Xe chở đá "cày" nát đường dân sinh

09:04, 17/04/2018

Mỗi ngày có đến hàng chục lượt xe ben trọng tải lớn ra vào chở đá đã khiến tuyến đường dân sinh DH81 dài khoảng 7 km nối từ xã Triệu Hải đi xã Ðạ Pal (huyện Ðạ Tẻh) bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Kéo theo đó là những hệ lụy như ô nhiễm môi trường do bụi bặm và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông… khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn gây bức xúc cho bà con.

Mỗi ngày có đến hàng chục lượt xe ben trọng tải lớn ra vào chở đá đã khiến tuyến đường dân sinh DH81 dài khoảng 7 km nối từ xã Triệu Hải đi xã Ðạ Pal (huyện Ðạ Tẻh) bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Kéo theo đó là những hệ lụy như ô nhiễm môi trường do bụi bặm và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông… khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn gây bức xúc cho bà con.
 
Đường xuống cấp khiến bụi bay mù mịt khi xe chở đá lưu thông. Ảnh: K.P
Đường xuống cấp khiến bụi bay mù mịt khi xe chở đá lưu thông. Ảnh: K.P

Đạ Pal được biết đến là một trong những xã có điểm xuất phát thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của huyện Đạ Tẻh. Cách đây khoảng 10 năm, khi tuyến đường DH81 được đầu tư xây dựng nối từ điểm cuối xã Triệu Hải đến dốc thôn Tôn K’Long (xã Đạ Pal) có chiều dài khoảng 7 km được đầu tư xây dựng bằng bê tông nhựa nóng thì cuộc sống của người dân cũng đổi thay từng ngày. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, từ khi mỏ đá của Công ty CP KT - KS Hoàng Phát (tại thôn Bình Hòa, xã Đạ Pal) đi vào hoạt động với công suất lớn, thì hàng ngày, nhiều xe có trọng tải lớn liên tục ra vào chở đá khiến tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng.
 
Chúng tôi có mặt tại tuyến đường này đúng thời điểm vào mùa khô, do nền đường bị sụt lún, bong tróc, ổ voi, ổ gà dày đặc nên mỗi khi xe chở đá xuất hiện chạy đến đâu là bụi bay mù mịt. Ông Phạm Văn Vượng (65 tuổi, ngụ tại thôn Xuân Thành, xã Đạ Pal) phản ánh: “Trước đây, đường bê tông nhựa nóng bà con đi lại vận chuyển hàng hóa, nông sản rất thuận lợi. Nhưng hơn 1 năm nay, kể từ khi Công ty Hoàng Phát sang nhượng lại mỏ đá của một công ty khác rồi đi vào hoạt động là tuyến đường bị xuống cấp nhanh chóng. Mỗi ngày có từ 30 - 40 lượt xe ben vào chở đá cứ thế cày xới, băm nát khiến cả tuyến đường bị bong tróc, nứt nẻ, chi chít ổ voi, ổ gà. Trời mưa còn đỡ, nhưng trời nắng thì bụi bay mù mịt bao trùm thôn, xóm, khiến cây cối, nhà cửa bạc trắng”.
 
Đường thì xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, trong khi đó lượng xe chở đá lưu thông cũng ngày một nhiều hơn nhưng không được tu bổ, sửa chữa khiến người dân không khỏi lo lắng, bất an. Ông Nguyễn Văn Luyến (ngụ thôn Bình Hòa, xã Đạ Pal) bức xúc: “Mang tiếng là đường nhựa, nhưng xe chở đá chạy với mật độ liên tục như vậy, giờ mặt đường chỉ còn lại đất và đá. Từ sáng đến tối, nhà chúng tôi sát bên đường phải đóng cửa kín mít. Vậy mà bàn ghế, giường chiếu, chén bát, nồi niêu… lau dọn liên tục vẫn thấy bụi bám đầy. Còn cây cối, mái nhà từ đầu đến cuối xã bụi bám trắng xóa. Nếu cứ sống thế này thì chúng tôi làm sao chịu nổi, chắc rồi cũng “chết” vì bệnh tật cả thôi!”.
 
Theo người dân, đường xuống cấp, hư hỏng và xe chở đá lưu thông quá nhiều không chỉ cản trở việc đi lại vận chuyển hàng hóa, nông sản của bà con mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, nhất là đối với các cháu học sinh. Cùng với đó, tình trạng xe chở đá không trùm bạt khiến đá (đá hộc 20 - 30 kg/hòn) thường xuyên rơi vãi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. “Ở địa phương hiện có 3 trường học (1 trường 1 mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS) nên hàng ngày có đến 300 - 400 cháu học sinh qua lại trên tuyến đường này tới trường. Các cháu mẫu giáo thì có người nhà đưa đón, còn cấp 1, cấp 2 thì các cháu phải đi bộ hoặc xe đạp nên nguy hiểm vô cùng. Tình trạng học sinh đi xe đạp bị ô tô chở đá ép té trầy xước chân tay diễn ra như “cơm bữa” nên chúng tôi bức xúc lắm. Riêng xe chở đá không trùm bạt thì đá hộc rơi nằm nhan nhản bên đường rất nguy hiểm. Năm 2017, trong xã đã có người đi xe máy tông phải đá rơi trên đường tử vong rồi. Còn người đi xe máy té bị thương thì cả xã này đếm không hết” - ông Trịnh Bá Tứ (ngụ thôn Giao Yến, xã Đạ Pal) cho hay. Rồi chị Nguyễn Thị Hương (ngụ thôn Bình Hòa, xã Đạ Pal) tiếp lời: Trên tuyến đường này có đến 3 cây cầu sắt (trọng tải 8 tấn/cầu) nhưng vì xe chở đá 20 - 30 tấn liên tục lưu thông khiến cầu bị xuống cấp nhanh chóng. Hiện tại, đã có 1 cây cầu bị rung lắc và liên tục phát ra tiếng kêu khi có xe trọng tải lớn đi qua, rất nguy hiểm. Nói không chừng, nếu không được tu bổ, sửa chữa hoặc có biện pháp để giảm tải trọng thì nguy cơ xảy ra tai nạn sập cầu là khó tránh khỏi.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đạ Pal cho biết: “Như các anh đã thấy, hiện tại tuyến đường này đã bị xuống cấp rất nghiêm trọng. Nguyên nhân là do nền đường yếu, trong khi đó xe chở đá trọng tải lớn lưu thông quá nhiều. Chúng tôi rất đồng cảm và thấu hiểu với những gì mà người dân đang phải đối diện về ô nhiễm môi trường và nguy cơ gây tai nạn giao thông. Nhưng thẩm quyền địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc phản ánh, đề xuất ý kiến của bà con lên cơ quan chức năng. Còn đây là tuyến đường do huyện quản lý nên xã không thể cấm xe chở đá lưu thông. Tới đây, chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị mỏ đá cho tưới nước 3 lần/ngày để giảm phần nào bụi bặm cho người dân; đồng thời, đề xuất cơ quan công an huyện có biện pháp kiểm tra buộc các chủ phương tiện hạ tải và tuân thủ các quy định như tốc độ, che bạt… để đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt, địa phương mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng xem xét để có phương án đầu tư sửa chữa, nâng cấp lại tuyến đường”.
 
HẢI ÐƯỜNG