Cần sớm giải quyết những bức xúc của người dân

09:06, 11/06/2018

Người dân Thôn 1, Thôn 10 và thôn Nông Trang, xã Liên Ðầm (Di Linh) phản ánh, từ khi dự án nâng cấp Quốc lộ 20 hoàn thành và đi vào vận hành, nhiều hộ dân ở khu vực này rất bức xúc và lo lắng, bởi mỗi khi mưa lớn, nước từ tuyến Quốc lộ 20 đổ dồn về đây gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân địa phương. 

Người dân Thôn 1, Thôn 10 và thôn Nông Trang, xã Liên Ðầm (Di Linh) phản ánh, từ khi dự án nâng cấp Quốc lộ 20 hoàn thành và đi vào vận hành, nhiều hộ dân ở khu vực này rất bức xúc và lo lắng, bởi mỗi khi mưa lớn, nước từ tuyến Quốc lộ 20 đổ dồn về đây gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân địa phương. 
 
Nước mưa đã tạo thành các rãnh sâu làm hư hỏng đường vào khu sản xuất. Ảnh: L.P
Nước mưa đã tạo thành các rãnh sâu làm hư hỏng đường vào khu sản xuất. Ảnh: L.P

Bà Lê Thị Hồng Hoa, vợ của ông Quỳnh Úc ở Thôn 10 cho biết, trong số 1,5 ha cà phê của gia đình đang trong thời kỳ kinh doanh, đến nay đã có một số diện tích bị ảnh hưởng, cho năng suất thấp do thường xuyên bị ngập úng. “Từ khi dự án nâng cấp Quốc lộ 20 hoàn thành và đi vào hoạt động, mương dẫn nước trên tuyến quốc lộ xả nước xuống khu vực này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của gia đình” - bà Lê Thị Hồng Hoa phản ánh.
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại điểm cuối, nơi cống xả hiện tại đã tạo thành một vực khá sâu dài gần 10 m, có đoạn rộng hơn 1 m và độ sâu trên dưới 5 m, gây sạt lở khá nghiêm trọng đến đất vườn cà phê của người dân và cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến nền đường Quốc lộ 20…
 
Mỗi khi trời mưa to, nước mưa từ mương dẫn nước đã tạo nên dòng chảy khá lớn vào vườn cà phê, nên bà con đã phân chia dòng nước chảy theo hai nhánh khác nhau, hạn chế đến lưu lượng dòng nước, mức độ rửa trôi, xói mòn vườn cà phê cũng như hư hỏng tuyến đường vào khu vực sản xuất của người dân. Ngoài gây ảnh hưởng một số vườn cây cà phê của các hộ Quỳnh Úc, K’Đức…, do lưu lượng dòng nước chảy khá lớn, nên thời gian qua đã tạo thành rãnh thoát nước len lỏi trong vườn cà phê của hộ ông Trần Văn Trung, Quỳnh Úc, K’Tý, có đoạn sâu hơn 1 m.
 
Nước lũ còn làm hư hỏng khoảng 300 m đường vào khu sản xuất của người dân địa phương. “Gia đình tôi có 2,5 ha cà phê ở khu vực này. Những năm qua, mỗi khi vận chuyển các mặt hàng nông sản, phân bón đều dùng xe công nông. Từ khi tuyến đường hư hỏng, xuống cấp, xe công nông không vào được, nên buộc bà con phải dùng xe gắn máy làm phương tiện chuyên chở, vừa mất thời gian, ngày công và cả chi phí nữa” - ông K’Boh ở Thôn 1 cho hay.
 
Ông Trần Văn Trung, Thôn 10, xã Liên Đầm cho biết thêm: “Trước thực trạng đường vào khu sản xuất bị xuống cấp gây khó khăn trong việc phục vụ phát triển sản xuất của người dân, trong năm 2017, chúng tôi đã vận động các hộ có đất sản xuất ở khu vực này tu sửa những đoạn hư hỏng bằng cách đổ đất, đá để nâng cấp tuyến đường, nhưng khi mùa mưa đến đâu lại vào đấy. Vì vậy, mong muốn các ngành chức năng liên quan sớm có giải pháp khắc phục để bà con chúng tôi yên tâm phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình”.  
 
Qua phản ánh của người dân, chúng tôi đã có buổi trao đổi với đại diện Công ty TNHH BOT - BT (Liên Đầm) về nội dung mà người dân kiến nghị.  Ông Trần Xuân Bình - Giám đốc Công ty TNHH BOT - BT Quốc lộ 20 cho biết: Khi người dân kiến nghị, phản ánh, đơn vị đã cùng với các cấp chính quyền và ngành chức năng liên quan đi kiểm tra, khảo sát thực trạng; đồng thời đơn vị đã lập hồ sơ dự án trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện. Sau khi tiếp nhận văn bản đề nghị giải quyết dứt điểm vướng mắc thực hiện các hạng mục bổ sung Dự án thành phần 1 về đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo Quốc lộ 20 tại tỉnh Lâm Đồng theo hình thức Hợp đồng BOT của Liên doanh Tổng Công ty 319 gửi cho Thứ trưởng BGTVT; ngày 29/5/2018, Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản số 5624/BGTVT-ĐTCT về việc triển khai xây dựng một số hạng mục cần thiết tại Dự án thành phần 1. 
 
“Riêng tại Km 144 + 900, đây là khu vực thấp, nên nước từ trên cao chảy xuống vị trí hố ga, cống D300. Tuy nhiên, một số hộ dân đã đắp, chặn cống D300, nên nước không thoát được, ngập tràn lên mặt đường gây mất an toàn giao thông và chảy theo rãnh xuống vườn cà phê của người dân. Hiện nay, chúng tôi đã đưa ra giải pháp trình các cấp có thẩm quyền, như làm cống ngang để thu nước từ bên phải tuyến sang bên trái tuyến và xây dựng thêm mương dẫn nước xuống suối hiện trạng” - ông Trần Xuân Bình chia sẻ về giải pháp khắc phục.       
 
LAM PHƯƠNG