21 hộ dân ở thôn Ðông Anh (xã Ðông Thanh, huyện Lâm Hà) đã và đang từng ngày từng giờ chờ đợi việc xây dựng hồ chứa nước để được nhận tiền chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng của người dân theo quy định.
21 hộ dân ở thôn Ðông Anh (xã Ðông Thanh, huyện Lâm Hà) đã và đang từng ngày từng giờ chờ đợi việc xây dựng hồ chứa nước để được nhận tiền chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng của người dân theo quy định.
|
Những hộ dân trong diện thu hồi đất đành nhìn cà phê xuống cấp, trồng dâu tằm để kiếm sinh kế qua ngày. Ảnh: T.Đ |
Dự án đầu tư hồ chứa nước Đông Thanh được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định số 847/QĐ-UBND ngày 12/4/2010 và được điều chỉnh tại Quyết định số 1341/QĐ-UBND ngày 17/7/2013. Trên cơ sở đó, UBND huyện Lâm Hà đã ban hành Thông báo số 85/TB-UBND ngày 4/7/2013 và Quyết định số 984/QĐ-UBND ngày 17/4/2014 về việc thu hồi 169.291 m
2 đất ở và đất sản xuất của 21 hộ dân tại thôn Đông Anh để phục vụ việc xây dựng hồ chứa nước.
Sau khi có quyết định thu hồi, phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được thực hiện. Nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, mọi thứ đều “án binh bất động” khiến cho các hộ dân rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.
Hộ gia đình ông Đỗ Văn Đam (SN 1962), đã chuẩn bị kế hoạch cho mình để khi thu hồi đất ông có thể lập nghiệp ở một nơi khác nhưng kế hoạch bị đổ vỡ hoàn toàn. Gần 30.000 m
2 đất trồng cà phê xen cây xoài, sầu riêng của ông đến nay đã xuống cấp, tổng thu nhập từ mảnh đất này giảm chỉ còn 1/3 so với thời điểm năm 2014.
Ông Đam tâm sự: “Sau khi có quyết định thu hồi đất thì chúng tôi tuyệt đối chấp hành để phục vụ lợi ích chung của cộng đồng nhưng chờ đợi mãi không thấy thu hồi, giải tỏa, đền bù. Cà phê thì mình không dám đầu tư vào nữa, cây xoài, sầu riêng thì đổ bệnh chết dần chết mòn, chung quy lại vì tôi sợ khi đầu tư vào một số tiền mà giải tỏa thì xem như mất số tiền bỏ ra đầu tư chăm sóc”.
Cà phê xuống cấp, gia đình ông Đam đành phải phá bỏ để trồng dâu nuôi tằm, lấy ngắn nuôi dài. Đây là giải pháp chung được các hộ dân chọn để “điền vào chỗ trống” khi thu nhập bị giảm sút, vì theo quy định thì các hộ dân nằm trong vùng giải tỏa không được trồng cây lâu niên.
Chung hoàn cảnh với ông Đam, gia đình ông Cao Minh Phương (SN 1963) thuộc diện thu hồi 25.000 m2 đất sản xuất nông nghiệp. Trên diện tích này, ông Phương canh tác cây cà phê nhưng giờ đây ông cũng đành phá bỏ một số cà phê xuống cấp để trồng dâu nuôi tằm. Ông Phương cho biết: Trước khi có quyết định thu hồi thì cà phê được đầu tư, chăm sóc một cách kỹ lưỡng, nhưng giờ đây không ai giám đổ tiền vào để đầu tư, chăm sóc nữa. Nếu trồng mới cà phê hay các cây trồng lâu niên khác thì cũng không được nên đành phải chọn trồng dâu nuôi tằm như một biện pháp tạm thời.
Nằm trong diện thu hồi, giải tỏa có tới 21 hộ dân. Ngoài không dám đầu tư chăm sóc cây trồng, các hộ ở đây còn phải gánh chịu thiệt thòi nữa là không được xây dựng các công trình, đặc biệt là nhà ở, nếu bỏ tiền ra xây dựng mà đến khi giải tỏa thì không được đền bù.
Vì khi khảo sát, mọi công trình, cây cối đã có kê biên và lên danh sách rõ ràng. Gia đình ông Nguyễn Mạnh Đường (SN 1961) sống trong một căn nhà không thể tồi tàn hơn, chung quanh được quây bạt để che mưa che nắng, căn bếp sập sệ đầy rẫy những thau, chậu để hứng nước những hôm mưa gió.
Thương cha mẹ già phải sống trong căn nhà như vậy, các con của ông Đường sau khi dựng vợ gả chồng đã cố gắng tích cóp, vay mượn từng đồng để giúp cha mẹ dựng một căn nhà kiên cố hơn, có thể chống chọi lại mưa nắng. Số tiền không đủ để xây dựng nhà cửa, ông Đường đành phải tìm đến ngân hàng để vay vốn bằng việc thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thể vay vốn vì đất đai của ông nằm trong diện thu hồi.
21 hộ dân ở thôn Đông Anh không còn cách nào khác là chờ đợi và gửi đơn đến các cấp, ban, ngành để mong giải quyết sớm vấn đề. Ngày 14/6/2017, UBND huyện Lâm Hà đã có Báo cáo số 145/BC-UBND về việc thực hiện đầu tư công trình hồ chứa nước Đông Thanh. Trong báo cáo này có nêu rõ: UBND huyện nhận thấy nếu kéo dài thời gian thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với hồ chứa nước Đông Thanh sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân sử dụng đất, như: hạn chế đầu tư trên đất, không được thực hiện các quyền của người sử dụng đất…
Qua đó, UBND huyện Lâm Hà cũng kiến nghị, đề xuất lên UBND tỉnh Lâm Đồng cho chủ trương tạm ứng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ gia đình cá nhân trong khu vực dự án; đồng thời sẽ hoàn trả ngân sách khi công trình được phân bổ vốn đầu tư theo quy định.
Vì vậy, 21 hộ dân thôn Đông Anh lại phải tiếp tục chờ đợi, trong khi đó cuộc sống của các hộ dân ngày càng vất vả hơn vì cà phê thì xuống cấp, sầu riêng, xoài thì đổ bệnh, nguồn thu nhập của gia đình giảm sút... qua từng mùa vụ.
TỨ ÐỨC