Mẹ mãi là niềm tự hào của chúng con

08:06, 08/06/2018

Cũng như bao người Mẹ Việt Nam anh hùng khác, vì đất nước, vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, mẹ Nguyễn Thị Xoa đã 3 lần tiễn chồng và 2 con trai ra trận, rồi đau đớn đón nhận hung tin. Cuộc đời của mẹ đã trở thành một tượng đài về sự hy sinh thầm lặng nhưng đầy cao cả.

“Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng im…”. Những câu hát trong ca khúc “Ðất nước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã nói lên tất cả những vất vả, hy sinh thầm lặng của các Mẹ Việt Nam anh hùng trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Cũng như bao người Mẹ Việt Nam anh hùng khác, vì đất nước, vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, mẹ Nguyễn Thị Xoa đã 3 lần tiễn chồng và 2 con trai ra trận, rồi đau đớn đón nhận hung tin. Cuộc đời của mẹ đã trở thành một tượng đài về sự hy sinh thầm lặng nhưng đầy cao cả.
 
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xoa luôn là niềm tự hào của con cháu. Ảnh: K.P
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xoa luôn là niềm tự hào của con cháu. Ảnh: K.P

Trong cơn mưa rả rích vào một chiều đầu tháng 6, chúng tôi tìm đến Thôn 2 (xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai) để được nghe Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xoa kể về những câu chuyện bi hùng trong cuộc đời của mẹ. Trong căn nhà tình nghĩa đã ngả màu thời gian, mẹ Xoa ngồi đó, mái tóc bạc trắng, đôi chân run run không còn đủ sức cất bước. Năm nay, mẹ Xoa đã bước sang tuổi 94, cái tuổi “xưa nay hiếm” nên sức khỏe giảm sút, lúc nhớ, lúc quên, nhưng khi gợi nhắc đến chồng và hai người con trai đã hy sinh thì nước mắt mẹ lại tuôn rơi. 
 
Mẹ Xoa sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Lúc mới 15 - 16 tuổi, mẹ đã tích cực tham gia phong trào quyên góp lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội đánh Pháp. Tròn 20 tuổi, mẹ nên duyên cùng ông Trần Đô và sinh được 9 người con (8 trai, 1 gái). Sống trong thời buổi bom đạn giày xéo, nhưng mẹ vẫn tần tảo nuôi dạy các con và cùng chồng làm cách mạng. Mẹ Xoa nhớ lại: Những năm 1967, 1968 chiến tranh ác liệt, quê hương Thăng Bình của mẹ là căn cứ cách mạng nên bị bom đạn kẻ thù giày xéo thường xuyên. Hòa chung khí thế cả nước ra trận chống giặc ngoại xâm, 2 người con trai của mẹ là Trần Tung và Trần Văn Hùng mới chừng 14 - 16 tuổi đã theo cha mình làm cách mạng. Ba lần tiễn chồng, con ra trận, mẹ không hề rơi nước mắt, chỉ đến khi về nhà, bao dồn nén của cuộc chia ly mới thực sự vỡ òa. Thời gian này, mẹ còn bị giặc Mỹ đốt hết nhà cửa vì bị nghi có người thân làm cách mạng. Thậm chí mẹ còn bị lính Mỹ bắt giam, tra tấn suốt gần 1 năm, nhưng vẫn âm thầm gánh chịu và vượt qua tất cả. Thế rồi, lần lượt vào các năm 1968, 1969 khi hay tin ông Trần Đô và con trai cả Trần Tung đi mãi không về khiến lòng mẹ đau nhói. Nhưng mẹ vẫn một lòng theo cách mạng. Cuối năm 1969, trong hoàn cảnh quê hương bị giặc tàn phá đốt nhà, cướp của, mẹ phải cùng với bà con hàng xóm đưa con trẻ rời quê hương Thăng Bình (Quảng Nam) ra Đà Nẵng tiếp tục hoạt động cách mạng. Tại đây, do cuộc sống quá khó khăn đã khiến 3 người con trai của mẹ phải chịu cảnh đói khát, bệnh tật rồi lần lượt qua đời. Sự mất mát, đau thương của mẹ là không gì sánh nổi, nhưng mẹ Xoa vẫn nuốt nước mắt vào lòng và tin vào một ngày mai hòa bình để nuôi dưỡng những người con còn lại nên người. Năm 1974, khi chiến tranh đã bớt phần ác liệt, mẹ Xoa đưa các con quay trở lại quê hương Thăng Bình. Ngày nước nhà thống nhất, mẹ vui mừng biết bao khi được đón ông Trần Văn Hùng (người con trai của mẹ) từ chiến trường quay về địa phương sum họp với gia đình. Nhưng rồi niềm vui chưa đầy 2 tháng thì ông Hùng qua đời do vết thương tái phát. 
 
Vậy là chiến tranh đã cướp đi 6 người thân của mẹ. Khi đất nước thống nhất, cũng là lúc 4 người con (3 trai, 1 gái) của mẹ đã dần lớn khôn. Năm 1993, mẹ Xoa đưa các con rời quê hương Thăng Bình (Quảng Nam) vào xã Đoàn Kết (huyện Đạ Huoai) sinh sống, lập nghiệp. Bà Trần Thị Toàn (58 tuổi), hiện là con gái đầu của mẹ, tự hào: “Sau chiến tranh, vì cuộc sống ở quê quá khó khăn, nên mẹ đã dắt chị em chúng tôi vào vùng kinh tế mới lập nghiệp. Tại đây, mẹ luôn nhắc nhở chị em tôi phải cố gắng tu chí làm ăn để không phụ công hy sinh của cha và các anh. Khắc sâu lời dạy của mẹ, chị em chúng tôi không ngừng cố gắng vươn lên trong nghèo khó. Giờ đây, cả 4 chị em đều đã có gia đình và có thêm được 11 đứa cháu cho mẹ. Dù cuộc sống làm nông nghiệp còn nhiều vất vả, nhưng chị em chúng tôi luôn noi gương của mẹ để chăm sóc, nuôi dưỡng con cháu học tập tốt. Chúng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi được làm con, cháu của mẹ”.
 
Theo ông Trần Văn Phong, con trai thứ bảy của mẹ Xoa chia sẻ: “Giờ thì mẹ đã yếu và trí nhớ không còn minh mẫn nữa rồi. Nhưng cách đây khoảng 4 năm về trước, cứ mỗi lần đến giỗ cha và các bác, khi con cháu tề tựu đầy đủ là mẹ lại kể về những câu chuyện trong chiến tranh, ôn lại thời khắc bi hùng của gia đình và đất nước. Mẹ luôn dặn dò con cháu phải phấn đấu làm ăn, học tập tiếp nối truyền thống gia đình trở thành những công dân tốt có ích cho xã hội để không phụ công lao hy sinh xương máu của ông, cha và các bác…”.
 
Suốt những năm tháng sinh sống, lập nghiệp trên quê hương mới xã Đoàn Kết, mẹ Xoa luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo thường xuyên của các đoàn thể và chính quyền địa phương cùng sự đong đầy tình nghĩa ấm cúng của xóm làng. Ông Lưu Tiến Chinh, Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cho biết: “Toàn huyện Đạ Huoai có 6 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng hiện tại chỉ còn mẹ Nguyễn Thị Xoa còn sống. Ngoài các chế độ phụng dưỡng mẹ theo quy định của Đảng, Nhà nước thì địa phương còn thường xuyên đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên mẹ cùng gia đình và cắt cử đơn vị đỡ đầu mẹ. Đặc biệt, hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, địa phương đều tổ chức tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ để cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng “khắc cốt ghi tâm” học tập, phấn đấu và noi theo. Riêng đối với mẹ Nguyễn Thị Xoa, ngoài danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đã được Chủ tịch nước trao tặng thì mới đây mẹ còn được Đảng, Nhà nước tôn vinh trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba theo Quyết định số 05/QĐ - CTN ngày 4/1/2018 của Chủ tịch nước. Đây không chỉ là niềm tự hào của mẹ Xoa và gia đình, mà còn là vinh dự to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đạ Huoai”.       
 
KHÁNH PHÚC