Thứ 2, 14/04/2025, 08:37

Ðảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng sâu

09:08, 14/08/2018

Thời gian qua, các công trình nước sinh hoạt trên địa bàn xã Lát, huyện Lạc Dương đang bị xuống cấp. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng và duy tu sửa chữa lại hệ thống cấp nước trên địa bàn nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho gần 400 hộ dân, chủ yếu đồng bào DTTS là điều cấp thiết.

Thời gian qua, các công trình nước sinh hoạt trên địa bàn xã Lát, huyện Lạc Dương đang bị xuống cấp. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng và duy tu sửa chữa lại hệ thống cấp nước trên địa bàn nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho gần 400 hộ dân, chủ yếu đồng bào DTTS là điều cấp thiết.
 
Người dân vùng sâu, vùng xa luôn mong muốn có được nguồn nước sinh hoạt đảm bảo. Ảnh: T.H
Người dân vùng sâu, vùng xa luôn mong muốn có được nguồn nước sinh hoạt đảm bảo. Ảnh: T.H

Gần một năm nay, 90 hộ dân ở thôn Păng Tiêng I không phải xuống suối lấy nước hay trữ nước mưa mà được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước sinh hoạt của thôn. Đây là công trình được đầu tư và đưa vào sử dụng từ tháng 11/2017, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong thôn. 
 
Nhưng đó chỉ là công trình nước sinh hoạt được đầu tư mới nhất, đáp ứng phần nhỏ nhu cầu của người dân trong xã. Hiện tại, 2/3 số hộ dân xã Lát vẫn thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Nhiều năm nay, 195 hộ dân thôn Đạ Nghịt vẫn sử dụng công trình nước sinh hoạt tự chảy của thôn. Công trình có trạm xử lý nước và hệ thống máy xử lý hóa chất Javen và khí Clo. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nguồn nước thường xuyên bị đục do ảnh hưởng từ hai mỏ đá khai thác sát vị trí đầu nguồn nên chất lượng nước không đảm bảo vệ sinh. Trước thực trạng này, năm 2017, từ nguồn vốn khen thưởng nông thôn mới, UBND xã Lát đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp xây mới một công trình đập dâng để bổ sung cho hệ thống cũ. Nhưng đến nay, nguồn nước này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu do thiết kế đập tràn thấp nên nước ít không đủ cung cấp cho các hộ dân. Do vậy, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo xử lý nâng cao đập tràn để giữ nước, đảm bảo nhu cầu cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong thôn.
 
Tương tự, công trình nước sinh hoạt tự chảy Păng Tiêng vốn là nơi cung cấp nước cho 83 hộ dân trong thôn. Tuy cũng có trạm xử lý nước và hệ thống máy xử lý hóa chất, nhưng nguồn nước thường xuyên bị đục do mương thoát nước của đường giao thông đổ xuống vị trí đầu nguồn làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước. Để khắc phục tình trạng trên, Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện đã có kế hoạch khảo sát thực tế và xây dựng mới một đập tràn để đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ người dân. 
 
Trên địa bàn xã Lát hiện có 3 công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng để cung cấp nguồn nước sạch cho người dân. Nhưng theo thời gian, các công trình này xuống cấp dẫn đến chất lượng cũng như khối lượng nước giảm nên ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân. Theo bà Klong K’Luyn - Trưởng thôn Păng Tiêng, việc nước sinh hoạt không đủ và không đảm bảo chất lượng khiến nhu cầu nước hàng ngày của người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt vào mùa khô, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong thôn thường xuyên xảy ra. Một số nhà phải mua thùng trữ nước, nhưng cũng đã có trường hợp bị nổi mẩn ngứa, tiêu chảy… khi dùng nước không đảm bảo vệ sinh.
 
Các công trình cấp nước sinh hoạt tại xã vùng sâu, vùng xa này xuống cấp do nhiều nguyên nhân. Ông Rơ Ông K’Síu - Chủ tịch UBND xã Lát cho rằng, một phần do đã xây dựng lâu năm, là công trình nước tự chảy nên phụ thuộc vào nguồn nước từ sông, suối, khe đá… Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức giữ gìn tài sản chung của người dân còn thấp, xã cũng không có kinh phí để trả công cho người quản lý công trình do không thu được tiền nước từ các hộ dân. 
 
Trong khi các công trình, hệ thống cấp nước sinh hoạt tại vùng sâu, vùng xa đã được đầu tư xây dựng thì việc quản lý, duy tu sửa chữa và nâng cấp để đảm bảo cung cấp nguồn nước cho người dân là việc phải làm thường xuyên.                                   
 
VIỆT HÀO