Tín ngưỡng và mê tín

09:03, 23/03/2018

Hiện nay, nhân dân cả nước đang vào "mùa" lễ hội. Tuy nhiên, nhiều lễ hội gây bức xúc dư luận bởi phát sinh những hình ảnh phản cảm, những cảnh tranh lộc, cướp ấn, tranh cướp đồ cúng… bát nháo. 

Hiện nay, nhân dân cả nước đang vào “mùa” lễ hội. Tuy nhiên, nhiều lễ hội gây bức xúc dư luận bởi phát sinh những hình ảnh phản cảm, những cảnh tranh lộc, cướp ấn, tranh cướp đồ cúng… bát nháo. Nguyên nhân chính xuất phát từ lòng tham và niềm tin u muội mà “gốc rễ” của hiện tượng này là sự “nhập nhằng”, thiếu hiểu biết của một bộ phận nhân dân giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan (MTDÐ)…
 
Người dân chen lấn sụp lạy, cúng bái hai con rắn nước tại một ngôi mộ vô danh ở thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình). Ảnh: T.D.H
Người dân chen lấn sụp lạy, cúng bái hai con rắn nước tại một ngôi mộ vô danh ở thôn La Hà Tây,
xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình). Ảnh: T.D.H

Tín ngưỡng và mê tín dị đoan
 
Có nhiều quan niệm về tín ngưỡng, song khái niệm có tính khái quát nhất cho rằng tín ngưỡng là niềm tin có hệ thống mà con người tin vào để giải thích thế giới mong mang lại sự bình yên cho bản thân và mọi người. Tín ngưỡng còn thể hiện giá trị của cuộc sống, ý nghĩa của cuộc sống bền vững và đôi khi được hiểu là tôn giáo. 
 
Với đặc điểm về lịch sử và văn hóa, tín ngưỡng của người Việt mang tính dân tộc, dân gian; trong các hình thái tín ngưỡng dân gian thì thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng cổ truyền mang tính phổ quát nhất của người Việt. Thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở người Việt đã hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở quan niệm tâm linh và một nền tảng kinh tế, xã hội, tư tưởng khá bền vững. 
 
Với người Việt, thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, các bậc cao, tằng, tổ, khảo (kỵ, cụ, ông, bố) là đạo lý được nối tiếp, gìn giữ có tính bền vững. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam từ gia đình, dòng họ đến Tổ quốc không ngừng được gìn giữ, bảo tồn; Giỗ tổ Hùng Vương là sự phát triển cao có tính chất trìu tượng hóa ý thức về cội nguồn, bắt rễ từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở làng xã, trong gia đình và gia tộc.
 
Còn MTDĐ? Theo tài liệu “Lý luận về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” (Viện Nghiên cứu Tôn giáo và tín ngưỡng) thì “MTDĐ là một hiện tượng xã hội tiêu cực đã xuất hiện từ lâu và tồn tại đến ngày nay…; đó là niềm tin một cách mù quáng vào những điều nhảm nhí, gây tổn hại về sức khỏe, tài sản, tính mạng và tổn phí về thời gian cho cá nhân, gia đình và xã hội”. Trong thực tế, MTDĐ thường gắn (xen) vào các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và các hoạt động lễ hội. Việc xác định hành vi, hoạt động MTDĐ chủ yếu dựa vào biểu hiện và hậu quả tiêu cực của nó.
 
Lễ hội - nơi phát sinh MTDÐ
 
Mỗi năm, cả nước ta có gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ (trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội). Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, lễ hội xuất phát từ nhu cầu về văn hóa và hưởng thụ văn hóa của con người; nhiều lễ hội có từ lâu đời và mang bản sắc riêng từng vùng miền, từng địa phương, tộc người (lễ hội dân gian); đồng thời, có những lễ hội mang tính cộng đồng (lễ hội văn hóa, du lịch…). Mục đích của Lễ hội tạo ra sân chơi văn hóa lành mạnh; qua đó, tạo sự cấu kết cộng đồng, tương thân tương ái, giáo dục truyền thống dân tộc, lòng yêu nước, sự biết ơn đối với các bậc “công thần khai quốc”…
 
Lễ hội thường có hai phần: Lễ và hội; ở phần “lễ” diễn ra các hoạt động mang sắc thái tín ngưỡng, tâm linh thể hiện ước vọng của con người, cộng đồng dân cư mong mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh… Đặt niềm tin vào đấng siêu nhiên, thiêng liêng (khó lý giải); ở đó, còn là sự bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn đối với các bậc tiền nhân có công giúp dân, lập quốc (các đời Vua Hùng, hay Thành Hoàng làng, đức Thánh Mẫu…). 
 
Nói cách khác, lễ hội là hoạt động văn hóa vừa mang yếu tố tín ngưỡng, tâm linh của con người. Tuy nhiên, hiện nay khi mà yếu tố tâm linh bị thổi phồng, bị cường điệu đánh vào lòng tham của con người; cùng với sự “sùng tín”, sự mê muội của một bộ phận nhân dân; đặc biệt, lợi dụng lễ hội (như nói trên) để hoạt động MTDĐ… đã biến các lễ hội thành nơi tranh giành, tranh cướp rất bát nháo, hỗn độn gây bức xúc dư luận xã hội.
 
Dù đã được chấn chỉnh, tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự; song, nhiều lễ hội vừa diễn ra tại các địa phương trong cả nước vẫn còn nhiều “hạt sạn”, nhiều bất cập; trong đó, MTDĐ đã “len lỏi” vào làm biến tướng. Ngoài hiện tượng buôn thánh bán thần, tình trạng tranh lộc, cướp ấn, giành giật đồ cúng, vật cúng… với niềm tin mang lộc đầu năm về nhà là may mắn cả năm đã dẫn đến hàng loạt các lễ hội nhuốm màu “bạo lực” rất đáng buồn như một số lễ hội ở phía Bắc; hay tại lễ Làm Chay cúng ông Tiêu - lễ hội truyền thống của nhân dân thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành (Long An) vào ngày 16 AL vừa qua. Hay việc xuất hiện 2 con rắn nước tại một ngôi mộ vô danh ở thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) được người dân đồn thổi là “rắn thần” khiến nhiều người mê tín ở các nơi ùn ùn kéo nhau mang hoa, quả, tiền bạc… đến sụp lạy, cúng bái, cầu khẩn rất tốn kém, nhảm nhí…
 
Có bậc cao niên than rằng, ngày xưa lễ hội cũng tổ chức ở khắp nơi (số lượng lễ hội còn nhiều hơn bây giờ), chủ yếu nhân dân trong vùng tham gia nên không khí trang nghiêm, trật tự,… Còn bây giờ, phương tiện đi lại thuận lợi, đời sống của nhân dân khá hơn nên các lễ hội thường thu hút đông đảo du khách các nơi khác tham gia đã gây “quá tải”. Điều đáng nói là số người sùng tín (MTDĐ) ngày càng nhiều hơn. Và, điều cũng lạ là người có đạo trở nên đắc đạo, người không theo đạo giáo nào lại “siêng” đi miếu, đi chùa…. Có tiền, người ta cứ làm công quả, sắm đặt lễ vật cúng bái, nếu điều cầu khẩn “hiển linh” thì quá tốt; còn không đạt được cũng không sao!
 
Thực tế đáng buồn hiện nay là đã và đang có sự “nhầm lẫn” giữa tín ngưỡng và MTDĐ diễn ra ở nhiều lễ hội…
 
THANH DƯƠNG HỒNG