Tiếng nói từ doanh nghiệp xây dựng

09:02, 05/02/2018

Tại Hội nghị tổng kết ngành này năm 2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng Phạm S kết luận: Nhiều kiến nghị, đề xuất nẩy sinh từ thực tế của các doanh nghiệp hợp lý, kịp thời. Tỉnh lắng nghe và ghi nhận và đề nghị Sở Xây dựng Lâm Ðồng nghiên cứu giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho các cấp trên xem xét. 

Tại Hội nghị tổng kết ngành này năm 2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng Phạm S kết luận: Nhiều kiến nghị, đề xuất nẩy sinh từ thực tế của các doanh nghiệp hợp lý, kịp thời. Tỉnh lắng nghe và ghi nhận và đề nghị Sở Xây dựng Lâm Ðồng nghiên cứu giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho các cấp trên xem xét. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt kiểm tra dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh. Ảnh: M.Đ
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt kiểm tra dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh.
Ảnh: M.Đ

Với tư cách là đơn vị tư vấn phản biện xã hội-nghề nghiệp, thời gian qua, Hội Kiến trúc sư (KTS) Lâm Đồng đã góp phần thực hiện Nghị quyết tỉnh Đảng bộ Lâm Đồng lần thứ X về các nội dung rất quan trọng về các lĩnh vực như: đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị du lịch, phát triển nông thôn mới. Theo ông Lê Tứ - Phó Chủ tịch Hội KTS Lâm Đồng: “Nguyện vọng chung của Hội viên là mong muốn được biết, được bàn, được tham gia ý kiến,… và trên tất cả là được có tiếng nói chính thức về tất cả những gì liên quan đến lĩnh vực của mình để cùng chia sẻ, hoặc góp phần vào sự nghiệp chung”. Thay mặt Hội, ông Lê Tứ đề xuất, kiến nghị đến các cấp thẩm quyền những ý kiến đáng quan tâm. Đối với UBND tỉnh, cần có chiến lược, kế hoạch thực hiện định hướng phát triển kiến trúc cho Lâm Đồng và trọng tâm là thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và các đô thị mới để chủ động kiểm soát kiến trúc trong quá trình phát triển. Theo ông Tứ, với khái niệm “định hướng”, cần có nhận thức sâu sắc, nghiên cứu một cách nghiêm túc và theo đó có hành động hiệu quả thiết thực nhất. Hội KTS Lâm Đồng cũng kiến nghị Sở Xây dựng “tạo điều kiện thường xuyên thông tin các kế hoạch có sự tham gia về tư vấn phản biện xã hội - nghề nghiệp của Hội và tạo điều kiện về thời gian, tài liệu… cũng như kinh phí hỗ trợ (có thể)”. 
 
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đơn vị tiên phong trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng (VLXD) là Công ty Cổ phần Khoáng sản và VLXD Lâm Đồng (LBM). Đơn vị này hiện có gần 500 người lao động, mức thu nhập bình quân 8,4 triệu đồng/người/tháng. Năm 2017, LBM có doanh thu đạt 498 tỷ đồng, trong đó nộp ngân sách nhà nước 33,7 tỷ đồng. Đại diện LBM - ông Trần Đại Hiền, Phó Tổng Giám đốc đã nêu một số vấn đề về phát triển VLXD hiện nay tại địa phương. Đó là: cung cầu giữa các loại VLXD không đồng đều, có sự chênh lệch; năng lực về nhân lực của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế nên đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trong lúc sản phẩm Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài tăng mạnh, tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu VLXD của địa phương còn khá khiêm tốn, không ổn định. Việc này kéo theo một số doanh nghiệp có tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất thấp, chưa sử dụng tối đa năng lực sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở mới lại ra đời. Ông Hiền cũng nhấn mạnh đến vấn đề môi trường. 
 
Năm 2009, UBND tỉnh Lâm Ðồng đã có Quyết định số 2030 phê duyệt quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Lâm Ðồng đến năm 2020, song hiện nay vẫn còn tình trạng khai thác VLXD trái phép diễn ra nhiều nơi hoặc khai thác có phép nhưng không đảm bảo về môi trường. 
 
Một số quy định quản lý đã không còn phù hợp với tình hình thưc tế; việc kiểm soát sản xuất VLXD theo quy hoạch và kế hoạch chưa chặt chẽ; hiệu quả sử dụng tài nguyên của một số sản phẩm chưa cao; việc triển khai một số vật liệu mới, vật liệu thay thế còn có những vướng mắc nhất định…
 
Cụ thể hơn tại một số nội dung liên quan đến hoạt động của đơn vị nói riêng cũng như lĩnh xây dựng nói chung, KTS, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Lâm Đồng - bà Lê Đỗ Phương Khanh đã đề xuất Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện cấp giấy phép hoạt động thiết kế phòng cháy chữa cháy cho các đơn vị tư vấn thiết kế và cấp chứng chỉ hành nghề đấu thầu xây dựng cho cá nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Bà cũng đề xuất Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tập huấn, hướng dẫn cho các chủ đầu tư cấp xã, phường, thị trấn để lựa chọn và phối hợp với đơn vị thiết kế thực hiện các dự án vốn ngân sách nhà nước. Mặt khác, Giám đốc đơn vị này cũng kiến nghị Sở Xây dựng cập nhật toàn bộ các quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, các quy hoạch về sử dụng đất, về chuyên ngành như giao thông vận tải, thủy lợi, cấp nước, giáo dục, y tế…, về xây dựng đô thị (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) và quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu chức năng đặc thù… đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. “Hệ thống thông tin dữ liệu này sẽ giúp rất nhiều cho đơn vị tư vấn và các nhà đầu tư cũng như cư dân trong tỉnh”, KTS Lê Đỗ Phương Khanh nói. 
 
Một nội dung cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm là đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân vận động Đà Lạt thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh kéo dài tiến độ đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt nhắc nhở, chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và UBND thành phố Đà Lạt sau khi ông kiểm tra thực tế ngày 25/1/2018. Để năm 2018, lĩnh vực xây dựng có những bước tiến tốt hơn, đòi hỏi toàn ngành xây dựng phải nỗ lực, trong đó, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức và cải cách thủ tục hành chính trong xử lý công việc là những khâu rất cần được đột phá thực sự. 
 
MINH ÐẠO