Ngày xuân đi viếng chùa

09:03, 15/03/2018

Rằm tháng Giêng Mậu Tuất, nhằm ngày cuối tuần, sau cơn mưa kéo dài, không gian trong lành, dịu mát, cây trái, hoa lá trở lại tươi tốt sau những ngày nắng gắt suốt hơn một tháng qua, người người nô nức đi lễ Phật. 

Rằm tháng Giêng Mậu Tuất, nhằm ngày cuối tuần, sau cơn mưa kéo dài, không gian trong lành, dịu mát, cây trái, hoa lá trở lại tươi tốt sau những ngày nắng gắt suốt hơn một tháng qua, người người nô nức đi lễ Phật. Ở những ngôi chùa lớn và những nơi nổi tiếng như làng chùa ở Ðức Trọng, người đi như trẩy hội. Tôi tháp tùng cùng anh Nguyễn Bạn - nguyên Phó Ban Dân vận và đoàn cán bộ Mặt trận tỉnh đi thăm viếng các chùa nhân ngày Tết Nguyên Tiêu và là ngày rằm lớn trong năm.
 
Du khách tham quam chùa Linh Phước. Ảnh: T.Trang
Du khách tham quam chùa Linh Phước. Ảnh: T.Trang

Xe xuống hết con dốc cuối cùng của đèo Prenn, rẽ phải rồi vòng lại chui qua dưới đường cao tốc đi ngược lên khỏi cổng Khu Du lịch thác Prenn, chúng tôi đến với Tịnh xá Ngọc Thiền. Một ngôi chùa không lớn lắm nhưng được che bóng bởi những tán cây rừng tạo nên một không gian mát mẻ, yên tĩnh. Hòa thượng Thích Giác Ngộ vui vẻ tiếp chúng tôi nơi phòng khách. Một vị tu sĩ có thân hình nhỏ bé, năm nay ông đã  80 tuổi, nhưng rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát và vui tính. Cụ làm việc không ngừng nghỉ, có khi còn lái xe liên tục trên 300 km đi TP Hồ Chí Minh, dừng xe đóng cửa là bắt tay vào công việc ngay mà cảm thấy sức vẫn còn sung. Một số phật tử và khách du lịch vào vãn chùa, sau khi lễ Phật, họ thả bộ thong thả đi dạo quanh chùa ngắm cảnh thiên nhiên và thư giãn trong không gian thanh tịnh của một tịnh xá bên bờ suối. Hòa thượng dẫn chúng tôi tham quan và giới thiệu tượng Phật nằm được khắc từ thân cây dâu ngàn năm tuổi đặt trang trọng trên bệ cao khoảng gần 2m, có lẽ đây là tượng Phật từ cây dâu lớn nhất, cổ thụ già nhất trong tỉnh. Nói chuyện với chúng tôi, Hòa thượng giới thiệu một bản đồ qui hoạch viện điều dưỡng với diện tích khoảng 4 ha nối liền theo khuôn viên tịnh xá. Ông nói, ông còn hai điều mong muốn đó là kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở điều dưỡng để chăm sóc cho người già, yếu để lại công đức cho đời. Và điều thứ hai là đất của tịnh xá ở mặt trước đã bị lấn chiếm cho thuê bán hàng cho khách du lịch, người bán và người mua đều đi vệ sinh ngay trước mặt chùa gây ô uế và mất vẻ trang nghiêm nơi thờ tự, nhiều lần ông đã có đơn đề nghị chính quyền can thiệp nhưng mãi vẫn chưa được giải quyết. Rồi Hòa thượng nói sang chuyện ông dạy Thái cực quyền để luyện sức khỏe cho mọi người. Những câu chuyện đạo, chuyện đời đang rôm rả vui vẻ, nhưng lịch đi thăm còn dài, chúng tôi đành phải chia tay cụ.
 
Xe đến bên này cầu Đại Ninh rẽ phải, chúng tôi đi vào làng chùa ở Đức Trọng, người đi viếng chùa đông vui như hội, đã xảy ra tình trạng kẹt xe, UBND xã đã phải huy động lực lượng dân quân ra điều hành giao thông và lập các bãi đậu xe bắt buộc cho ô-tô và nhiều bãi cho xe máy, mọi người phải đi bộ từ rất xa để vào các chùa. Đường lên chùa Vĩnh Minh có lúc chật cứng chen chân mà đi nhưng khá trật tự, mọi người có ý thức nhường nhau không chen lấn tranh giành, nét mặt ai cũng thể hiện vẻ thành kính trước nơi tôn nghiêm và thân thiện với những người xung quanh. Ngôi chùa đặt trên lưng chừng núi, cây cối tỏa bóng xuống hồ và tượng phật Di Đà cao vượt lên trên tán cây rừng, vừa uy nghi vừa tỏa ánh mắt nhìn từ bi xuống chúng sanh. Thượng tọa Thích Nguyên Hiền đưa chúng tôi đi xem vườn phong lan trong vườn chùa đang nở hoa tuyệt đẹp, đặc biệt là những chùm dã hạt tím rất sung, sai hoa treo trên chái hiên chùa thòng xuống ngang đầu người. Phật tử đi lễ Phật xong đều xúm quanh các chùm hoa chụp hình lưu niệm. Thầy Nguyên Hiền là giáo thọ sư của Trường Trung cao cấp Phật học Lâm Đồng và là một giảng sư khá nổi tiếng trong nước, vừa tham gia Viện Nghiên cứu Hán Nôm Huệ Quang. Là một tu sĩ tài hoa, ông đã sáng tác nhiều đĩa phim về Phật giáo, trong đó có tác phẩm “Vọng âm dấu cát sông Hằng” khi ông sang Ấn Độ. Buổi trưa chùa có nấu cơm chay miễn phí cho tất cả những ai có nhu cầu, tôi quan sát thấy mọi người ăn có vẻ ngon lành, tôi hỏi thầy liệu có đủ kinh phí để cung cấp bữa ăn cho quá đông người thế không? Thầy cười bảo “Thực ra cơm chay cũng không tốn lắm đâu anh, nhiều năm rồi chùa Tâm Thanh vẫn có cơm chay vào Rằm tháng Giêng cho mọi người đi thăm chơi và lễ Phật khắp nơi ghé về nghỉ chân và ăn trưa ở đây. Cái khó là người nấu nướng và phục vụ nhưng may mắn là nhờ những đạo hữu của chùa rất nhiệt tình với cái tâm thiện luôn sẵn sàng phục vụ mọi người”. Tôi nói đùa với thầy Nguyên Hiền “Đúng là cơm chùa hả thầy”. Mọi người cùng cười vui. Có một vấn nạn mà nhiều năm chưa giải quyết được đó là nhân những dịp chùa có đông khách thế này thì hàng quán mọc lên san sát trước cổng chùa làm ảnh hưởng đến nét tôn nghiêm nơi thờ tự. Bên cạnh đó, người ăn xin các kiểu, thật có, giả có, có người đem theo cả trẻ con để xin ăn trông thật nhếch nhác và tội nghiệp. Họ bò lết, nằm lăn lóc từ ngoài cổng lên cho tới sân chùa, tạo nên một hình ảnh vô cùng phản cảm. Nếu chính quyền địa phương quan tâm thì phối hợp với ngành LĐTBXH có thể giải quyết được. Tỉnh ta đã có Trung tâm Bảo trợ xã hội và nhiều cơ sở từ thiện nuôi dưỡng người tàn tật, neo đơn vẫn chưa hết công suất kia mà!
 
Chùa Hương Yên ở thôn Thiện Chí ngày xưa là nơi hẻo lánh nằm sâu trong rừng thuộc huyện Di Linh, một thôn kinh tế mới, nay đường nhựa đã vào đến nơi, xóm làng sầm uất. Thầy Viên Thắng giới thiệu một công trình mới xây xong và cũng mới hoàn thành thủ tục xây dựng sau nhiều khó khăn vướng mắc. Đúng là một công trình kiến trúc đẹp, hoành tráng, có thể nói là một công trình văn hóa có ý nghĩa lâu dài về sau này. 
 
Đường đông đúc xe cộ và người đi lễ chùa nên phải mất hơn một giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được chùa Giác Châu ở Ka Đơn, thuộc huyện Đơn Dương. Từ Ngã ba Bồng Lai có rất nhiều con đường đã tráng nhựa chạy về Tu Tra, Pró, Ka Đơn và đi vào các nông trường bò sữa... Nếu không quen có thể đi lạc! Chùa Giác Châu trông còn mới, cổng chùa khác lạ với các chùa khác. Có vẻ giống cổng chùa hoặc đền đài của Thái Lan. Ngôi chùa tọa lạc trên cao nhìn xuống cánh đồng lúa xanh rì mát mắt. Thầy trụ trì Thích Phương Qui còn trẻ và vui tính, là một người học kiến trúc nên ông tự vẽ thiết kế ngôi chùa. Ở đây, thầy đã đưa ngôi nhà rường từ Quảng Bình về dựng lên một ngôi nhà 3 gian cổ kính, thanh lịch và mát mẻ để làm nhà tiếp khách.
 
Buổi chiều xuống nhanh, chúng tôi đi qua Ka Đô vòng lên thị trấn Thạnh Mỹ thăm chùa Giác Hải nằm ở trung tâm thị trấn. Ngôi chùa khá rộng, có quảng trường mái che dành cho trên 600 thanh thiếu niên về tu tập mùa hè. Đây là một trong những hoạt động hoằng pháp của giáo hội mà cũng là một hoạt động gắn giữa đạo và đời rất hiệu quả, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho lớp trẻ từ chữ hiếu cho đến tình yêu hôn nhân và cả những ứng xử phải đạo với nhau trong xã hội. Đã nhiều năm qua, cứ đến ngày của người cao tuổi thì nhà chùa tổ chức xe đón những người cao tuổi trên địa bàn về chùa ăn nghỉ, tặng quà và tổ chức các sinh hoạt để cho các con nói về đạo hiếu của mình với cha mẹ. Năm nào cũng thế, thường có trên một ngàn cụ già được tham gia chương trình này. Thầy Thích Trí Định trụ trì chùa Giác Hải còn rất trẻ nên khá năng động, thích tổ chức các sự kiện gắn đạo với đời. Ông cũng là thành viên của tổ chức hoằng pháp trẻ của cả nước thường xuyên đi thuyết pháp cho hàng ngàn đạo hữu, nhất là cho thanh niên, sinh viên, học sinh.
 
Hết ngày Rằm tháng Giêng từ sáng sớm đến tối chỉ đi qua được năm nơi, nơi nào cũng thấy tấp nập phật tử và khách lãng du đến thăm viếng, lễ Phật, nơi nào nhà chùa cũng phục vụ khách chu đáo về mặt tinh thần, tín ngưỡng. Khách đến chùa kẻ ít người nhiều, ai cũng bày tỏ lòng thành cúng dường Tam bảo, và ra về ai cũng được lộc đầu năm từ cửa Phật. Trong lòng người cảm thấy được bình an và nguyện làm điều lành, tránh điều dữ. Âu đó cũng là điều tốt đẹp cần thiết cho xã hội! Anh Ngữ - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh nói với chúng tôi: “Nếu có điều kiện đi thăm nhiều nơi hơn nữa thì mới thấy hết sự đa dạng. Bởi toàn tỉnh có tới 433 cơ sở thờ tự của Phật giáo, kể cả đã được Nhà nước công nhận và đang làm thủ tục xin được công nhận, với trên 2.500 tăng ni và khoảng 350.000 phật tử”. Sự đa dạng ở đây là về kiến trúc, cảnh quan, phong cách của từng ngôi chùa và các hoạt động của tăng ni, phật tử ở mỗi nơi... làm nên một bức tranh phong phú của đạo Phật và để cho văn hóa Bi - Trí - Dũng lan tỏa ra xã hội.
 
HOÀNG NGUYÊN