Những khó khăn về công tác quy hoạch ở Ðà Lạt

09:03, 20/03/2018

Tỉnh Lâm Ðồng hiện có 15 đô thị, trong đó thành phố Ðà Lạt là đô thị quan trọng nhất trong công tác quy hoạch xây dựng. Vì, đây là đô thị loại I và quá trình phát triển quy hoạch được quy định chặt chẽ bởi Quyết định 704/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Tỉnh Lâm Ðồng hiện có 15 đô thị, trong đó thành phố Ðà Lạt là đô thị quan trọng nhất trong công tác quy hoạch xây dựng. Vì, đây là đô thị loại I và quá trình phát triển quy hoạch được quy định chặt chẽ bởi Quyết định 704/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt kiểm tra thực tế về quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Lạt đầu năm 2018. Ảnh: M.Ðạo
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt kiểm tra thực tế về quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Lạt
đầu năm 2018. Ảnh: M.Ðạo

Tại Quyết định 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch chung đô thị Đà Lạt được xác định đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, địa bàn này là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng. Đây còn là nơi hội tụ nhiều trung tâm như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao và giải trí cấp vùng; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước. 
 
Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố Đà Lạt đã khẩn trương triển khai thực hiện các bước theo quy định như ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn; triển khai lập nhiều đồ án, đồng thời rà soát điều chỉnh các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu. Cùng đó là triển khai một số dự án đầu tư các khu quy hoạch, khu tái định cư, khu du lịch, hệ thống hạ tầng kỹ thuật… 
 
Đến nay, Đà Lạt đã hoàn chỉnh trình duyệt quy hoạch phân khu 765 ha khu trung tâm thành phố; lập và tổ chức triển khai các quy hoạch chi tiết 1/500, 1/2000 để phủ kín diện tích đất phi nông nghiệp… 
 
Phòng Quản lý đô thị của thành phố cho biết, trên địa bàn thành phố đã triển khai thực hiện được 32/33 đồ án, đạt tỉ lệ 97% so với kế hoạch năm 2017. Đà Lạt cũng đã lập thiết kế đô thị trục Di sản Đông - Tây, quy chế quản lý xây dựng theo quy hoạch 704; thiết kế đô thị trục cây xanh cảnh quan Bắc - Nam, trình duyệt thiết kế đô thị quanh hồ Xuân Hương, quy hoạch chi tiết Vườn hoa thành phố giai đoạn 1, 2, 3… Thành phố cũng đã đạt được khá nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý cấp phép xây dựng theo quy hoạch. 
 
Tuy nhiên, với nhu cầu thực tiễn, trên địa bàn thành phố Đà Lạt vẫn còn những hạn chế và khó khăn, rất cần sớm tháo gỡ, khắc phục từ các cấp quản lý nhà nước cấp trên và chính từ bản thân thành phố. Đối với công tác quy hoạch, chất lượng khảo sát và thiết lập một số khu quy hoạch còn thấp, thiếu tầm nhìn dài hạn, vì vậy tính khả thi không cao. Một số quy hoạch phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; một số không đảm bảo nguồn lực để thực hiện. Trong công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất, vẫn còn thiếu đồng thuận của người dân trong vùng quy hoạch cho nên các định hướng phát triển của quy hoạch chưa có tính thuyết phục cao. Bên cạnh đó, một số mục tiêu đề ra khi quy hoạch vẫn còn mang tính tình thế, còn xuất phát từ mong muốn chủ quan hơn là từ các yêu cầu về quản lý sử dụng thiết thực. 
 
Cũng theo lãnh đạo Phòng Quy hoạch đô thị Đà Lạt, ở một số dự án, quy hoạch cần vốn đầu tư lớn, không có khả năng cân đối với nguồn lực nên không triển khai được trên thực tế. Việc bố trí vốn và kêu gọi vào đầu tư đòi hỏi thời gian dài và rất nhiều khó khăn khi lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực đảm bảo cho việc thực hiện quy hoạch. Chất lượng của đội ngũ những người tham gia vào công tác quy hoạch (quản lý nhà nước, tư vấn lập quy hoạch, chính quyền cơ sở…) còn hạn chế do việc cập nhật, ứng dụng những cơ sở khoa học, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào quy hoạch còn ít được quan tâm nên kết quả thực hiện không vững chắc. Công tác thẩm định quy hoạch đôi lúc còn chưa sát, chưa đi sâu vào thực tế để kiểm định nội dung quy hoạch. 
 
Về công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch, trong quá trình thực hiện triển khai Quyết định 704 của Thủ tướng Chính phủ đã phát sinh một số khó khăn vướng mắc bất cập liên quan đến lĩnh vực đất đai. Tìm hiểu qua người dân, tại một số khu vực trên địa bàn thành phố cho thấy sự bất hợp lý ở chỗ, trước đây quy hoạch đất ở và thực tế đang tồn tại nhiều nhà của dân nhưng nay lại quy hoạch là đất cây xanh, đất công cộng… Hoặc, cùng trên một tuyến đường đang áp dụng nhiều quy hoạch xây dựng khác nhau (cả nhà biệt lập và nhà liên kế); hoặc trước đây quy hoạch xây dựng nhà liên kế, nay quy hoạch xây dựng mới là nhà biệt lập… Những thực tiễn này đã gây khó khăn cho người dân tại một số khu vực trong việc xin phép xây dựng nhà ở cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phần lớn là đất ở hiện trạng mà người dân sử dụng trước đây, nay theo quy hoạch chung là đất khác… Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Lạt còn nhiều quy hoạch chi tiết phân lô khu dân cư nhưng có nhiều thửa đất của từng hộ dân không trùng khớp với việc phân lô theo quy hoạch, bản thân các hộ không tự thỏa thuận được, từ đó không nhận được đồng thuận từ người dân, địa phương khó khăn trong quản lý quy hoạch. Một vấn đề cũng cần tiếp tục phối hợp chấn chỉnh nghiêm là tình trạng xây dựng sai quy định ở một số công trình của chủ đầu tư và của người dân. Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, năm 2017, toàn tỉnh có 283 trường hợp công trình xây dựng sai quy định (gồm xây dựng sai phép, xây dựng không phép) trong đó, dĩ nhiên địa bàn thành phố Đà Lạt chiếm tỷ lệ không ít cả về số lượng cả về mức độ.
 
MINH ÐẠO