vấn đề nước tưới cho hàng trăm ngàn hec ta cà phê đang ngày càng trở nên “nóng” bởi tình trạng biến đổi khí hậu, khô hạn, suy giảm nguồn nước ngầm. Theo Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), do ảnh hưởng của tình trạng khô hạn, nguồn nước mặt tưới cho cà phê ở Tây Nguyên những năm gần đây giảm rõ rệt. Việc sử dụng nguồn nước ngầm tăng cao (từ năm 2013 đến 2016, nguồn nước từ sông suối từ 41% xuống 18%, nguồn nước giếng từ 59% tăng lên 82%). Phương pháp tưới dí gốc (kéo dây đến từng gốc) hiện vẫn là phổ biến, khoảng 74%, tưới péc phun mưa tầm cao khoảng 25%, các phương pháp tưới tiên tiến như nhỏ giọt, phun mưa tại gốc chưa được áp dụng rộng rãi, chỉ đạt dưới 2% diện tích. 
 
Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tại 5 tỉnh Tây Nguyên được bố trí khoảng 5,112 triệu USD từ nguồn vốn IDA để hỗ trợ các mô hình trình diễn tưới tiết kiệm cho cây cà phê. Các mô hình sẽ được hỗ trợ 50% chi phí mua sắm thiết bị. Mục tiêu của dự án là nhân rộng diện tích áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm tại các vùng sản xuất cà phê. 
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mùa khô ở Tây Nguyên có xu hướng kéo dài hơn, hạn hán ngày càng khốc liệt và tình trạng thiếu nước ngày càng gay gắt. Theo Cục trồng trọt - Bộ NN-PTNT, ở vùng Tây Nguyên trong niên vụ 2015-2016, tổng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả bị ảnh hưởng do hạn hán tới trên 110.000 ha, diện tích hư hại toàn bộ khoảng 7.500 ha, trong đó, gần 500 ha hồ tiêu bị chết cháy, còn lại là cây cà phê bị mất 100% năng suất ở niên vụ 2016-2017. 
 
Đối với cây cà phê vối, giai đoạn cần nước để nở hoa, thụ phấn và hình thành qủa trùng với mùa khô ở Tây Nguyên (thường kéo dài 5-6 tháng, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau). Việc cung cấp đủ nước tưới vào giai đoạn này quyết định đến năng suất và chất lượng của cà phê, do đó, nông dân khai thác các nguồn nước mặt, nước ngầm, quan tâm tối đa đến nhu cầu của cây, mà ít để ý đến việc sử dụng nguồn nước hợp lý, hiệu quả. Tập quán tưới tiêu hiện tại của nông dân rất lãng phí nước. Với phương pháp tưới “dí” dùng đến 600-700 lít/cây, trong khi chỉ cần 2/3 số này là đủ để cây sinh trưởng và ra hoa, đậu quả, đạt năng suất. 
 
Hiện nay, một số công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã được nghiên cứu thành công và áp dụng ở nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp. Công nghệ tưới phun mưa tại gốc của WASI, tưới nhỏ giọt công nghệ Israel đã được một số bà con nông dân ở Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng lắp đặt cho các vườn cà phê và hồ tiêu. 
 
Theo các hộ nông dân đã áp dụng, tưới tiết kiệm như kiểu “mưa dầm thấm lâu”, lượng nước tưới không ồ ạt mà được thấm dần vào đất, tập trung tại gốc cà phê, cung cấp nước và dinh dưỡng vừa đủ một cách thường xuyên theo nhu cầu sinh trưởng của cây, bón phân hòa tan trong nước tưới sẽ hạn chế thất thoát, đồng thời giảm phần lớn công lao động.
 
Theo WASI, khi áp dụng hệ thống phun mưa tại gốc với lượng nước 80-120 lít/lần cho năm trồng mới; lượng nước 120-150 lít/lần cho năm hai, 200 lít/lần cho năm ba, chu kỳ 20 ngày/lần trong mùa khô là bảo đảm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt. Với cà phê kinh doanh, một lần phun mưa tại gốc 400 lít/lần cho cây bung hoa đầu tiên; tưới duy trì khoảng 200 lít/lần (chu kỳ 15 ngày, từ giữa tháng 2 đến tháng 4) bảo đảm cho cây nuôi quả tốt. Với hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới 300 lít trong khoảng 15 giờ; 400 lít trong khoảng 20 giờ, duy trì ẩm độ vừa đủ trong tầng rễ tích cực từ 0-30 cm, biện pháp này sử dụng nước và phân bón (hòa tan) hiệu quả nhất. Theo dõi trên các vườn cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tại gốc và tưới nhỏ giọt cho thấy giảm lượng nước tưới khoảng 30%, tăng hiệu quả sử dụng phân bón 20-30%, giảm công lao động đến 50%; vườn cây phát triển tốt, năng suất, chất lượng ổn định.
 
Có thể nói, tưới tiết kiệm mang lại hiệu quả kép: tiết kiệm nước, phân bón, công lao động, nâng cao hiệu qủa kinh tế, đồng thời là giải pháp tích cực nhất để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, suy giảm nguồn nuớc ngầm. Do đó, tưới tiết kiệm là hướng đi tất yếu, là một trong những giải pháp trụ cột trong kỹ thuật sản xuất cà phê hiện nay. Đề án phát triển ngành cà phê bền vững của Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 180 ngàn ha cà phê ở Tây Nguyên áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, giảm lượng nước tưới khoảng 15% và tiếp tục giảm ở những năm sau. 
 
BÍCH HIỀN