Thứ 2, 14/04/2025, 06:21

Chấm dứt hoạt động lò gạch nung thủ công lạc hậu là tất yếu

09:08, 16/08/2018

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 12/1/2017, UBND tỉnh Lâm Ðồng đã ban hành Kế hoạch 204/KH-UBND về việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Kế hoạch 204). 

Trong tình hình phát triển công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng, trong đó có gạch không nung, thì các lò gạch đất sét nung thủ công lạc hậu dường như đã hết “sứ mệnh” của mình. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 12/1/2017, UBND tỉnh Lâm Ðồng đã ban hành Kế hoạch 204/KH-UBND về việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Kế hoạch 204). Việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng, lò đứng liên tục là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển.
 
Lò gạch của gia đình ông Đặng Văn Lịch (Thôn 1, Đạ Kho, Đạ Tẻh) đang hoạt động cầm chừng để giải quyết hết nguyên vật liệu tồn đọng trước khi chấm dứt hoạt động trước ngày 31/12/2018 theo quy định.  Ảnh: Q.U
Lò gạch của gia đình ông Đặng Văn Lịch (Thôn 1, Đạ Kho, Đạ Tẻh) đang hoạt động
cầm chừng để giải quyết hết nguyên vật liệu tồn đọng trước khi chấm dứt hoạt động
trước ngày 31/12/2018 theo quy định. Ảnh: Q.U

Nhiều lò gạch thủ công đã ngừng hoạt động
 
Từ 2 tháng nay, lò gạch của gia đình ông Đào Văn Vịnh ở xã Liên Hà (Lâm Hà) trở nên im ắng, không còn cảnh người xe ra vào tấp nập, nắng bụi, mưa bùn. Sau hơn 15 năm hoạt động, lò gạch của ông là nơi cung ứng gạch xây nhà, xây công trình phụ như tường rào, chuồng heo, công trình dân sinh… cho bà con trong xã. Ngại nhất là khi gạch vào lò là khói um lên tỏa ra cả vùng suốt 3 ngày đêm. Được sự vận động của xã, của huyện, ông Vịnh đã chấm dứt hoạt động lò gạch từ hơn 3 tháng nay, 4 lao động ở lò gạch là người trong nhà và bà con họ hàng đều tập trung vào ruộng vườn. Ông tâm sự: Sản xuất gạch thủ công là một việc vất vả, nhưng công việc gắn bó mấy chục năm rồi, không làm nữa cũng nhớ; dù vậy, không có lò gạch thì còn rất nhiều công việc khác để làm. Cách nhà ông Vịnh vài cây số, lò gạch của gia đình ông Trần Quang Phúc - thôn Liên Trung, xã Tân Hà cũng đã ngừng hoạt động. Được vận động, ông Phúc hiểu rằng, với công nghệ nung gạch đất sét bằng lò đứng liên tục là không còn phù hợp với sự phát triển, hiện đại hóa, lại còn gây ảnh hưởng cho người xung quanh. Đến nay, Lâm Hà hoàn toàn không còn lò gạch thủ công nung bằng công nghệ lạc hậu trên địa bàn huyện. 
 
Ở Đạ Tẻh, lò gạch của ông Hoàng Văn Ngoàn (Thôn 1, Đạ Kho) và lò gạch của bà Nguyễn Thị Nở (Thôn 1, Đạ Kho) cũng vừa chấm dứt đỏ lửa. Nếu như năm 2012, toàn huyện Đạ Tẻh có 12 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thì đến thời điểm này, toàn huyện chỉ còn 3 cơ sở đang hoạt động là lò gạch của các gia đình ông Phạm Hữu Hiệp (Thôn 3, Đạ Kho), Đặng Văn Lịch (Thôn 1, Đạ Kho) và cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò vòng của Công ty Tâm Hùng Phú (Thuận Hà, Đạ Lây). Ông Đặng Văn Lịch cho biết, bây giờ đang là mùa mưa nên lò gạch của ông cũng chỉ hoạt động cầm chừng để giải quyết dần những nguyên vật liệu tồn đọng như nhiên liệu, đất sét. Sau đó cũng sẽ ngừng hoạt động, thực hiện đúng Kế hoạch 204 của UBND tỉnh. 
 
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Lâm Đồng, trên địa bàn toàn tỉnh có 31 cơ sở sản xuất gạch lạc hậu nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng nằm trong danh sách chấm dứt hoạt động trong năm 2018. Tính đến nay đã có 11/31 cơ sở chấm dứt hoạt động (Cát Tiên 7/17 cơ sở, Đạ Tẻh 2/5 cơ sở, Lâm Hà 2/2); còn 20 cơ sở vẫn đang hoạt động (Cát Tiên 10 cơ sở, Đạ Tẻh 3, Đạ Huoai 3, Bảo Lộc 1, Đơn Dương 1, Đức Trọng 1, Di Linh 1). Riêng huyện Cát Tiên là địa phương có nhiều cơ sở sản xuất gạch nung thủ công nhất, hiện tại còn nhiều cơ sở đang hoạt động nhất với 10 cơ sở, tập trung tại thị trấn Cát Tiên, xã Phước Cát I và xã Quảng Ngãi với 66 lao động vẫn đang tham gia sản xuất. 
 
Rất dễ dàng để nhận biết một lò gạch nung thủ công đang hoạt động, đó thường là một khối gạch lớn để trần, mái lợp sơ sài, bốc khói nghi ngút nằm giữa một bãi đất rộng với ngổn ngang cây gỗ tạp làm nhiên liệu đốt, những ụ đất sét to đùng bụi mù vào mùa khô, nhão nhoét vào mùa mưa. Khói bụi, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cộng đồng là vấn đề nổi cộm mà các lò gạch nung thủ công gây nên trong nhiều năm qua. Dẫu biết rằng, theo quy định nhiên liệu đốt gạch là gỗ tạp, mùn cưa, trấu, cây công nghiệp (cà phê, điều) già cỗi, nhưng với sự tồn tại hàng chục năm ở một nơi không có than đá thì không ít cây rừng cũng đã làm “mồi” cho lò gạch. Không thể phủ nhận vai trò của các lò gạch nung thủ công lạc hậu trong việc đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: các công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi, đường giao thông nông thôn, xây nhà cấp bốn… với lợi thế giá rẻ do tận dụng nguồn lao động tại chỗ, thuận tiện trong việc vận chuyển; nhưng cũng không thể phủ nhận những tác hại đến môi trường, sức khỏe con người gây bức xúc trong cộng đồng suốt một thời gian dài. Đã đến lúc lò gạch nung thủ công không còn phù hợp với xu thế tất yếu của sự phát triển, nhất là trong điều kiện có rất nhiều loại vật liệu xây dựng ưu việt hơn có thể lựa chọn. 
 
Tất cả các lò gạch nung thủ công lạc hậu chấm dứt hoạt động trước ngày 31/12/2018 
 
Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng về thời hạn chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng, lò vòng sẽ khẩn trương chấm dứt hoạt động; khuyến khích phát triển sản xuất các loại vật liệu xây dựng mới chất lượng cao, gạch không nung theo hướng công nghiệp hiện đại nhằm tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, tài nguyên khoáng sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 
 
Thực hiện Kế hoạch 204 và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã tiến hành vận động, tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ sở trong việc thực hiện chấm dứt lò sản xuất gạch đất sét nung thủ công lạc hậu theo đúng lộ trình. Song song, sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị, từng địa phương, tạo công ăn việc làm mới cho người lao động. Với tổng số 336 lao động tại các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ lạc hậu và các chủ lò gạch, tỉnh sẽ có cơ chế chính sách cụ thể về chuyển đổi ngành nghề đổi sang sản xuất vật liệu xây không nung hoặc các ngành nghề khác phù hợp, cân đối đảm bảo đủ sản lượng gạch phục vụ cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản cho cơ sở gạch đất sét nung, đặc biệt là các cơ sở sản xuất bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất gạch nung thủ công vi phạm, cố tình dây dưa kéo dài, không chấm dứt hoạt động đúng thời hạn quy định.

Ông Hoàng Duy Hưng - Trưởng Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng Lâm Đồng) cho biết: Ngay sau khi chấm dứt hoạt động các lò gạch nung thủ công, chúng tôi sẽ tiến hành hỗ trợ thành lập các HTX sản xuất gạch không nung. Bước đầu, trong năm 2018 - 2019 sẽ thành lập 2 HTX đóng ngay tại các địa bàn có nhiều lò gạch thủ công trước đây như Cát Tiên, Đạ Tẻh, nhằm chuyển đổi lao động, kỹ thuật từ sản xuất gạch thủ công sang sản xuất gạch không nung; từ công nghệ đốt gạch lạc hậu sang công nghệ hiện đại hơn, không gây khói bụi ảnh hưởng đến môi trường, đến sức khỏe người lao động, không ảnh hưởng đến cộng đồng. Trong đó, các chủ lò gạch thủ công hộ gia đình sẽ trở thành những thành viên HTX, cùng liên kết sản xuất, tận dụng lợi thế nguồn lực lao động tại chỗ. Sản phẩm của các HTX sẽ vẫn là các công trình dân sinh, nhà ở dân sinh, đường giao thông nông thôn, công trình phụ, chuồng trại... tiết kiệm chi phí vận chuyển phân phối.

QUỲNH UYỂN