(LĐ online) - Một số chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Chính sách hỗ trợ người có công đang định cư ở nước ngoài; Bổ sung quy định giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; Ban hành Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông mới; Thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng cho đổi mới công nghệ; Cơ quan Nhà nước gửi văn bản điện tử thì không gửi văn bản giấy… sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 9/2018.
(LĐ online) - Một số chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Chính sách hỗ trợ người có công đang định cư ở nước ngoài; Bổ sung quy định giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; Ban hành Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông mới; Thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng cho đổi mới công nghệ; Cơ quan Nhà nước gửi văn bản điện tử thì không gửi văn bản giấy… sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 9/2018.
Chính sách hỗ trợ người có công đang định cư ở nước ngoài
Ngày 20/7/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2018/NĐ-CP quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.
Theo đó, người tham gia kháng chiến chống Pháp, Mỹ đang định cư ở nước ngoài; Người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài… được hỗ trợ bằng 04 triệu đồng nếu từ đủ 02 năm công tác trở xuống; nếu công tác trên 02 năm, thì từ năm thứ 3 trở đi mỗi năm được cộng thêm 1,5 triệu đồng.
Nếu người được hưởng chế độ đã từ trần trước ngày 05/9/2018 thì thân nhân được hỗ trợ một lần bằng 06 triệu đồng.
Ngoài mức hỗ trợ nêu trên, các đối tượng nếu về nước định cư còn được hưởng chế độ BHYT như đối với người có công; khi từ trần thì người lo mai táng được trợ cấp mai táng phí.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 05/9/2018.
|
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến tặng quà cho các Anh hùng LLVT |
Bổ sung quy định giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Thông tư 219/2015/TT-BTC về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp được sửa đổi tại Thông tư 59/2018/TT-BTC ngày 16/7/2018 của Bộ Tài chính.
Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động được giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong các trường hợp:
- Do thực tế hoạt động doanh nghiệp, cần thiết phải giảm quy mô hoạt động;
- Trường hợp cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo hình thức tách doanh nghiệp;
- Do thay đổi chính sách doanh nghiệp không còn thuộc đối tượng được Nhà nước đầu tư vốn…
Trong các trường hợp trên, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện thủ tục thay đổi và công bố thông tin về vốn điều lệ trong giấy đăng ký kinh doanh theo quy định.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/9/2018.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công
Việc quản lý, vận hành, trao đổi và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư 67/2018/TT-BTC ngày 06/8/2018.
Theo đó, Bộ Tài chính được khai thác thông tin về tài sản công của cả nước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia. Các bộ, cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền khai thác thông tin tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong Cơ sở dữ liệu quốc gia.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản kê khai trong Cơ sở dữ liệu quốc gia có quyền khai thác thông tin tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đơn vị trực thuộc.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/09/2018.
Thay đổi điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng
Theo quy định tại Nghị định 100/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 16/7/2018, điều kiện chung cấp chứng chỉ hành nghề về xây dựng đã được thay đổi so với trước đây. Cụ thể:
- Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng II phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có 04 năm kinh nghiệm trở lên, trước đây là 05 năm;
- Cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng III phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có 02 năm kinh nghiệm trở lên với người có trình độ đại học (trước đây là 03 năm); từ 03 năm trở lên với người có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp (trước đây là 05 năm).
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/9/2018.
Sử dụng kinh phí cho Chương trình biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh 2016 - 2020
Ngày 08/8/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 70/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Với Hợp phần biến đổi khí hậu, các Bộ và UBND các tỉnh được sử dụng kinh phí của Chương trình để chi việc cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam; Cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu của Việt Nam…
Đối với Hợp phần tăng trưởng xanh sẽ sử dụng kinh phí chi cho việc đào tạo nâng cao năng lực, thu thập số liệu đầu vào tại các địa phương; Đào tạo, truyền thông cho khu vực tư nhân, ngân hàng thương mại…
Mức chi cho các nhiệm vụ chi sự nghiệp của Chương trình thực hiện theo chế độ chi tiêu hiện hành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 22/9/2018.
Ban hành Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông mới
Từ ngày 04/9/2018, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông được đánh giá dựa trên 5 tiêu chuẩn, trong đó có: Phẩm chất nghề nghiệp; Quản trị nhà trường; Xây dựng môi trường giáo dục; Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội; Sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Trong đó, năng lực sử dụng ngoại ngữ được đánh giá ở 03 mức: Mức đạt (giao tiếp thông thường bằng ngoại ngữ); Mức khá (chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ cho giáo viên, học sinh trong trường); Mức tốt (sử dụng ngoại ngữ thành thạo).
Hiệu trưởng tự đánh giá theo chu kỳ 1 lần/năm vào cuối năm học; Cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá hiệu trưởng theo chu kỳ 02 năm một lần vào cuối năm học.
Nội dung trên được quy định tại Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT ban hành ngày 20/7/2018.
Thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng cho đổi mới công nghệ
Ngày 31/7/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 30/2018/QĐ-TTg quy định trình tự, thủ tục xác nhận hàng hóa sử dụng cho đổi mới công nghệ.
Cụ thể: Tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Bộ Khoa học Công nghệ. Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ sẽ xem xét và thông báo nếu hồ sơ không hợp lệ, cần bổ sung hoặc sửa đổi.
Trong 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ có văn bản trả lời, trong đó xác định rõ danh mục hàng hóa sử dụng trực tiếp cho đổi mới công nghệ; trường hợp từ chối phải có văn bản nêu rõ lý do. Trường hợp cần thẩm tra, Bộ sẽ trả lời không quá 20 ngày.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/9/2018.
Cơ quan Nhà nước gửi văn bản điện tử thì không gửi văn bản giấy
Theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 sẽ thực hiện thí điểm gửi, nhận văn bản điện tử tại các bộ, ngành, địa phương trước ngày 31/12/2018, chính thức áp dụng từ 2019.
Văn bản điện tử phải được gửi ngay trong ngày ký ban hành, chậm nhất là trong buổi sáng ngày làm việc tiếp theo.
Cơ quan hành chính Nhà nước gửi văn bản điện tử thì không gửi văn bản giấy, trừ văn bản gửi Chính phủ, Thủ tướng... Bên nhận có quyền từ chối nhận văn bản điện tử, nếu văn bản điện tử đó không bảo đảm các nguyên tắc, yêu cầu về gửi, nhận và phải chịu trách nhiệm về việc từ chối.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 06/9/2018.
Chức năng, cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ
Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan tương đương Tổng cục trực thuộc Bộ Nội vụ, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và tổ chức thực hiện chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước, thực hiện các dịch vụ công thuộc lĩnh vực này.
Ban Tôn giáo Chính phủ có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, có trụ sở làm việc tại Hà Nội.
Về cơ cấu, Ban Tôn giáo có 10 đơn vị hành chính và 04 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có Trưởng ban và không quá 03 Phó Trưởng ban. Trưởng ban do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức… sau khi có ý kiến của Thủ tướng.
Nội dung trên được quy định tại Quyết định số 32/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ 20/9/2018.
Ngoài ra, còn nhiều chính sách, quy định khác cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2018.
Tứ Kiên (tổng hợp)