Phải sớm khắc phục và đưa vào hoạt động đúng quy định

09:03, 19/03/2018

Báo Lâm Ðồng ngày 16/3 đã có phóng sự ảnh về việc Công an PC49 tỉnh Lâm Ðồng bắt quả tang Nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung Ðà Lạt (gọi tắt là Nhà máy) chôn lấp khoảng hơn 30.000 tấn rác chưa phân loại, xử lý. 

Báo Lâm Ðồng ngày 16/3 đã có phóng sự ảnh về việc Công an PC49 tỉnh Lâm Ðồng bắt quả tang Nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung Ðà Lạt (gọi tắt là Nhà máy) chôn lấp khoảng hơn 30.000 tấn rác chưa phân loại, xử lý. Vụ việc đã được phản ánh đến lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố Ðà Lạt và cơ quan chức năng tiếp tục yêu cầu phía nhà đầu tư nghiêm túc khắc phục nhanh chóng theo quy định của pháp luật. 
 
Hàng chục ngàn tấn rác chưa phân loại, xử lý được chôn lấp tại Nhà máy. Ảnh: M.Ðạo
Hàng chục ngàn tấn rác chưa phân loại, xử lý được chôn lấp tại Nhà máy. Ảnh: M.Ðạo

Ðưa 100% rác của Ðà Lạt vào Nhà máy ngày 15/3  
 
Dự án “Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt” được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường ngày 8/3/2012 tại Quyết định số 538/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng. Dự án hoàn thành sẽ đạt được nhiều mục tiêu: xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Lạt, công suất 200 tấn/ngày; sản xuất sản phẩm từ rác bao gồm phân bón hữu cơ vi sinh, dầu đốt PO & RO, gạch Block... Nguyên lý hệ thống xử lý rác được phê duyệt là không chôn lấp, mà theo quy trình chặt chẽ, nghiêm ngặt, từ hệ thống khử mùi, lò đốt, bể xử lý nước thải đến các hệ thống khác theo công nghệ Green-Entec. Đơn vị chủ Dự án là Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh (gọi tắt là Công ty); Giám đốc Chi nhánh tại Đà Lạt là ông Tạ Thành Vinh.  
 
Chủ trương của tỉnh về đóng cửa bãi rác tập trung Cam Ly và xây dựng một nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung Đà Lạt là hoàn toàn phù hợp, cả mặt pháp quy cả thực tế. Nhiều năm qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương liên quan tiến hành triển khai nghiêm túc, hiệu quả chủ trương này. Sau khi Nhà máy tại tiểu khu 163B, xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt hoạt động, bước đầu đã giải tỏa được tình trạng ùn ứ cho bãi rác tập trung Cam Ly. Để chấm dứt hoàn toàn việc thu gom tập trung tại bãi rác này, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra mức độ đầu tư của Nhà máy. Vì vậy, ngày 17/1/2018, căn cứ Văn bản số 1809/KHĐT-ĐKT ngày 29/12/2017 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng, UBND tỉnh có Văn bản số 369/UBND-MT chỉ đạo nội dung liên quan đến đầu tư hoạt động Dự án Nhà máy. Theo đó, giao UBND thành phố Đà Lạt chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt và đơn vị liên quan “thường xuyên kiểm tra, đôn đốc Công ty đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục nhà máy rác, đặc biệt là dây chuyền xử lý rác thứ 2 (lắp ráp hoàn thành trong quý I năm 2018)” và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30 hàng tháng. UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty “khẩn trương khắc phục các tồn tại” như: củng cố thành viên Công ty đủ năng lực tài chính, trình độ quản trị; lắp đặt, hoàn thiện các dây chuyền sản xuất, thiết bị; hoàn thiện các hạng mục xử lý nước rỉ rác, hệ thống thu gom nước mặt và các hạng mục bảo vệ môi trường theo cam kết Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; tiếp tục đầu tư đảm bảo quy mô, công suất theo giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng đã được cấp. UBND tỉnh giao Sở TN&MT, UBND thành phố Đà Lạt “giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy rác theo đúng quy định”. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 22/1/2018, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Võ Ngọc Trình chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và Công ty. Ngay sau đó, ngày 23/1, UBND thành phố Đà Lạt có Văn bản số 510 chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai theo chức năng và nhiệm vụ của từng đơn vị. Đáng chú ý là “nếu nhà máy xử lý đạt yêu cầu, đến ngày 15/3/2018 sẽ tập trung toàn bộ 100% khối lượng rác của toàn thành phố để xử lý tại nhà máy”. 
 
Bắt quả tang chôn hàng chục ngàn tấn rác trái quy định 
 
Trước một ngày thực hiện kế hoạch đưa 100% khối lượng rác của thành phố Đà Lạt vào Nhà máy để xử lý, ngày 13/3, Đoàn kiểm tra do Đại tá, Trưởng phòng PC49, Công an tỉnh Lâm Đồng Phan Thanh Chương dẫn đầu đã ập vào Nhà máy kiểm tra đột xuất. Tham gia cùng là các công an thuộc PC49, cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường, lãnh đạo UBND xã Xuân Trường, Phòng TN&MT thành phố Đà Lạt và người viết bài này. Trước chứng kiến của đại diện Công ty - bà Lê Thị Vân Anh (quản lý tài chính, nhân sự) và ông Phạm Văn Quý (quản lý nhà máy), Đoàn kết luận: Trong 3 lò đốt chỉ có 1 lò trung hoạt động, 2 lò còn lại ngưng hoạt động; tại khuôn viên phía sau nhà máy có một hố đất đào kích thước 40 m x 10 m x 2 m đang chứa rác chưa qua phân loại và xử lý, hố không che chắn và lót bạt; khu vực gần đó tập kết một khối lượng rác lớn chưa phân loại, xử lý. Tiếp tục kiểm tra, đoàn phát hiện hố đất khác kích thước 10 m x 10 m x 5 m đang chứa 2/3 diện tích rác thải còn mới, chưa qua phân loại, xử lý. Tại khu đất rộng khoảng 10.000 m2 khác, sau lớp đất phủ mặt 40 cm rác chưa qua phân loại, xử lý đã chôn với độ dày từ 2 m đến 4 m. Tổng lượng rác bị chôn lấp chưa phân loại, xử lý ước khoảng trên 30.000 tấn. Một con mương nước rỉ rác chảy ra không thu gom, xử lý, thẩm thấu trực tiếp vào môi trường đất. Các bể chứa nước thải chưa hoạt động…
 
Rõ ràng những hiện trạng phát hiện trên đã không đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của UBND tỉnh! Đoàn kiểm tra yêu cầu nhà máy phải chấm dứt việc chôn lấp chất thải rắn không đúng quy định về bảo vệ môi trường. 
 
Tại hiện trường, Đại tá Phan Thanh Chương cho biết: Để bắt được quả tang như vậy, lực lượng PC49 phải bỏ nhiều thời gian mật phục trinh sát. Đây là một vụ vi phạm Luật Bảo vệ môi trường rất nghiêm trọng, Công an tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo UBND tỉnh. Số lượng rác không phân loại và xử lý được chôn lấp khoảng từ 3-4 tháng gần đây. Cơ quan Công an tiếp tục củng cố hồ sơ, đối chiếu tài liệu, xác định số lượng rác chôn lấp trái quy định để làm căn cứ xác định hành vi và đối chiếu với khung xử lý để đề xuất thích hợp. Ngày 15/3, Đại tá Chương tiếp tục cho biết: Chủ tịch Hội đồng quản trị của Nhà máy - ông Phạm Gia Khanh đã làm việc với PC49, tuy nhiên ngành chức năng chưa nhận được sự hợp tác có trách nhiệm cao nhất từ phía nhà đầu tư. 
 
Ngày 16/3, chúng tôi liên hệ với ông Bùi Trung Đường (Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị thành phố Đà Lạt) nắm bắt đơn vị đã cung cấp 100% rác của thành phố (khoảng 180 tấn/ngày) cho Nhà máy như Văn bản 510 của UBND thành phố Đà Lạt chưa. Ông Đường trả lời: Sau khi Đoàn kiểm tra phát hiện những thực tế tại Nhà máy, Công ty ông đã làm văn bản gửi UBND thành phố đề nghị chưa thực hiện, vẫn cung cấp 70 tấn/ngày. 
 
Qua vụ xảy ra tại Nhà máy, theo chúng tôi, việc xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận là tất yếu và khẩn trương. Tuy nhiên, có hai vấn đề luôn được đặt ra: một là, cần lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà máy có thực lực về tài chính, có tâm huyết và trách nhiệm cao đối với công tác bảo vệ môi trường. Cùng đó, cần có sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương nơi có nhà máy xây dựng, đặc biệt là vai trò giám sát của người dân hết sức quan trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh vụ việc đến bạn đọc. 
 
MINH ÐẠO