Một nhóm điều dưỡng đã nghiên cứu đánh giá hiệu quả giáo dục sức khỏe cho sản phụ về chăm sóc trẻ sơ sinh tại Khoa Sản - Bệnh viện Hoàn Mỹ Ðà Lạt.
Một nhóm điều dưỡng đã nghiên cứu đánh giá hiệu quả giáo dục sức khỏe (GDSK) cho sản phụ về chăm sóc trẻ sơ sinh tại Khoa Sản - Bệnh viện Hoàn Mỹ Ðà Lạt.
|
BV Hoàn Mỹ Đà Lạt đã từng chăm sóc thành công cho một trẻ sơ sinh cực non, chỉ 26 tuần thai nặng 900 gram vào tháng 8/2016. Ảnh: An Nhiên |
Giai đoạn trẻ sơ sinh (từ 0 - 28 ngày tuổi) được chăm sóc một cách khoa học thì sẽ tạo tiền đề tốt cho sức khỏe của trẻ nhằm giảm tỉ lệ tử vong, bệnh tật, phòng tránh và phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh lý của trẻ sơ sinh. Tại Việt Nam, phần lớn kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh còn mang tính kinh nghiệm và tự phát. Chính vì vậy, nhóm điều dưỡng: Phạm Thị Diệu Thiện, Nguyễn Thị Bích Trâm, Nguyễn Thị Thu Thảo tiến hành Đề tài “Đánh giá hiệu quả GDSK cho sản phụ về chăm sóc trẻ sơ sinh tại Khoa Sản Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt”.
Qua nghiên cứu trên 113 sản phụ nằm tại Khoa Sản Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt từ tháng 5-9/2017 đều là các sản phụ sinh thường, phần lớn ở độ tuổi 15 - 40 tuổi (chiếm 85,8%), thấp nhất là sản phụ độ tuổi dưới 15 tuổi (chiếm 2,7%). Tỉ lệ sản phụ trong nhóm nghiên cứu có trình độ đại học chiếm cao nhất 42,5%; có 6,2% sản phụ có trình độ tiểu học. Tỉ lệ sản phụ sống tại Đà Lạt chiếm 58,4%; sản phụ đến từ các huyện trong tỉnh chiếm 35,4% và sản phụ đến từ các tỉnh khác chiếm 6,2%.
Khảo sát đối tượng dựa trên nghề nghiệp cho thấy tỉ lệ sản phụ là lao động phổ thông chiếm đa số 29,2%; đối tượng kinh doanh chiếm 25,7%; nhân viên văn phòng chiếm 23%; học sinh sinh viên 3,5%. Đa số sản phụ mang thai lần đầu chiếm 47,8%; tiếp đến là sản phụ sinh con lần thứ hai chiếm 31,9%; sản phụ sinh con lần thứ ba chiếm 18,6%. Tất cả các sản phụ mang thai lần đầu đều chưa được GDSK trước đó (chiếm 87%).
Với phương pháp so sánh kiến thức trước và sau khi được GDSK, kết quả nhóm nghiên cứu khẳng định việc GDSK cho sản phụ về cách chăm sóc trẻ sơ sinh tại Khoa sản Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt khá thành công và hiệu quả, cải thiện sự hiểu biết kiến thức của sản phụ, từ đó, nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ sơ sinh.
Dựa vào tỉ lệ trả lời đúng kiến thức về nhiệt độ của nước pha tắm cho trẻ sơ sinh là từ 37,5 đến 38 độ C cho thấy: trước khi GDSK số sản phụ trả lời đúng chỉ chiếm 87,6%, sau khi được GDSK tăng lên 100%. Về thời gian tắm cho trẻ sơ sinh là 24 giờ sau sinh cho thấy: tỉ lệ sản phụ trả lời đúng trước khi GDSK chỉ chiếm 89,4%, sau khi GDSK đã lên 97,3%. Với kiến thức đúng là không nên băng rốn cho trẻ sau khi sinh, tỉ lệ sản phụ có kiến thức đúng trước khi GDSK chỉ chiếm 57% và sau khi GDSK tăng lên 85%.
Loại vắc xin tiêm cho trẻ sơ sinh là vắc xin BCG, VGB, trước khi GDSK tỉ lệ sản phụ trả lời đúng chỉ chiếm 76,1%, sau khi GDSK tăng lên 85,8%. Khảo sát việc trẻ có được thực hiện da kề da với mẹ ngay sau khi sinh hay không, cho thấy trước khi GDSK chỉ có 86% sản phụ cho rằng có và được nâng lên 100% sau khi GDSK. Việc làm thế nào để trẻ ngủ ngon giấc với 3 lựa chọn là: tư thế ngủ, nằm mùng tránh muỗi, tránh khói thuốc lá, kết quả: trước khi GDSK tỉ lệ sản phụ trả lời đúng 3 cách trên chỉ chiếm 7,1%, sau khi GDSK đã cải thiện lên 15,9%.
Về thời gian cho con bú lần đầu tiên sau sinh là thời điểm ngay sau sinh, trước khi GDSK tỉ lệ sản phụ trả lời đúng chiếm 81% và sau khi GDSK đã tăng lên 93%. Trước khi GDSK chỉ có 70,8% sản phụ có kiến thức về tư thế cho con bú cũng như cách ngậm vú, tỉ lệ này có cải thiện rõ rệt lên 94,7% sau khi được GDSK. Khảo sát việc có nên tráng miệng cho trẻ sơ sinh bằng nước, mật ong, thuốc nam sau sinh hay không cho thấy: trước khi được GDSK số sản phụ cho rằng không nên là đúng chỉ chiếm 80,5%, sau khi GDSK đã nâng lên 92,9%.
Tiến hành khảo sát về việc tại sao nuôi con bằng sữa mẹ sẽ ít bệnh hơn nuôi con bằng sữa ngoài thì trước khi GDSK tỉ lệ sản phụ có kiến thức đúng về vấn đề này chiếm 81,4%; sau khi GDSK đã nâng lên 97,3%. Kiến thức của sản phụ về thành phần của sữa non, trước khi GDSK số sản phụ trả lời đúng chỉ 55,8%, sau khi GDSK tăng lên 75,2%. Khảo sát kiến thức sản phụ về việc có nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau sinh cho thấy: trước khi được GDSK tỉ lệ sản phụ nghĩ rằng có chiếm 93,8%, sau khi GDSK đã cải thiện lên 94,7%.
Về những trường hợp trẻ không được bú mẹ: trước khi GDSK số sản phụ trả lời đúng cả ba trường hợp là: “mẹ mắc bệnh lao, mẹ nhiễm trùng nặng, mẹ đang dùng nhiều thuốc” chỉ chiếm 20,4%; sau khi GDSK đã nâng lên 50,4%. Những dấu hiệu nguy hiểm toàn thân của trẻ với 7 dấu hiệu là: bú kém, bỏ bú, nôn tất cả mọi thứ, co giật, thở nhanh (trên 60 lần/phút), co rút lồng ngực; thân nhiệt tăng (trên 37,5 độ C) và hạ thân nhiệt (dưới 36,5 độ C), li bì, khó đánh thức, trước khi GDSK tỉ lệ sản phụ có kiến thức đầy đủ về các dấu hiệu nguy hiểm toàn thân của trẻ chỉ chiếm 31%, sau khi GDSK đã tăng lên 55,8%.
Về cách xử trí khi trẻ sốt là cho trẻ mặc thoáng, lau mát cho trẻ và đưa trẻ đi khám, trước khi GDSK tỉ lệ sản phụ có kiến thức đúng chỉ chiếm 23,9%, sau khi GDSK đã tăng lên 39,8%. Cách xử trí khi rốn trẻ chảy dịch đỏ là giữ rốn trẻ khô thoáng và đưa trẻ đi khám, trước khi GDSK tỉ lệ sản phụ trả lời đúng chỉ chiếm 4%, sau khi GDSK tăng lên 19,5%. Thống kê tỉ lệ sản phụ có kiến thức đúng về chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh trước khi GDSK chỉ chiếm 57,5%, sau khi GDSK tăng lên 91,2%.
Về dấu hiệu vàng da của trẻ sơ sinh, tỉ lệ sản phụ có kiến thức đúng trước khi GDSK là 55,8%, tỉ lệ này nâng lên 85,8% sau khi GDSK. Khảo sát kiến thức của các sản phụ về cách chăm sóc mắt cho trẻ sơ sinh, tỉ lệ sản phụ có kiến thức đúng trước khi GDSK là 59,3%, đã nâng lên 100% sau khi GDSK. Những dấu hiệu khóc bất thường của trẻ là: khóc to, khóc thét; khóc dỗ dành không nín; khóc bụng cứng, co cứng người, tỉ lệ sản phụ trước khi GDSK trả lời đúng chỉ chiếm 11,5%, tỉ lệ này tăng lên 18,6% sau khi GDSK.
Từ kết quả đánh giá kiến thức của các sản phụ trước và sau khi GDSK về cách chăm sóc cho trẻ sơ sinh; dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh; cách nhận biết về dấu hiệu bệnh lý của trẻ sơ sinh, nhóm điều dưỡng nhận định: Tỉ lệ sản phụ có kiến thức đúng và đủ còn chưa thực sự cao như: cách xử trí khi trẻ sốt, khi rốn trẻ chảy dịch đỏ… Vì thế, cần đẩy mạnh công tác GDSK cho các bà mẹ, nhóm nghiên cứu đưa ra giải pháp: Đối với sản phụ nên tích cực tham gia các lớp học tiền sản do các cơ sở y tế tổ chức, tự tìm hiểu kiến thức khoa học về cách chăm sóc trẻ sơ sinh, có nhận thức đúng và nghiêm túc về tầm quan trọng của việc hiểu biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Đối với các cơ sở y tế: tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức và thực hành của sản phụ về cách chăm sóc trẻ sơ sinh; tổ chức các lớp đào tạo cho nhân viên y tế nhằm trang bị kỹ năng GDSK; thường xuyên tổ chức các lớp GDSK cho sản phụ tại Khoa Sản. Đối với nhân viên y tế chủ động, tự tin trong việc GDSK cho sản phụ; vui vẻ, cởi mở, quan tâm đến những nhu cầu cần giải đáp của sản phụ.
AN NHIÊN