Nỗ lực trồng rừng của Ban Quản lý rừng Lâm Viên và những bất cập cần khắc phục

08:05, 16/05/2018

Các dự án trồng rừng và chăm sóc rừng đã phần nào góp tái tạo lại rừng, tăng độ che phủ rừng trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên, thực tế cũng còn nhiều bất cập, tồn tại cần khắc phục. 

Các dự án trồng rừng và chăm sóc rừng đã phần nào góp tái tạo lại rừng, tăng độ che phủ rừng trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên, thực tế cũng còn nhiều bất cập, tồn tại cần khắc phục. 
 
Những tán rừng thông trong thành phố Đà Lạt luôn hấp dẫn du khách và bạn bè quốc tế. Ảnh: N.Thu
Những tán rừng thông trong thành phố Đà Lạt luôn hấp dẫn du khách và bạn bè quốc tế. Ảnh: N.Thu
Ban Quản lý rừng Lâm Viên là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Đà Lạt, được giao quản lý 13.805 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, chưa bao gồm 431 ha rừng nội ô mà công ty nhận bàn giao từ Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt. Rừng phân bố rải rác trên địa bàn 12 phường và 4 xã thuộc thành phố Đà Lạt.  
 
Nhằm góp phần tái tạo lại rừng, nâng cao chất lượng và độ che phủ của rừng, các dự án trồng và chăm sóc rừng được coi là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Lâm Đồng nói chung và thành phố Đà Lạt nói riêng. Ngoài ra, còn góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, hạn chế tình trạng lấn, chiếm đất rừng để sản xuất, canh tác nông nghiệp.
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua, Ban Quản lý rừng Lâm Viên đã triển khai thực hiện dự án trồng rừng giai đoạn 2012 - 2016 về cơ bản theo đúng quy định, rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Theo số liệu tổng hợp, từ năm 2012 đến năm 2016, BQL rừng Lâm Viên đã triển khai thực hiện trồng rừng trên diện tích giải tỏa được trên 49 ha, chăm sóc rừng được trên 1.800 ha, chủ yếu là thông ba lá. Nhìn chung, diện tích có giảm nhiều so với các năm trước đây là do rừng bị tái lấn chiếm, một số diện tích do không đủ mật độ trồng theo thiết kế, do bàn giao đất cho doanh nghiệp, một phần do rừng bị sâu bệnh hại...  
 
Qua khảo sát của Đoàn HĐND tỉnh tại Ban Quản lý rừng Lâm Viên đã phát hiện những hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, đối với trồng rừng thuộc chương trình bảo vệ và phát triển rừng năm 2015 không triển khai thực hiện chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng được UBND tỉnh giao là 45 ha với tổng kinh phí 585 triệu đồng. Lý do vì đơn giá trồng rừng thuộc chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững thấp hơn so với đơn giá trồng rừng trên diện tích giải tỏa và rừng thay thế. Về diện tích trồng rừng thay thế, Ban Quản lý rừng Lâm Viên đã không thực hiện được 10,64 ha trong khi UBND tỉnh đã điều chỉnh giảm diện tích và kinh phí đã phân bổ trong năm 2015 và 2016. Đối với trồng rừng trên diện tích giải tỏa, diện tích rừng trồng không đảm bảo về mật độ theo thiết kế qua các năm chăm sóc và không được nghiệm thu thanh toán chiếm tỷ trọng khá lớn so với diện tích năm trồng. Tức là tỷ trọng bình quân chung là 30%, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập của người nhận thầu trồng rừng và chăm sóc rừng.
 
Theo ông Nguyễn Văn Phương - Phó Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh, Phó trưởng Đoàn Giám sát: Hạn chế được nêu lên đó là việc xử lý các đối tượng lấn chiếm, phá hoại rừng trồng chưa kịp thời, chưa kiên quyết, từ đó chưa có tác dụng răn đe, giáo dục đối với các đối tượng khác. Mặt khác, do diện tích trồng rừng nhỏ, phân tán, giáp vườn rẫy của các hộ dân, đất đai trên địa bàn thành phố Đà Lạt có giá trị cao nên các đối tượng vi phạm tìm mọi cách phá rừng trồng, lấn chiếm đất rừng để canh tác, sản xuất nông nghiệp. Công tác phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của thành phố để tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng còn hạn chế, việc phát hiện và xử lý các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng chưa kịp thời, chưa kiên quyết.
 
Qua khảo sát, Đoàn Giám sát HĐND tỉnh cũng đề nghị các cơ quan liên quan, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và PTNT trên cơ sở tính toán đặc thù về rừng và đất rừng do Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý, báo cáo trình UBND tỉnh xem xét cho đơn vị được thiết kế trồng rừng trên những lô đất trống có diện tích dưới 0,5 ha/lô để tăng khả năng phòng hộ cảnh quan rừng của thành phố Đà Lạt và hạn chế tình trạng lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn đơn vị chủ đầu tư thực hiện công tác nghiệm thu thanh toán công trình lâm sinh theo quy định tại Thông tư 23 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn một số nội dung quản lý công trình lâm sinh. Ngoài ra, cần phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm rừng trồng và cố ý phá hoại rừng trồng nhằm bảo vệ rừng, môi trường rừng quý giá của thành phố Đà Lạt - thành phố vốn được mệnh danh là thành phố trong rừng, được bạn bè thế giới yêu quý và đánh giá rất cao. 
 
NGUYỆT THU