Quỹ bảo trì đường bộ kéo dài tuổi thọ công trình

09:06, 04/06/2018

Việc đầu tư bảo trì đường bộ trước đây chưa được coi trọng và đầu tư rất thấp khiến cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ luôn trong tình trạng xuống cấp. Vì vậy, từ khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động cho đến nay đã đóng góp quan trọng trong giao thương, kéo dài tuổi thọ cho công trình giao thông.

Việc đầu tư bảo trì đường bộ trước đây chưa được coi trọng và đầu tư rất thấp khiến cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ luôn trong tình trạng xuống cấp. Vì vậy, từ khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động cho đến nay đã đóng góp quan trọng trong giao thương, kéo dài tuổi thọ cho công trình giao thông.
 
Nhờ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ mà nhiều tuyến đường được nâng cấp thuận lợi cho giao thông. Ảnh: H.Y
Nhờ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ mà nhiều tuyến đường được nâng cấp thuận lợi cho giao thông. Ảnh: H.Y

Phát huy được hiệu quả
 
Trong những năm qua, được sự quan tâm, vốn đầu tư cho việc xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp đường bộ có tăng lên nên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Lâm Đồng từng bước được cải thiện. Nguồn vốn cho việc này đã được đa dạng hóa. Đối với tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, mạng lưới đường bộ có tổng chiều dài trên 5.300 km, trong đó quốc lộ 392 km, đường cao tốc 19,2 km, đường tỉnh 472 km, đường huyện 981 km, đường đô thị 589 km và đường chuyên dùng khoảng 82 km... Tình trạng kỹ thuật của mạng đường bộ trên địa bàn tỉnh phần lớn còn thấp, đường hẹp, bán kính cong nhỏ, mặt đường chưa bảo đảm cho việc đi lại an toàn, êm thuận, sụt trượt còn xảy ra. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều cầu yếu, cầu có tải trọng thấp trên mạng lướng đường huyện và đường xã. Và chất lượng mặt đường chưa cao, xe quá tải vi phạm quy định cũng tác động xấu đến các tuyến đường....
 
Ông Nguyễn Hữu Thành, Trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông - Sở GTVT cho biết, Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động từ năm 2013 đã đóng góp quan trọng vào việc duy tu, bảo trì, kéo dài tuổi thọ hệ thống đường, đặc biệt là giảm chi thường xuyên trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho hoạt động này. Có thể kể đến một số kết quả cụ thể trong quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ, đường tỉnh giai đoạn 2013 đến nay đã triển khai thực hiện sửa chữa 22 công trình trên mạng lưới đường tỉnh với giá trị 121 tỷ đồng; bảo dưỡng thường xuyên mạng lưới đường tỉnh hàng năm với giá trị 25 tỷ đồng/năm. Duy tu, bảo dưỡng thường xuyên 4 tuyến quốc lộ với 187 km và 250 km tỉnh lộ được bảo dưỡng bằng nguồn vốn của Quỹ bảo trì đường bộ. Đó là chưa kể đến các tuyến đường trong nội thị thành phố Đà Lạt được sửa chữa từ nguồn kinh phí Quỹ bảo trì đường bộ để bảo trì và vận hành khai thác an toàn.
 
Công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, từ năm 2013 đến nay, tuyến quốc lộ được ủy thác đã sửa chữa trên 450.000 m 2 mặt đường, trên 55.000 m 2 tuyến tỉnh lộ. 
 
Ngoài ra, còn sửa chữa hàng trăm điểm hư hỏng cục bộ dạng sình lún, ổ gà; sửa chữa, cải tạo, xây mới 31.000 m rãnh và 287 m cống. Bên cạnh đó, còn xử lý 6 điểm đen mất an toàn giao thông, thay thế hàng ngàn mét dải hành lang an toàn giao thông cùng hàng trăm biển báo hiệu đường bộ. Công tác bảo trì cũng được chủ động hơn thay vì bị động như trước kia. Nhờ đó góp phần tăng hiệu quả kinh tế, trật tự an toàn được nâng lên, góp phần giảm các tiêu chí về tai nạn giao thông trong các năm gần đây.
 
Tối ưu giải pháp quản lý, bảo trì đường bộ
 
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, đảm bảo ATGT và giải tỏa hành lang đường bộ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Qua đó, Sở đã triển khai đúng, kịp thời các chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam; khắc phục thiệt hại, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ do các đợt lũ, lụt xảy ra; đảm bảo không có TNGT xảy ra do nguyên nhân hư hỏng, sự cố cầu đường. Công tác quản lỷ, sửa chữa đường bộ có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng cầu đường êm thuận, an toàn. Triển khai có hiệu quả các công trình khắc phục điểm đen, hành lang an toàn đường bộ được tập trung triển khai.
 
Để sẵn sàng đối phó với tình hình mưa lũ bất thường, đảm bảo giao thông qua địa bàn an toàn, thông suốt, Sở đã chỉ đạo các đơn vị tham gia quản lý bảo trì đường bộ kiểm tra, rà soát các vị trí mặt đường bị hư hỏng, sửa chữa kịp thời, đảm bảo cả kỹ thuật, thẩm mỹ; rà soát các vị trí có nguy cơ hư hại trong điều kiện bão lũ để có kế hoạch ứng phó kịp thời.  Bên cạnh đó, từng bước triển khai áp dụng công nghệ mới trong công tác duy tu bảo trì đường bộ. Công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên được chú trọng, tăng cường chất lượng kiểm tra và bảo hành kịp thời các vị trí phát sinh hư hỏng....
 
Thời gian qua, nhiều công trình hoàn thành, đem lại hiệu quả tích cực như dự án sửa chữa mặt đường, rãnh thoát nước; từng bước xóa các điểm đen, được chính quyền địa phương ghi nhận, ủng hộ và người tham gia giao thông đồng tình, phấn khởi.
 
Cũng theo ông Hoàng Anh Tuấn, hiện nay, mỗi năm Lâm Đồng có khoảng 50 tỷ đồng cho việc bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, do số km quản lý của tỉnh quá lớn nên Quỹ mới đáp ứng được một phần công việc, trên hệ thống đường quốc lộ và đường tỉnh lộ, công tác bảo trì mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thực tế. Với nguồn kinh phí bảo trì hạn hẹp nên phải ưu tiên sửa chữa những đoạn tuyến hư hỏng gây khó khăn đi lại cho người dân bên cạnh tranh thủ vốn từ các nguồn khác, từng bước đầu tư, nâng cấp một số tuyến đường đã xuống cấp. Quan điểm của Lâm Đồng là nếu chưa có kinh phí để đầu tư tuyến đường mới, thì phải tập trung vốn để duy tu, nâng cấp tuyến đường hiện có để đảm bảo cho các phương tiện lưu thông trên tuyến.
 
HOÀNG YÊN