Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon

08:06, 06/06/2018

Ngày Môi trường - 5/6, tỉnh Lâm Ðồng chính thức tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động vì môi trường và các hoạt động hưởng ứng Ngày MT thế giới năm 2018 tại huyện Ðức Trọng. Năm nay, với chủ đề "Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon"(Beat plastic pollution), nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa.

Ngày Môi trường - 5/6, tỉnh Lâm Ðồng chính thức tổ chức Lễ phát động Tháng Hành động vì môi trường (MT) và các hoạt động hưởng ứng Ngày MT thế giới năm 2018 tại huyện Ðức Trọng. Năm nay, với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”(Beat plastic pollution), nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa.
 
Lễ ra quân nhân Ngày Môi trường thế giới 2018 tại huyện Đức Trọng. Ảnh: M.Đ
Lễ ra quân nhân Ngày Môi trường thế giới 2018 tại huyện Đức Trọng. Ảnh: M.Đ

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trên cả nước đang tập trung triển khai một số nội dung, giải pháp tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ MT; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, một trong những nhóm nhiệm vụ là tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể trong quản lý, xử lý chất thải và phế liệu; trong đó tập trung vào chất thải nhựa. Triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào MT tự nhiên, đặc biệt áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định tại Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S yêu cầu tập trung một số nội dung sau: 
- Xác định và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết các vấn đề về quản lý tài nguyên, bảo vệ MT; 
- Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu;
 - Quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải tại địa phương; 
- Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm MT cao. 
- Tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng; 
Từ ngày 5/6 đến hết tháng 7/2018, cả nước đồng loạt tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày MT thế giới tạo thành chuỗi hoạt động thuộc “Tháng Hành động vì MT”. Một số hoạt động chính là: Chú trọng các hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng; xác định và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết các vấn đề về quản lý tài nguyên, bảo vệ MT; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm MT cao. Cùng đó, tổ chức các hoạt động tuyên truyền; phổ biến, giới thiệu các mô hình tiên tiến; khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hoạt động bảo vệ MT do người dân và cộng đồng tự khởi xướng; lên án, tạo dư luận và áp lực xã hội với những hành vi khai thác bừa bãi, phá hoại tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm MT. Đó còn là tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm MT từ chất thải, rác thải đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ MT phục vụ lợi ích của cộng đồng... Tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; Chiến dịch ra quân làm vệ sinh MT, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước; tổ chức các lớp học giáo dục MT, thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi ni lông tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư… nhằm khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa và túi nilon cũng như từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi…
 
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, mỗi năm, trên thế giới, có tới 300 triệu tấn nhựa được sản xuất và hầu hết số nhựa này không được tái chế. Hiện, 79% lượng rác thải nhựa đang bị chôn vùi trong các bãi rác hoặc đổ vào đại dương. Dự báo, đến năm 2050, sẽ có hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa đổ ra MT.
 
Đáng nói là có tới hơn phân nửa số rác thải nhựa đến từ 5 quốc gia châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc với 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 30%; theo sau lần lượt là Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka. Như vậy, Việt Nam là nước có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới (khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Trong lúc đó, lượng rác thải nhựa thải ở Việt Nam gần 18.000 tấn, nhưng số lượng rác thải nhựa được tái chế còn rất thấp. Theo đánh giá của Bộ TN&MT, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam vẫn chưa phát triển. Tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, hầu như các loại chất thải được dồn chung với nhau và được thu gom bởi các xe chở chất thải. Mặt khác, công nghệ tái chế nhựa được sử dụng ở các thành phố lớn đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm MT… Đã đến lúc Việt Nam cần nỗ lực giải quyết nhằm giảm gánh nặng ô nhiễm từ chất thải nhựa. 
 
Với tỉnh Lâm Đồng, tại Lễ phát động Ngày MT, sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S; Bí thư Huyện ủy Đức Trọng Nguyễn Ngọc Phúc; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các UBND huyện, thành phố và nhiều đơn vị liên quan của huyện Đức Trọng là một ghi nhận về ý thức chính trị. 
 
Phát biểu tại buổi lễ này, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ghi nhận Sở TN&MT, huyện Đức Trọng đã tổ chức sự kiện lễ Ngày MT thế giới hết sức có ý nghĩa, sẽ là cú hích mạnh lan tỏa đến cộng đồng về ý thức bảo vệ MT. 
 
Thay đổi tiêu chuẩn cuộc sống hiện tại của chúng ta, đòi hỏi chúng ta áp dụng các giải pháp sáng tạo mang tính sáng kiến trong cách sử dụng và xử lý… Đó còn là tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội trong công tác bảo vệ MT…
 
Thay mặt lãnh đạo huyện Đức Trọng, Chủ tịch UBND huyện Võ Văn Phương đã phát biểu hưởng ứng Lễ phát động, kêu gọi sự quan tâm và tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể, địa phương, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ MT với những nội dung cụ thể. Đoàn viên Thái Thị Thu Thắm - đại diện Đoàn Thanh niên huyện Đức Trọng cũng phát biểu hứa quyết tâm tham gia tích cực với toàn hệ thống chính trị về công tác giữ gìn xanh - sạch - đẹp trên địa bàn. Sau buổi lễ, ông Phạm S; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Đức Trọng; lãnh đạo huyện, thành phố và các sở, ban, ngành của tỉnh cùng hàng trăm đoàn viên, thanh niên, học sinh và nhân dân đã ra quân thu gom rác thải nhựa, nilon ở các tuyến đường thị trấn huyện Đức Trọng. Sở TN&MT cũng đã trao cho huyện 30 thùng đựng rác lớn để huyện đặt tại các địa phương.  
 
MINH ÐẠO