Vấn đề an toàn thực phẩm vẫn còn bất an

09:02, 07/02/2018

Tình hình ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đối với các vụ NÐTP tại bếp ăn trường học, NÐTP ở đám cưới, do độc tố tự nhiên (nấm độc, cá nóc, cóc…) và đặc biệt là ngộ độc methanol trong rượu.

Theo đánh giá năm 2017 của Bộ Y tế, một trong những vấn đề tồn tại, thách thức của ngành đó là về an toàn thực phẩm (ATTP). Tình hình ngộ độc thực phẩm (NÐTP) còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đối với các vụ NÐTP tại bếp ăn trường học, NÐTP ở đám cưới, do độc tố tự nhiên (nấm độc, cá nóc, cóc…) và đặc biệt là ngộ độc methanol trong rượu.
 
Năm 2018 Bộ Y tế duy trì Tháng Hành động vì ATTP để thu hút sự quan tâm của toàn xã hội về vấn đề này. (Trong ảnh: 1.000 người ra quân hưởng ứng Tháng Hành động ATTP năm 2017 tại Khu Hòa Bình - Ðà Lạt). Ảnh: A.Nhiên
Năm 2018 Bộ Y tế duy trì Tháng Hành động vì ATTP để thu hút sự quan tâm của toàn xã hội về vấn đề này. (Trong ảnh: 1.000 người ra quân hưởng ứng Tháng Hành động ATTP năm 2017 tại Khu Hòa Bình - Ðà Lạt). Ảnh: A.Nhiên

Người kinh doanh thực phẩm thiếu tử tế đối với sức khỏe cộng đồng
 
Mới đây, Công an TP Đà Lạt kiểm tra một kho hàng ở Phường 5 - TP Đà Lạt đã phát hiện, lập biên bản để xử lý và tạm giữ toàn bộ gần 2 tấn mứt các loại không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, một số đã có dấu hiệu chảy nước. Chủ kho hàng thừa nhận số hàng này phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc được thu gom từ nhiều địa phương đưa về để bán dịp tết này. 
 
Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về ATTP tỉnh nhấn mạnh: “Trong dịp Tết Nguyên đán 2018 này là thời điểm hàng hóa lưu thông trên thị trường phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Đây chính là thời điểm những người kinh doanh các loại thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm tươi sống,  không đảm bảo sức khỏe, không đảm bảo vệ sinh ATTP theo quy định của nhà nước ra xã hội. Vừa rồi, ngành Công an đã tổng kết vấn đề này, ngành Công an làm rất quyết liệt chứ nếu không làm quyết liệt thì không biết là bao nhiêu thực phẩm mà cách đây hàng chục năm rồi vẫn đưa ra thị trường cho người tiêu dùng tiêu thụ như: lục phủ ngũ tạng, chân gà… Nếu anh em ngành Công an không có những chuyên đề, chuyên án thì không biết sức khỏe cộng đồng của chúng ta ra sao. Tôi đề nghị trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018, các cơ quan thường trực Sở Y tế, Sở Nông nghiệp, Sở Công thương và các thành viên trong BCĐ liên ngành cần tập trung cao điểm, đẩy mạnh trọng tâm nhiệm vụ này”. 
 
Năm 2017, Lâm Ðồng ghi nhận 2 vụ NÐTP với 58 người mắc, xảy ra trên địa bàn tỉnh, không có ca tử vong. Toàn tỉnh đã thành lập 316 đoàn thanh tra, kiểm tra về công tác đảm bảo ATTP tại 12.860 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, phát hiện xử lý 393 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 876 triệu đồng.
 
Theo đánh giá năm 2017 của Bộ Y tế, một trong những vấn đề tồn tại, thách thức của ngành đó là về ATTP. Tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đối với các vụ NĐTP tại bếp ăn trường học, NĐTP ở đám cưới, do độc tố tự nhiên (nấm độc, cá nóc, cóc, độc tố vi nấm trong bánh trôi ngô, độc tố cây rừng…) và đặc biệt là ngộ độc methanol trong rượu. Ngộ độc tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học vẫn có xu hướng tăng và khó kiểm soát. Các vi phạm về vệ sinh ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến trong khi chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Trong năm 2017, cả nước xảy ra 139 vụ NĐTP với 3.869 người mắc, 3.705 người nhập viện, 24 trường hợp tử vong; giảm về số vụ (16,3%), số người mắc (10,2%), số người đi viện (0,7%), tuy nhiên, số tử vong tăng 12 người so với năm 2016 (nguyên nhân tử vong chủ yếu do ngộ độc rượu, còn lại là do độc tố tự nhiên).
 
Người tiêu dùng bất an
 
Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, Phan Thanh Chương cho biết: “Trước Tết Nguyên đán 2018, Bộ Công an có triển khai 3 chuyên đề, trong đó có 1 chuyên đề về ATTP dịp tết. Công an tỉnh đã có kế hoạch triển khai, phối hợp, kiểm tra về ATTP trên địa bàn. Đối với Lâm Đồng, trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2017, BCĐ liên ngành ATTP tỉnh hoạt động có hiệu quả, có nhiều văn bản chỉ đạo và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm có quan tâm. Đặc biệt, địa phương có xảy ra 2 vụ NĐTP nhưng không gây chết người. Tuy vậy, vấn đề ATTP rất nhức nhối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà chúng ta không tăng cường mạnh mẽ hơn nữa thì thời gian tới rất phức tạp. Trước hết, về vấn đề giải pháp quan trọng nhất là truyền thông, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, bởi lòng tin trong xã hội đối với ATTP có vấn đề. Chúng ta thấy người ta chăn nuôi đưa lên sân thượng, nhiều nhà tự trồng trọt, sản xuất, tự cung tự cấp, xu thế quay ngược lại thời kỳ gia đình tự cung, tự cấp vì họ không tin sản phẩm trên thị trường. Từ khâu người sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, người tiêu dùng, từng khâu đều có vấn đề. 
 
Trong năm 2017, báo cáo của BCĐ liên ngành ATTP tỉnh thống kê chỉ có 4 ý kiến phản ánh kiến nghị của người dân liên quan đến vấn đề ATTP, điều này phản ánh nhận thức hiệu quả của người dân về ATTP đến cơ quan chức năng chưa nhiều, chúng ta chưa có kênh thông tin nào tiếp nhận nguồn tin từ quần chúng nhân dân một cách rộng rãi. Hệ thống đường dây nóng chúng ta hoạt động chưa hiệu quả, chưa giúp được nhiều cho người dân. Về cơ chế phối hợp, ngành truyền thông rất quan tâm đến lĩnh vực này nhưng các ngành chuyên môn ít cung cấp thông tin, chỉ nêu vụ việc đơn lẻ, lâu lâu đưa lên thông tin đại chúng chưa nhiều. Vì vậy, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước cần cung cấp thông tin hiệu quả hơn thì mới có thông tin tuyên truyền về ATTP. 
 
Trong các đợt cao điểm về ATTP thì liên ngành phối hợp tích cực, nhưng không chỉ thanh tra, kiểm tra dịp cao điểm mà cần phải đẩy nhanh, đẩy mạnh thường xuyên hiệu quả, chủ động trao đổi thông tin. Riêng ngành Công an, năm 2017, thống kê toàn quốc xử lý 6.759 vụ vi phạm về ATTP chiếm 84% tổng số vụ vi phạm về môi trường. Năm qua, Công an tỉnh Lâm Đồng xử lý 83 vụ vi phạm về ATTP, trong đó xử lý hành chính 65 vụ, chuyển  cho cơ quan chức năng một số vụ để xử lý. Thời gian tới, Công an tỉnh đề xuất BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh có chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp, chủ động trao đổi thông tin, tăng cường hoạt động thường xuyên vì tình hình ATTP còn diễn biến rất phức tạp nếu chúng ta buông lỏng thì rất có lỗi với người dân”.
 
Mục tiêu giảm 5% số vụ NÐTP cấp tính từ 30 người mắc trở lên 
 
Nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực ATTP năm 2018, Bộ Y tế đề ra mục tiêu giảm 5% số vụ NĐTP cấp tính từ 30 người mắc trở lên được ghi nhận so với trung bình giai đoạn 2011-2015; tỉ lệ mắc NĐTP cấp tính được ghi nhận dưới 7,5 người/100.000 dân. Hoàn thành đúng tiến độ việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật về ATTP. Đánh giá sơ kết 5 năm thực hiện Luật ATTP để đề xuất kế hoạch xây dựng, sửa chữa, bổ sung văn bản phù hợp. Mở rộng triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP ra một số tỉnh, thành phố trọng điểm. Tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm từ trung ương đến địa phương theo định kỳ, sự kiện, chủ đề hoặc đột xuất bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả. Tăng cường giám sát chủ động, cảnh báo nhanh, phân tích nguy cơ; kiểm soát phòng chống NĐTP; kiểm nghiệm mẫu thực phẩm trong thanh tra, hậu kiểm; tăng 10% số phòng kiểm nghiệm cấp tỉnh, thành phố đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2005 so với năm 2017. 
 
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo đảm ATTP cho các nhóm đối tượng, phấn đấu đạt 76% người sản xuất, chế biến; 76% người kinh doanh thực phẩm; 76% người tiêu dùng và 83% người quản lý, lãnh đạo có kiến thức đúng và thực hành đúng về ATTP. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý và kiểm soát ATTP. Duy trì Tháng Hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP; đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành về ATTP. 
 
AN NHIÊN