Hàng trăm ha cà phê "khát nước" bên hồ thủy lợi

09:03, 14/03/2018

Theo phản ánh của người dân thị trấn Di Linh, do dự án cải tạo, nâng cấp hồ thủy lợi Đông - Tây Di Linh đang trong quá trình thi công nên nguồn nước không đủ cung cấp khiến hàng trăm ha cà phê của người dân đang trong tình trạng "khát nước" và có khả năng mất mùa trong niên vụ sắp tới.

Theo phản ánh của người dân thị trấn Di Linh, do dự án cải tạo, nâng cấp hồ thủy lợi Đông - Tây Di Linh đang trong quá trình thi công nên nguồn nước không đủ cung cấp khiến hàng trăm ha cà phê của người dân đang trong tình trạng “khát nước” và có khả năng mất mùa trong niên vụ sắp tới.
 
Một vườn cà phê của người dân thị trấn Di Linh nằm cạnh hồ Tây Di Linh đang héo rũ, khô hoa do “khát nước”. Ảnh: K.Phúc
Một vườn cà phê của người dân thị trấn Di Linh nằm cạnh hồ Tây Di Linh đang héo rũ, khô hoa do “khát nước”. Ảnh: K.Phúc
Được biết, dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình 2 hồ thủy lợi Đông - Tây Di Linh và đường tránh ngập hồ Ka La có tổng kinh phí thực hiện gần 63 tỷ đồng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn vay ADB hơn 52 tỷ đồng và vốn đối ứng địa phương hơn 10 tỷ đồng. Việc sửa chữa, nâng cấp 2 hồ thủy lợi Đông và Tây Di Linh để phục vụ nguồn nước tưới cho khoảng 600 ha cà phê của người dân thị trấn Di Linh và một số xã lân cận. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 3/2017, dự kiến nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng vào 25/7/2018.
 
Theo phản ánh của người dân các tổ dân phố 1, 2, 3, 5, 11, 12 và 13... thị trấn Di Linh thì hiện tại hầu hết cà phê của họ đang trong giai đoạn ra hoa, đậu trái. Tuy nhiên, do thiếu nước tưới, nên hàng trăm ha cà phê của bà con đang bị héo rũ, vàng lá, hoa bị rụng không thể đậu trái. Ông Lương Mạnh Hùng, Tổ phó Tổ dân phố 13 (thị trấn Di Linh) cho biết: “Tổ chúng tôi có khoảng 180 ha cà phê nằm xung quanh hồ thủy lợi Tây Di Linh. Những năm trước, mặc dù nắng hạn kéo dài nhưng nguồn nước tại hồ Tây Di Linh vẫn đủ để cung cấp cho người dân chúng tôi chống hạn. Riêng năm nay, để triển khai xây dựng công trình nên đơn vị thi công đã nhiều lần xả nước khiến nguồn nước trong hồ bị cạn kiệt ngay từ đầu mua khô. Nắng hạn đã kéo dài gần 1 tháng qua, hàng trăm ha cà phê của người dân rất cần nguồn nước để duy trì sự sống. Song, nguồn nước đã xuống thấp không đủ cung cấp cho người dân chống hạn”.
 
Vào  thời điểm chúng tôi có mặt, tại 2 hồ thủy lợi Đông và Tây Di Linh đang có nhiều người dân chuyển máy móc và ống nước ra giữa lòng hồ để cố bơm nước tưới cho cà phê. Theo họ, do nguồn nước cạn kiệt nên phải đưa máy bơm ra giữa lòng hồ và thay phiên nhau canh từng giờ mới bơm được nước. Song, hiện tại, do lượng bùn giữa lòng hồ quá nhiều, nên việc bơm nước cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Trung Sơn (ngụ tại Tổ dân phố 11, thị trấn Di Linh) cho hay: “Nếu nói nắng hạn khiến cà phê bị chết thì hơi quá. Nhưng hiện tại, phần lớn cà phê của bà con chúng tôi đều bị héo rũ, vàng lá do thiếu nguồn nước tưới. Nguyên nhân là do dự án sửa chữa hồ Tây Di Linh kéo dài quá lâu nên chưa thể tích nước. Hiện, cà phê đang bung nụ nhưng do không đủ nước nên hầu hết hoa bị khô và rụng không thể đậu trái”.
 
Để “mót” nước tưới cho hàng trăm ha cà phê nằm ngay bên cạnh 2 hồ thủy lợi Đông và Tây Di Linh, ngoài việc đưa máy bơm nước ra giữa hồ thì người dân còn đóng tiền thuê máy múc đào rãnh để lấy nước. Song đây chỉ là biện pháp tình thế nên không mang lại hiệu quả. 
 
Ông Lê Văn Lâm (ngụ Tổ dân phố 13, thị trấn Di Linh) phản ánh: “Do nước tại 2 hồ Đông và Tây đã cạn kiệt và rút xuống lòng hồ nên lượng bùn rất nhiều khiến máy bơm thường xuyên bị tắc. Bà con chúng tôi đã thuê máy múc đào rãnh để dẫn nước vào cho đỡ bùn nhưng vẫn không hiệu quả do lượng nước quá ít. Nếu trời không có mưa mà cứ tiếp tục nắng hạn thì chắc chắn năng suất cà phê năm nay của người dân sẽ tụt giảm nghiêm trọng”.
 
Theo Văn bản số 2259 ngày 22/11/2017, của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri thị trấn Di Linh về tiến độ triển khai dự án sửa chữa, nâng cấp 2 hồ thủy lợi Đông - Tây nêu rõ nguyên nhân: “Do thời tiết năm 2017 mưa nhiều nên việc thi công hồ Đông, hồ Tây Di Linh chậm tiến độ, đường thi công lầy lội không thể vận chuyển vật tư nên lịch tích nước dự kiến bắt đầu từ ngày 15/9/2017 vẫn không thể thực hiện được. Thực tế, lượng nước tích được chỉ đủ phục vụ tưới tiêu khoảng 50 - 60% diện tích, trong giai đoạn dẫn dòng...”.
 
Ông Vũ Hồng Long, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh cho biết: “Trong năm 2017, do mưa nhiều nên Ban quản lý Dự án và đơn vị thi công đã nhiều lần xin ý kiến của huyện được xả nước hồ Đông và Tây để đảm bảo tiến độ thi công. Riêng đầu năm 2018, đơn vị thi công đã có văn bản xin xả nước để thi công các hạng mục còn lại nhưng huyện không đồng ý vì lo ngại hụt nước tưới của người dân. Mục đích của dự án sửa chữa, nâng cấp hồ Đông và Tây Di Linh là nhằm đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ cho người dân phát triển nông nghiệp bền vững, lâu dài. Vì vậy, trong quá trình triển khai dự án không thể tránh khỏi các hạn chế tạm thời ảnh hưởng đến người dân. Để đảm bảo nguồn nước cho người dân chống hạn, địa phương đã yêu cầu đơn vị thi công 2 hồ Đông và Tây Di Linh đẩy nhanh tiến độ để chặn dòng cung cấp nước cho người dân trước tháng 4/2018”.
 
Cũng theo ông Long, sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng cà phê bị chết do thiếu nước, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp phối hợp với một số cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra thực tế. Qua đó, chúng tôi khẳng định không có tình trạng cà phê bị chết như người dân phản ánh. Song tình trạng cà phê héo rũ, vàng lá, khô bông... đã và đang xảy ra thì đúng hơn. 
 
Theo người dân, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thì vụ mùa cà phê năm 2018 sẽ không thể cứu vãn nổi, bởi phần lớn diện tích này hoa đã bị khô do thiếu nước. Song, nguyện vọng mà người dân mong muốn là địa phương cần đôn đốc đơn vị thi công 2 hồ Đông và Tây Di Linh nhanh chóng hoàn thành chặn dòng đưa vào sử dụng để bà con sớm có nước tưới cho cà phê trong các vụ sau.
 
KHÁNH PHÚC