Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm (Khu du lịch) là một trong những dự án trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh Lâm Ðồng được địa phương quan tâm với những chính sách thu hút đầu tư. Tuy nhiên, đây là khu vực rất nhạy cảm về vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là thảm thực vật và nguồn nước mặt.
Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm (Khu du lịch) là một trong những dự án trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh Lâm Ðồng được địa phương quan tâm với những chính sách thu hút đầu tư. Tuy nhiên, đây là khu vực rất nhạy cảm về vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là thảm thực vật và nguồn nước mặt.
|
Những dự án đầu tư du lịch trong Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm. Ảnh: M.Đ |
Ngày 10/7, làm việc với Giám đốc Khu Du lịch Phạm Văn Dân, ông cho biết, hiện nay, Ban quản lý Khu du lịch được giao quản lý, bảo vệ tổng diện tích hơn 2.940 ha, bao gồm rừng, đất lâm nghiệp và mặt nước. Theo đó, đã có 39 doanh nghiệp vào tham gia đầu tư và được giao khoảng 1.800 ha; diện tích còn lại do Ban quản lý quản lý, trong đó khoảng 320 ha mặt hồ. Trong số 39 nhà đầu tư hiện đã có 11 đơn vị có sản phẩm đưa vào khai thác, chủ yếu thuộc các lĩnh vực như nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, kết hợp hội thảo, hội nghị và tổ chức một số tuyến điểm du lịch trên mặt hồ và rừng. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Dân cho biết, tiến độ đầu tư vẫn chậm, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc các hạng mục của dự án. Lý do chậm, theo ông Dân là nhà đầu tư khó khăn về tài chính, đầu ra sản phẩm chưa mạnh, việc giải phóng mặt bằng cũng có những khó khăn và vướng những quy định về quản lý, bảo vệ rừng của Nhà nước… Mặc dù vậy, cùng sự tăng trưởng của ngành du lịch thành phố Đà Lạt, năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, so với trước, công suất phòng nghỉ của các nhà đầu tư tăng mạnh.
Vậy về vấn đề bảo vệ môi trường, cụ thể là nguồn nước thải tại Khu du lịch đến nay đã thực hiện thu gom và xử lý như thế nào? Theo Giám đốc Phạm Văn Dân, giai đoạn 1 được triển khai thực hiện từ năm 2012 đến 2017, tổng mức đầu tư khoảng 67 tỷ đồng. Phương án xây dựng là các nhà đầu tư thu gom nội bộ và tự xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn thực hiện cột B, sau đó chuyển vào hệ thống chung của Ban quản lý (hệ thống này xây dựng dọc các tuyến đường tiếp cận với các dự án). Từ hệ thống thu gom chung này, nguồn nước thải sau xử lý được cho chảy về hạ lưu thác Datanla, thuộc địa bàn Phường 3, thành phố Đà Lạt. “Ban quản lý không có nhà máy xử lý mà các nhà đầu tư tự xử lý nước thải theo tiêu chuẩn cột B. Hiện nay, Ban đang phối hợp với đơn vị tư vấn để xây dựng quy trình vận hành hệ thống thu gom này để báo cáo ngành chức năng và trình UBND tỉnh phê duyệt”, ông Dân nói.
Trên cơ sở Quyết định số 2889/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng, ngày 30/12/2016, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán thuộc dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm - giai đoạn 2 (xây dựng hồ suối Tía), và Báo cáo kết quả thẩm định dự toán điều chỉnh công trình (hạng mục) tại Văn bản số 146/BC-SNN, ngày 6/6/2018 của Sở NN&PTNT, ngày 25/6/2018, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1263/QĐ-UBND phê duyệt dự toán điều chỉnh hạng mục hồ lắng số 02, hồ lắng số 03, cầu giao thông, nhà điều hành, cổng rào, sân đường, cây xanh (gói thầu số 09).
Tổng dự toán sau điều chỉnh là gần 57,6 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng gần 49 tỷ đồng,… Ðây là nguồn vốn từ ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 bố trí gần 57 tỷ đồng, kế hoạch năm 2018 bố trí 8 tỷ đồng.
Thực hiện Quyết định 1263 của UBND tỉnh, đại diện chủ đầu tư, Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm Phạm Văn Dân cho biết: Kế hoạch đầu tháng 9/2018 sẽ khởi công các công trình (hạng mục). Với tính chất quan trọng về lĩnh vực bảo vệ môi trường như đã nêu ở đầu bài, việc triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm với tiến độ như vậy là rất chậm. Ông Dân cho biết, năm 2017 dự án không được bố trí vốn và thừa nhận rằng, nếu được bố trí vốn kịp thời thì sẽ tổ chức thi công các công trình (hạng mục) ngay trong năm 2017. Thiết nghĩ, cũng không thừa khi cần nhắc đến việc Khu Công nghiệp Phú Hội tại huyện Đức Trọng năm 2017 đã bị Tổng Cục Môi trường vào kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính số tiền 1,250 tỷ đồng do chưa có hệ thống xử lý nước thải (Quyết định số 252/QĐ-TCMT ngày 18/12/2017)! Một số vấn đề khác cũng cần thiết đặt ra một cách thường xuyên, đó là việc kiểm định, giám sát về chất lượng nước sau xử lý; việc kiểm tra, giám sát quy trình xả thải nguồn nước sau sử dụng các đơn vị kinh doanh trong Khu du lịch…? Nghĩa vụ tuân thủ nghiêm theo các quy định pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường thuộc các nhà đầu tư; cùng đó là trách nhiệm quản lý, xử lý thuộc về các cơ quan, đơn vị chức năng và có thẩm quyền.
MINH ÐẠO