Hỗ trợ kinh phí nhà ở cho người có công còn chậm?

09:05, 07/05/2018

Chính sách hỗ trợ sửa chữa, xây nhà ở cho người có công với cách mạng là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, thực tế tại Lâm Ðồng, đề án này vẫn chậm nhận được kinh phí hỗ trợ cùng với nhiều nguyên nhân khác. 

Chính sách hỗ trợ sửa chữa, xây nhà ở cho người có công với cách mạng là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, thực tế tại Lâm Ðồng, đề án này vẫn chậm nhận được kinh phí hỗ trợ cùng với nhiều nguyên nhân khác. 
 
Tập đoàn Tôn Hoa Sen ủng hộ 500 triệu đồng cho Quỹ “ Vì người nghèo tỉnh”. Ảnh: N.Thu
Tập đoàn Tôn Hoa Sen ủng hộ 500 triệu đồng cho Quỹ “ Vì người nghèo tỉnh”. Ảnh: N.Thu

Thực hiện theo Quyết định số 22 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về “hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng” trong giai đoạn 2013 - 2016, Lâm Đồng được phê duyệt đề án hỗ trợ 309 căn, trong đó 196 căn xây mới và 113 căn sửa chữa với tổng kinh phí trên 12,6 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, các sở, ngành và địa phương đều chấp hành đúng quy định của Trung ương: đối với nhà ở phải phá dỡ để xây mới, phải đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng” đó là nền cứng - tường cứng - mái cứng, có diện tích tối thiểu là 30 m 2. Đối với nhà ở sửa chữa, đảm bảo tiêu chuẩn 2 cứng, đó là khung - tường cứng và mái cứng.
 
Tuy nhiên, do kinh phí Trung ương phân bổ chưa kịp thời, chỉ phân bổ đối với đối tượng mà địa phương đã báo cáo Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện được 250 căn. Số còn lại là 59 hộ với 59 căn, địa phương cũng đã tạm ứng kinh phí của tỉnh để triển khai thực hiện xây dựng, sửa chữa cho các hộ gia đình thuộc diện chính sách nhưng đến nay kinh phí Trung ương vẫn chưa hoàn trả cho địa phương. Cụ thể, tại huyện Đạ Tẻh, địa phương và các hộ gia đình đã tự bỏ kinh phí 550 triệu đồng để xây dựng 13 căn, huyện Cát Tiên tự bỏ kinh phí 350 triệu đồng xây 7 căn nhà cho người có công cách mạng… nhưng đến khi xây dựng và bàn giao nhà xong vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ Trung ương.
 
Mặt khác, với mức hỗ trợ trên, đa số hộ gia đình đều có mong muốn bỏ thêm kinh phí để xây dựng mới, sửa chữa nhà được khang trang, đảm bảo chất lượng và đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhưng kinh tế của các hộ gia đình chính sách thường rất khó khăn, việc huy động từ dòng họ, bà con cũng hạn chế, nên hầu như các hộ chính sách đều trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.
 
Trong quá trình các địa phương triển khai thi công xây dựng nhà ở do mưa kéo dài nên việc vận chuyển vật liệu, thi công gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến tiến độ công trình, thời gian thực hiện đề án. Nhiều hộ gia đình chính sách được hỗ trợ nhà ở nhưng lại chưa có đất để xây nhà hoặc do một số đối tượng đi làm ăn xa nên khó khăn trong việc làm các thủ tục xin hỗ trợ... 
 
Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo về nhà ở cho người có công với cách mạng là thể hiện tinh thần “Đền ơn đáp nghĩa”, là chủ trương hợp lòng dân, vì thế tất cả các ngành, các cấp cần chung tay làm tốt công tác này. Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế, khó khăn nhất định, qua khảo sát, Đoàn giám sát HĐND tỉnh cũng đã kịp thời có kiến nghị, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng tiếp tục xây dựng đề án giai đoạn 2 về “thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013 - 2016”. UBND tỉnh nên sớm có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng tiếp tục bổ sung kinh phí còn lại là 810 triệu đồng cho địa phương đã tạm ứng trước để xây dựng nhà ở cho đối tượng chính sách. Sở LĐ-TB&XH, Sở Xây dựng, UBND cấp huyện cần tăng cường phối hợp rà soát, kiểm tra, bảo đảm đúng đối tượng thuộc diện được hỗ trợ. Riêng Sở Xây dựng - cơ quan thường trực của UBND tỉnh trong việc điều hành, tổ chức triển khai thực hiện đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện, nêu cao trách nhiệm thanh kiểm tra, đảm bảo không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.
 
NGUYỆT THU