Viện Nghiên cứu Hạt nhân Ðà Lạt với những hướng nghiên cứu ưu tiên

09:03, 06/03/2018

Từ năm 2014 đến nay, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Ðà Lạt đã hình thành thêm các nhóm nghiên cứu ưu tiên về công nghệ hạt nhân để phát triển các ứng dụng thực tiễn. 

Từ năm 2014 đến nay, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Ðà Lạt đã hình thành thêm các nhóm nghiên cứu ưu tiên về công nghệ hạt nhân để phát triển các ứng dụng thực tiễn. 
 
Các phòng thí nghiệm của Viện tiếp tục được trang bị các thiết bị hiện đại. Ảnh: V.T
Các phòng thí nghiệm của Viện tiếp tục được trang bị các thiết bị hiện đại. Ảnh: V.T

Một trong những nhóm nghiên cứu vào hàng ưu tiên tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt chính là nhóm nghiên cứu về vật lý và động học lò phản ứng.
 
Trong khoảng 4 năm qua, nhóm này đã thực hiện 2 đề tài và nhiệm vụ cấp bộ gồm 1 đề tài về “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và lắp đặt hoàn chỉnh cơ cấu tới hạn đa mục tiêu sử dụng nước nhẹ làm chậm và nhiên liệu độ giàu thấp”; một nhiệm vụ về “Xây dựng và chuẩn hóa các thiết bị thí nghiệm trên Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt phục vụ công tác đào tạo công nghệ hạt nhân”. Hiện nhóm đang thực hiện một đề tài độc lập cấp quốc gia và 1 đề tài cấp bộ. 
 
Thông qua các hoạt động nghiên cứu, nhóm ưu tiên này đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu về công nghệ hạt nhân, có khả năng tính toán, thiết kế các cấu hình vùng hoạt cho lò phản ứng nghiên cứu, phục vụ cho Dự án Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân sắp đến; đồng thời nhóm cũng đóng góp lớn vào công tác đảm bảo vận hành an toàn Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt lâu nay. 
 
Một nhóm nghiên cứu ưu tiên khác tại Viện là nhóm nghiên cứu vật lý hạt nhân trên kênh ngang của lò phản ứng. Trong 4 năm gần đây, bên cạnh thực hiện các đề tài cấp quốc gia, nhóm đã tập trung vào phát triển các dòng nơtron phin lọc phục vụ đo số liệu hạt nhân, nghiên cứu phản ứng hạt nhân và ứng dụng. Từ những nghiên cứu của mình, nhóm đã thiết kế và chế tạo các thiết bị đo trên chùm nơtron nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu theo xu thế hiện nay trên thế giới.  
 
Nhóm đến nay đã đưa vào khai thác thêm 2 kênh nơtron và tổ hợp 6 phin lọc nơtron, một hệ phổ kế trùng phùng, 1 hệ phổ kế đối trùng, 1 hệ phổ kế nơtron và một hệ phổ kế gamma phông thấp. Những thiết bị này đang phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu và hỗ trợ công tác đào tạo nhân lực cho Dự án Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân sắp đến. Nhiều nghiên cứu của nhóm đã được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế uy tín.
 
Trong lĩnh vực môi trường, Viện cũng có 2 nhóm nghiên cứu ưu tiên gồm nhóm quan trắc và đánh giá tác động phóng xạ môi trường cùng nhóm nghiên cứu các quá trình môi trường.
 
Với nhóm quan trắc và đánh giá tác động phóng xạ môi trường, thông qua các nghiên cứu của mình, đến nay nhóm đã bước đầu thu thập được bộ số liệu về nền phóng xạ trong các đối tượng môi trường và lương thực, thực phẩm khu vực TP Hồ Chí Minh để làm cơ sở cho đánh giá tác động phóng xạ môi trường trong những bước tiếp theo.
 
Riêng nhóm nghiên cứu các quá trình môi trường đã xây dựng kỹ thuật đánh giá xói mòn đất canh tác, đánh giá hiệu quả các biện pháp chống xói mòn trên quy mô lưu vực sử dụng đồng vị phóng xạ môi trường. Cùng đó, một số công cụ phân tích và phương pháp mới được nhóm xây dựng để nghiên cứu động học nước biển ven bờ từ việc sử dụng đồng vị Rađi tự nhiên làm chất chỉ thị. Nghiên cứu này đã góp phần đánh giá hiệu quả việc lan truyền của chất thải trong vùng biển ven bờ, tính toán lưu lượng thải tối đa cho phép vào môi trường biển theo các tiêu chuẩn Việt Nam và thế giới.
 
Cùng với các nhóm ưu tiên trên, Viện cũng có các nhóm nghiên cứu những  nhiệm vụ thường xuyên như nhóm nghiên cứu công nghệ sinh học, nhóm nghiên cứu công nghệ bức xạ, nhóm nghiên cứu phát triển các kỹ thuật phân tích hóa lý...
 
Với nhóm nghiên cứu công nghệ sinh học, từ việc thực hiện các đề tài hằng năm đã giúp nhóm hoàn thiện các quy trình kỹ thuật phân tích di truyền tế bào để phát triển phương pháp định liều sinh học và mở rộng khả năng nghiên cứu ứng dụng trong hỗ trợ điều trị y tế, phát triển kỹ thuật chọn tạo giống bằng xử lý đột biến. 
 
Với nhóm nghiên cứu công nghệ bức xạ, qua nghiên cứu của mình đã đưa ra thị trường trong nước nhiều sản phẩm như chế phẩm tăng trưởng thực vật, chế phẩm phòng trừ nấm bệnh, chế phẩm sát khuẩn, chế phẩm xử lý đất trồng trọt... Còn nhóm nghiên cứu phát triển các kỹ thuật hóa lý từ năm 2014 đến nay đã hoàn thiện, phát triển các quy trình phân tích trên các đối tượng và thiết bị mới. Hầu hết các nguyên tố, các hợp chất hữu cơ được quan tâm trong các đối tượng mẫu địa chất, môi trường, nông sản, thực phẩm, phân bón đều có thể phân tích trên các thiết bị tại phòng thí nghiệm của Trung tâm tại đây.
 
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu và sản xuất đồng vị phóng xạ trên Lò phản ứng của Viện trong nhiều năm nay thông qua việc thực hiện các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở đã hoàn thiện quy trình sản xuất nhiều dược chất phóng xạ mới dùng cho y tế. Bên cạnh 11 sản phẩm là dược chất phóng xạ, gần đây nhóm này đã phát triển được sản phẩm dùng điều trị giảm đau do di căn đang được sử dụng tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. 
 
Hầu hết các hướng nghiên cứu trên, theo đánh giá của Viện, đều đã đạt được những tiến bộ đáng kể, góp phần không nhỏ để Viện đưa ra những sản phẩm khoa học hướng dến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên như Viện cho biết, một số hướng nghiên cứu vẫn phải đối mặt với một số khó khăn nhất định do trang thiết bị còn hạn hẹp, thiếu kinh phí cùng nguồn nhân lực đủ trình độ cần thiết để nâng tầm các nghiên cứu.
 
Chính vì vậy, trong thời gian đến, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt bên cạnh đẩy mạnh hoạt động của tất cả các hướng nghiên cứu, sẽ đặc biệt chú ý đến các hướng nghiên cứu có tiềm năng. Đồng thời, Viện cho biết sẽ tìm giải pháp tháo gỡ cho những lĩnh vực nghiên cứu còn gặp khó khăn. Trong năm 2017 vừa qua, Viện đã hoàn thành 3 dự án đầu tư cho mục tiêu tăng cường năng lực nghiên cứu với tổng kinh phí 1,53 tỷ đồng từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Viện. Trong năm 2018 này, Viện sẽ tiếp tục hoàn thành dự án tăng cường năng lực nghiên cứu có tổng kinh phí 10,6 tỷ đồng kéo dài trong 2 năm 2017 - 2018, trong đó tập trung nâng cấp, cung cấp trang thiết bị hiện đại cho các phòng thí nghiệm của Viện.  
 
VIẾT TRỌNG