Bảo vệ quản lý rừng: Vì sao chưa đạt mục tiêu đề ra?

09:06, 25/06/2018

Mục tiêu là giảm cả 3 tiêu chí: 20% số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, 30% diện tích rừng và lâm sản bị thiệt hại. Nhưng qua 6 tháng đầu năm 2018  mới chỉ giảm 31% về diện tích, số vụ  giảm được 19% và đặc biệt lâm sản thiệt hại chỉ giảm 11% so cùng kỳ năm 2017.  

Mục tiêu là giảm cả 3 tiêu chí: 20% số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, 30% diện tích rừng và lâm sản bị thiệt hại. Nhưng qua 6 tháng đầu năm 2018  mới chỉ giảm 31% về diện tích, số vụ  giảm được 19% và đặc biệt lâm sản thiệt hại chỉ giảm 11% so cùng kỳ năm 2017.  
 
Tang vật lâm sản khai thác trái phép bị thu giữ tại địa bàn huyện Đức Trọng vào tháng 5/2018. Ảnh: M.Đ
Tang vật lâm sản khai thác trái phép bị thu giữ tại địa bàn huyện Đức Trọng vào tháng 5/2018. Ảnh: M.Đ

Tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra ngày 19/6, người chủ trì - ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan thẳng thắn đánh giá hạn chế và đồng lòng quyết tâm khắc phục. Số liệu đại diện Sở NN&PTNT, Phó Giám đốc Võ Danh Tuyên cho biết: Trong 6 tháng (từ ngày 11/12/2017 đến 10/6/2018), lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chức năng phát hiện lập biên bản 439 vụ vi phạm các quy định về QLBV&PTR, diện tích thiệt hại do phá rừng 30,17 ha; lâm sản thiệt hại gần 1.572 m 3 gỗ các loại. Một trong những vấn đề được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S nhấn mạnh là mục tiêu tỉnh đặt ra không đạt khi so sánh cùng kỳ năm 2017. Chỉ diện tích thiệt hại do phá rừng giảm được 31% (tương đương 13,83 ha), còn hai chỉ tiêu không đạt mức độ giảm: 19% về số vụ vi phạm (bằng 104 vụ) và đặc biệt lâm sản thiệt hại chỉ 11% (bằng gần 195 m3)/chỉ tiêu giảm 30%. 
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình đáng báo động trên. Về cụ thể, 13 vụ vi phạm có tính chất phức tạp nổi cộm làm thiệt hại gần 9,7 ha và khối lượng lâm sản thiệt hại lên đến 264,428 m 3. Cụ thể, phá rừng trái pháp luật 9 vụ, diện tích rừng thiệt hại gần 9,6 ha; lâm sản thiệt hại 165,600 m 3. Trong đó, địa bàn huyện Đạ Tẻh 5 vụ, diện tích thiệt hại 5,757 ha; Lâm Hà 2 vụ, diện tích thiệt hại 1,544 ha, lâm sản thiệt hại hơn 80 m 3; Đức Trọng 2 vụ, diện tích thiệt hại 2,356 ha, lâm sản thiệt hại 27,994 m 3. Khai thác lâm sản trái phép 1 vụ tại huyện Đam Rông, khối lượng lâm sản thiệt hại 35,187 m 3 (gỗ du sam, nhóm IIA). Cất giữ lâm sản trái với các quy định của Nhà nước 2 vụ tại huyện Đức Trọng, tang vật vi phạm 63,641 m 3 gỗ. Và 1 vụ di dân tự do của dân huyện Đam Rông, dựng trái phép 20 lán trại tạm tại lâm phần Công ty Cổ phần Du lịch sinh thái Phương Nam quản lý (xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà). Theo ông Võ Danh Tuyên, các vụ vi phạm đang được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lập hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật.
 
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh diễn ra 121 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp; đáng quan tâm là lấn chiếm mới 76 vụ với diện tích 14,159 ha và 45 vụ tái lấn chiếm, diện tích 11,468 ha. 
 
Đại diện từ nhiều UBND các huyện đã nêu đề xuất, kiến nghị đến UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan. Có thể hiểu, đây cũng là những nguyên nhân, yếu tố trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến việc chỉ tiêu nêu ở trên chưa giảm. Rõ nhất là trách nhiệm QLBVR của một số doanh nghiệp thuê rừng, thuê đất lâm nghiệp đầu tư dự án. Mặc dù, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi toàn bộ diện tích cho thuê của 151 dự án với tổng diện tích 23.900 ha và 32 dự án thu hồi một phần diện tích (2.523 ha). Thu hồi do chủ đầu tư không triển khai thực hiện dự án hoặc triển khai chậm tiến độ đã được phê duyệt. Các “chủ nhân” này không tổ chức, bố trí lực lượng QLBVR trên diện tích được thuê dẫn đến rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn… Ngoài ra, một số doanh nghiệp tự nguyện trả lại dự án. Từ UBND huyện Đạ Tẻh, địa phương có số vụ vi phạm Luật BV&PTR và diện tích rừng bị thiệt hại cao nhất, Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Hùng không giấu bức xúc: Việc xử lý chủ rừng, đặc biệt chủ rừng ngoài nhà nước chưa nghiêm, rất khó khăn cho huyện, mặc dù đã đề nghị, đề xuất với tỉnh nhiều lần. Ông Hùng cho biết, địa bàn có 22 doanh nghiệp ngoài nhà nước thuê rừng, đất lâm nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thành lập tổ chuyên trách QLBVR, không thường xuyên tuần tra QLBV, không chủ động ngăn ngừa, xử lý những vi phạm xảy ra trên lâm phần được thuê… Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh khẳng định, đây là nguyên nhân chính và một nguyên nhân nữa là do một số cơ quan chức năng chưa quyết liệt giải quyết những vi phạm. Theo ông Hùng, hai giải pháp lớn là: Tỉnh chỉ đạo dứt điểm và xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm, không tuân thủ những nội dung đã cam kết; chủ rừng cần thực hiện lực lượng chuyên trách nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.  
 
Ngoài ra, các địa phương cũng đề nghị phải sớm công bố quy hoạch 3 loại rừng, theo đó phân ranh mới và cũ để thuận lợi trong công tác QLBV&PTR; sớm phân bổ kinh phí trồng cây phân tán để triển khai thực hiện kịp tiến độ kế hoạch năm… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S ghi nhận một số kết quả nổi bật về công tác QLBV&PTR thời gian qua; đồng thời, thẳng thắn nêu những hạn chế như: còn xảy ra 13 vụ phá rừng có tính chất phức tạp; số vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm còn nhiều (239 vụ, chiếm 52%); trồng rừng chậm theo yêu cầu; các dự án ngoài ngân sách thực hiện các quy định nhà nước chậm; quy hoạch 3 loại rừng quá chậm... Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tập trung các nội dung: Tăng cường công tác tuyên truyền có hiệu quả hơn; thực hiện nghiêm Chỉ thị 13 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy… Mục tiêu về số vụ vi phạm vắng chủ, vắng đối tượng trong 6 tháng cuối năm phải giảm xuống dưới 30%. Sở NN&PTNT sớm tổ chức thẩm định công tác phát triển rừng, về quy hoạch 3 loại rừng (hoàn tất trước 30/7/2018); Sở KH&ĐT nghiên cứu, đề xuất tham mưu UBND tỉnh công tác triển khai các dự án đầu tư; Sở NN&PTNT và Sở TN&MT sớm lập bản đồ đất đai của các đơn vị chủ rừng để sắp xếp khẩn trương và đúng quy định; Sở TN&MT tổ chức hội nghị về vấn đề quy định san gạt đất trong tháng 7/2018…
 
 MINH ÐẠO