Khó khăn trong việc thu hồi 5,8 ha đất tại Tu Tra

08:06, 06/06/2018

39 hộ dân thuộc Tập đoàn 2, thôn Lạc Nghiệp (xã Tu Tra, huyện Ðơn Dương) được xác định là những người có công khai hoang, cải tạo 5,8 ha đất từ những năm 1978. Tuy nhiên, do sử dụng đất không đúng mục đích, hiện nay UBND huyện Ðơn Dương đang làm quy trình thu hồi mảnh đất trên và yêu cầu 39 hộ dân làm đơn thuê lại.

39 hộ dân thuộc Tập đoàn 2, thôn Lạc Nghiệp (xã Tu Tra, huyện Ðơn Dương) được xác định là những người có công khai hoang, cải tạo 5,8 ha đất từ những năm 1978. Tuy nhiên, do sử dụng đất không đúng mục đích, hiện nay UBND huyện Ðơn Dương đang làm quy trình thu hồi mảnh đất trên và yêu cầu 39 hộ dân làm đơn thuê lại. Trong khi đó, người dân cho rằng phải thuê lại đất do chính họ khai phá theo giá hiện hành mà huyện đề nghị là chưa thỏa đáng, khiến việc thu hồi thửa đất 5,8 ha tại xã Tu Tra tới nay chưa có hồi kết.
 
Người dân thuộc Tập đoàn 2, thôn Lạc Nghiệp đề nghị được giao lại 5,8 ha đất để tiếp tục sản xuất. Ảnh: C.P
Người dân thuộc Tập đoàn 2, thôn Lạc Nghiệp đề nghị được giao lại 5,8 ha đất để tiếp tục sản xuất. Ảnh: C.P

Theo trình bày của ông Hoàng Duy Thiệu, đại diện cho 39 hộ dân thuộc Tập đoàn 2, thôn Lạc Nghiệp phản ánh: Năm 1977-1978, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, 39 hộ dân từ nhiều địa phương (chủ yếu là miền Bắc) đã về khu vực thôn Lạc Nghiệp, xã Tu Tra để khai hoang đất, xây dựng đời sống kinh tế mới. 
 
Đầu năm 1980, UBND huyện Đơn Dương cho phép người dân thành lập Tập đoàn sản xuất nông nghiệp và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1991, đứng tên chủ sở hữu là Tập đoàn 2, thôn Lạc Nghiệp. Tới năm 2014, do cơ sở hạ tầng của thôn Lạc Nghiệp còn yếu kém trong khi nhiều gia đình vẫn gặp khó khăn, không có tiền đóng góp để đầu tư, xây dựng đường, hội trường thôn… nên Ban thôn Lạc Nghiệp, người dân trong Tập đoàn 2 thống nhất trước sự đồng ý của lãnh đạo xã Tu Tra cho tư nhân thuê lại đất thời hạn 2 năm. “Do muốn có tiền để làm cơ sở hạ tầng, chúng tôi xin UBND xã Tu Tra cho tư nhân thuê lại 5,8 ha đất để làm vốn đối ứng xây dựng các công trình nâng cấp đường, xây nhà sinh hoạt văn hóa và việc này lãnh đạo xã thời kỳ đó họp và đồng ý chúng tôi mới làm” - ông Thiệu nói.
 
Theo ông Thiệu, hết thời hạn cho thuê đất vào tháng 7/2016 Tập đoàn 2 có đơn kiến nghị UBND xã với nội dung tiếp tục được canh tác trên 5,8 ha đất của tập đoàn. Tuy nhiên, qua rà soát lại việc cho thuê đất của Tập đoàn 2, UBND huyện Đơn Dương ra Văn bản số 1826 hồi đáp, không chấp nhận kiến nghị tiếp tục sử dụng 5,8 ha đất của 39 hộ dân. Theo ghi nhận của chúng tôi, do người dân không đồng tình với cách giải quyết vụ việc của UBND huyện Đơn Dương, có đơn thư gửi lên các cấp kéo dài nên kể từ đó đến nay đã 2 năm, miếng đất 5,8 ha bỏ hoang cỏ mọc um tùm. 
 
Sau nhiều lần có đơn kiến nghị, khiếu nại tới cơ quan chức năng các cấp, ngày 21/5/2018 mới đây, ông Đinh Ngọc Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cùng cán bộ một số phòng, ban của huyện đã có buổi đối thoại với 39 hộ dân tại trụ sở UBND xã Tu Tra để giải quyết vụ việc.
 
Tại buổi đối thoại, ông Trương Quang Tùng (56 tuổi), tập đoàn viên Tập đoàn 2 nói: “Ngay từ năm 1976 - 1977 chúng tôi đổ bao công sức đi khai phá. Việc chúng tôi đem đất của tập đoàn cho cá nhân thuê là để xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ lợi ích chung của toàn dân, không sử dụng vào việc riêng. Nay huyện thu hồi đất, yêu cầu chúng tôi thuê lại đất do chính mình khai phá với giá đất hiện hành là quá thiệt thòi cho người dân”. Đồng tình với ông Tùng, nhiều ý kiến của các đoàn viên Tập đoàn 2 tiếp tục đề nghị UBND huyện Đơn Dương giao đất để người dân an tâm canh tác, ổn định đời sống. 
 
Trả lời các ý kiến của người dân, ông Đinh Ngọc Hùng khẳng định đề nghị của các tập đoàn viên là không có cơ sở và bảo lưu quan điểm thu hồi 5,8 ha đất của Tập đoàn 2, thôn Lạc Nghiệp giao về cho UBND xã Tu Tra quản lý, làm các thủ tục cho thuê theo đúng quy định hiện hành.
 
“Chúng ta đang bàn với nhau chuyện đúng, chuyện sai của tập đoàn. Theo quy định của Luật Đất đai thì việc người dân được giao quyền quản lý, sử dụng 5,8 ha đất nhưng thay vì trực tiếp sản xuất lại sử dụng không đúng mục đích (tức cho cá nhân, tổ chức thuê lại) là chúng ta đã sai. Việc thứ 2 là người dân sử dụng đất Nhà nước giao trong một giai đoạn khá dài, qua nhiều lần lãnh đạo thôn Lạc Nghiệp đều tiến hành cho thuê tới gần 11 năm (từ năm 2005 tới năm 2015). Trường hợp UBND huyện chưa tiến hành thanh tra toàn diện thì cũng không phát hiện ra các sai phạm trên” - ông Hùng trả lời thông tin người dân phản ánh.
 
Theo ông Đinh Ngọc Hùng, những năm vừa qua, chủ thể miếng đất 5,8 ha là Tập đoàn 2 đã giải thể, cộng với việc người dân sử dụng đất sai mục đích nên UBND huyện sẽ thống nhất phương án thu hồi đất và giao cho UBND xã Tu Tra quản lý và tiến hành làm các thủ tục cho thuê lại là đúng với quy định pháp luật.
 
Trước trao đổi, giải đáp thắc mắc của người đứng đầu UBND huyện Đơn Dương, 39 hộ dân phản hồi sẽ tiếp tục làm đơn khiếu nại lên các cấp cao hơn và không chấp nhận làm đơn thuê lại mảnh đất 5,8 ha với giá hiện hành hiện nay. 
 
Tại Hội nghị Giao ban báo chí tháng 6/2018 tại trụ sở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng, trả lời các thông tin báo chí xung quanh vụ việc thu hồi 5,8 ha đất tại xã Tu Tra thời gian vừa qua, ông Đinh Ngọc Hùng khẳng định thêm: Tập đoàn 2, thôn Lạc Nghiệp được Nhà nước giao quyền sử dụng đất gần 16 ha đất với chủ thể sử dụng là Tập đoàn 2. Trong đó, từ năm 2009 người dân Tập đoàn 2, Ban thôn Lạc Nghiệp cho thuê đất, sử dụng sai mục đích 5,8 ha. Riêng 11 ha đất còn lại người dân vẫn sử dụng bình thường. Ngoài ra, Tập đoàn 2 tới nay hồ sơ, tài liệu không còn, nhân sự quản lý không có, cộng với việc người dân sử dụng đất sai mục đích nên UBND huyện Đơn Dương tạm thu hồi 5,8 ha đất giao cho UBND xã Tu Tra quản lý, làm các thủ tục cho thuê lại, trong đó ưu tiên 39 hộ dân thuộc Tập đoàn 2.
 
“Kiến nghị của người dân yêu cầu giao lại 5,8 ha đất để tiếp tục sản xuất chúng tôi khẳng định không có cơ sở giải quyết. Tuy nhiên, sau khi làm các thủ tục giao về cho xã Tu Tra quản lý, 39 hộ dân trên có thể làm đơn thuê lại theo quy định pháp luật và giá thuê lại cũng chỉ mang tính tượng trưng để người dân có thể an tâm, tiếp tục sản xuất” - ông Hùng thông tin.
 
C.PHONG