Khẩn trương đưa lại giá trị vốn có của biệt thự Ðà Lạt

09:06, 21/06/2018

Vấn đề bảo tồn quỹ biệt thự ở thành phố Ðà Lạt là khẩn trương đầu tư, cải tạo, nâng cấp BT thuộc sở hữu nhà nước cho thuê. Ðầu tháng 6/2018, UBND tỉnh Lâm Ðồng có văn bản chỉ đạo, thể hiện sự cương quyết trong bảo tồn hiệu quả quỹ BT, tránh lãng phí, hướng đến xây dựng "đô thị xanh và bền vững". 

Vấn đề bảo tồn quỹ biệt thự (BT) ở thành phố Ðà Lạt là khẩn trương đầu tư, cải tạo, nâng cấp BT thuộc sở hữu nhà nước cho thuê. Ðầu tháng 6/2018, UBND tỉnh Lâm Ðồng có văn bản chỉ đạo, thể hiện sự cương quyết trong bảo tồn hiệu quả quỹ BT, tránh lãng phí, hướng đến xây dựng “đô thị xanh và bền vững”. 
 
Một trong những biệt thự tại Cô Giang Báo Lâm Đồng đã phản ánh được tỉnh tiếp tục nhắc nhở về lộ trình đầu tư. Ảnh: M.Đ
Một trong những biệt thự tại Cô Giang Báo Lâm Đồng đã phản ánh được tỉnh tiếp tục
nhắc nhở về lộ trình đầu tư. Ảnh: M.Đ

Thống kê và xác định mới nhất của tỉnh Lâm Đồng, quỹ BT Pháp thuộc sở hữu Nhà nước tại thành phố (TP) Đà Lạt hiện có 162 công trình. Được phân loại thành 3 nhóm, nhóm I có 5 dinh thự; nhóm II có 74 biệt thự và nhóm III có 83 biệt thự. Đây là số BT được đưa vào quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng (tại Quyết định số 47 ngày 8/12/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng); đã và đang thực hiện theo chủ trương bán hoặc cho thuê (50 năm) để đưa vào đầu tư, khai thác hợp lý, hiệu quả, phù hợp quy hoạch chung. 
 
Từ sau Quy hoạch chung “Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12/5/2014 (Quyết định số 704, thường gọi tắt là Quy hoạch 704), tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, nhằm cụ thể hóa. Nổi bật có các văn bản như: Quyết định số 298, ngày 28/1/2015 “Quy định về việc công nhận các tuyến, trục đường phố chính trên địa bàn TP Đà Lạt”; Quyết định số 36, ngày 27/4/2015 “Quy định về lộ giới và các chỉ tiêu chủ yếu về quản lý quy hoạch, xây dựng đối với nhà ở, công trình riêng lẻ trên địa bàn các phường thuộc TP Đà Lạt” và Quyết định số 47, ngày 8/12/2017 “Quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ BT thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt”,… 
 
Tiếp tục, ngày 5/6/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số 3405/UBND-XD1 chỉ đạo các sở liên quan và UBND TP Đà Lạt, các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung về biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt cho thuê. Cụ thể: Đối với 6 biệt thự: số 16 Pasteur và 17 Hùng Vương (Công ty TNHH Thế giới thời trang áo cưới Thanh Hằng thuê), 22 Nguyễn Viết Xuân (Công ty cổ phần Tập đoàn PICEZA thuê), 12 Huỳnh Thúc Kháng (Công ty TNHH Hoàng Tử thuê), 23 Quang Trung (Công ty cổ phần Truyền hình cáp NTH thuê) và 07 Phan Chu Trinh (Trung tâm nhân ái Đại Hưng Phát thuê) yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp; tuyệt đối không cho phép chuyển nhượng quyền thuê các biệt thự này; nếu không thực hiện sẽ thu hồi, bán đấu giá theo quy định. 
 
Cùng đó, các biệt thự như: số 78C Trạng Trình (Công ty TNHH Đỉnh Vàng thuê), số 01, 03, 05 và 07 Cô Giang (Công ty TNHH DIZAMA thuê) và số 04 Huỳnh Thúc Kháng (Công ty TNHH Hoàng Kiệt Thuê) yêu cầu nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng lộ trình đầu tư, cải tạo, nâng cấp; nếu quá thời hạn đã cam kết mà không đầu tư và đưa biệt thự vào khai thác, sử dụng thì căn cứ hợp đồng và các quy định liên quan lập thủ tục chấm dứt cho thuê. Đối với 11 biệt thự đường Nguyễn Du (Công ty cổ phần Tập đoàn quốc tế Nam Sao thuê) yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện dự án theo Giấy chứng nhận đầu tư. 
 
Đối với các biệt thự số 06 Hoàng Văn Thụ (Công ty TNHH Pháp Việt thuê), số 03 và 05 Trần Hưng Đạo (Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ giải trí Én Việt thuê), số 48A và 48B Hùng Vương (Công ty cổ phần Đầu tư phát triển thương mại Hoàng Cầu thuê), số 5/1 và 5/2 Hùng Vương (Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Sài Gòn thuê) và số 43 Xô Viết Nghệ Tĩnh, UBND tỉnh giao các sở liên quan, UBND TP Đà Lạt phối hợp với các chủ đầu tư tiếp tục hoàn tất các thủ tục hồ sơ pháp lý bàn giao mặt bằng hoặc chấm dứt hợp đồng cho thuê, thu hồi chủ trương đầu tư…
 
Được biết, đây là văn bản chỉ đạo thể hiện tính cương quyết của địa phương Lâm Đồng đối với lĩnh vực quỹ BT nói riêng và vấn đề quy hoạch đô thị nói chung trên địa bàn TP Đà Lạt. Tuy nhiên, một mặt, chính quyền và các sở, ngành chức năng cần kiên quyết trong yêu cầu và xử lý nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, mặt khác, cần nhận thức và hành động công tác bảo tồn làm thế nào thực sự có hiệu quả nhất. Nên chăng, vấn đề này rất cần tham khảo ý kiến của kiến trúc sư, ThS Trần Đức Lộc: “Cần xác định mục tiêu bảo tồn công trình gắn liền với động cơ phát triển kinh tế của nhà đầu tư và lợi ích cộng đồng xã hội theo xu hướng tích cực; phân tích, tìm rõ nguyên nhân trong quá trình quản lý đô thị và cấp phép xây dựng… Có sự thống nhất về mục tiêu giữa chính sách thu hút đầu tư, cơ chế giao/thuê quyền sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc công trình, gắn với lợi ích nhà đầu tư tại các khu vực, tuyến phố có công trình di tích - di sản kiến trúc Pháp. Từ đó, tìm kiếm cơ chế, biện pháp kiểm soát, giải pháp quản lý hữu hiệu đối với các dự án, công trình kiến trúc tiềm ẩn giá trị di tích, di sản văn hóa Pháp tại Đà Lạt”.       
 
MINH ÐẠO