(LĐ online) - Hùa theo luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, mới đây trên blog Bauxitevn phát tán bài viết của Trần Minh Thảo, tựa đề "Một không năm có lấy gì cứu nước"với những xảo ngôn cũ mèm sặc mùi phản động…
(LĐ online) - Hùa theo luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, mới đây trên blog Bauxitevn phát tán bài viết của Trần Minh Thảo, tựa đề “Một không năm có lấy gì cứu nước”với những xảo ngôn cũ mèm sặc mùi phản động…
Mở đầu bài viết, tác giả cố tình lập lờ, úp mở đưa ra những lý luận rời rạc hòng chứng tỏ mình có “tầm” học thuật, có nghiên cứu về chính trị thế giới; về các cuộc chiến tranh xâm lược… khắp các châu lục… Sau khi “lượn” một vòng thế giới để đánh lừa người đọc, Trần Minh Thảo đi vào khái niệm cái gọi là “Chủ nghĩa thực dân cũ” và “Chủ nghĩa thực dân mới” nghe rất hùng hồn (!). Không phải tác giả không biết kiến thức mà học sinh cấp 3 đã thuộc làu. Mục đích chính của tác giả từ đưa ra khái niệm, so sánh để đi đến kết luận “Chủ nghĩa thực dân mới không chiếm bất cứ lãnh thổ, không đưa dân chính quốc chiếm cứ đất đai. Bộ máy cai trị là người bản địa nhưng phục vụ lợi ích chính quốc…”. Gần hơn một chút, Trần Minh Thảo “lòi” ra cái “đuôi” dù từ đầu bài viết cố tình “lập lờ” rằng:
“Mối quan hệ chủ - tớ gọi là hữu nghị, anh em. Một thuộc quốc như vậy còn là thứ hàng hóa cho các đại cường ra giá với nhau trong quan hệ đối tác”… Chuỗi “lý sự dài dòng” của tác giả chưa dừng lại dù đã viết gần một trang giấy. Ông ta tiếp tục miệng lưỡi trơn tuột, lạnh lùng:
“Xin giới thiệu một tổng kết các nguyên nhân làm một quốc gia trở thành quận, huyện cho một nước lớn nào đó: “Một không, Năm có”. Đến đây, Trần Minh Thảo “hiện nguyên hình” khi buông câu khẳng định
“Việt Nam là quốc gia có bài học kinh nghiệm sâu sắc về “1 không, 5 có”. ???
Trần Minh Thảo nói “tổng kết các nguyên nhân làm một quốc gia trở thành quận, huyện cho một nước lớn nào đó…”…Vậy xin hỏi ông, đối với Việt Nam nguyên nhân này, trường hợp này đã xảy ra ở thời đại nào? Vào giai đoạn lịch sử nào? Việt Nam đã trở thành quận, huyện của nước nào? Và, một nước lớn “nào đó” là nước lớn nào ???
Trong lịch sử dựng nước và giữa nước của dân tộc Việt Nam, đã từng có những giai đoạn khó khăn, tăm tối khi nước ta bị ngoại bang xâm lược, đô hộ, nhân dân ta từng sống trong cảnh nước mất, nhà tan, toàn dân tộc bị nô lệ… Song, với chí khí quật cường của một nước có nền độc lập, tự chủ, tự cường; một dân tộc anh hùng “thà chết chứ nhất quyết không chịu làm nô lệ”, từ các triều đại phong kiến cho đến thời đại Hồ Chí Minh đã có các bậc “công thần lập quốc” đứng lên lãnh đạo nhân dân đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, dân tộc Việt Nam đã đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh: thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ, lầm than trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời mình…
Vậy nên, Trần Minh Thảo nói Việt Nam trở thành quận, huyện của một nước lớn nào đó? Không gì khác hơn sự dã tâm, luận điệu hồ đồ của kẻ phản động !
Hãy thử nghiên cứu cái gọi là “Một không, Năm có” mà Thảo đưa ra, phân tích sau đây là gì? Theo Trần Minh Thảo, “1 không” đó là
“không có tổ chức đối lập nên không có tiếng nói phản biện (báo chí, đài phát thanh, truyền hình tư nhân), người dân không được công khai phản biện, không được xuống đường bày tỏ tâm tư, nguyện vọng…”. Ông Thảo biết rằng, cơ chế của nước ta là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã quy định rất rõ: “Đảng phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân về những quyết định của mình”. Nói về quyền của Nhân dân, Hiến pháp năm 2013 đã dành một chương (Chương II) quy định về
“quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Cụ thể, tại Điều 28 của Hiến pháp đã ghi:
“Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”.
Nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và góp ý kiến của mình để xây dựng Đảng, Nhà nước thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội các cấp và được trân trọng tiếp thu, lĩnh hội. Các cơ quan báo chí truyền thông thực hiện vai trò, chức năng phản biện xã hội… Ý đồ của Trần Minh Thảo ở đây là phê phán Đảng ta độc quyền, cổ súy cái gọi “đa đảng đối lập”, “đa nguyên chính trị” cũng hết sức cũ rích. Đây là xảo ngôn, luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động cần phải phân biệt, lên án, đấu tranh!
“Năm có” mà Trần Minh Thảo áp đặt cho Việt Nam là:
“Bộ máy cai trị lũng đoạn…Bộ máy cai trị là người bản xứ, làm theo mệnh lệnh quan thầy…”; đó là
“cư trú xen kẽ (bán nước từng phần - đặc khu…thực dân cũ)…đồng thời di dân chiếm đất, thành lập các điểm dân cư xen kẽ (tên gọi mới là “đặc khu”)…Thực chất, Trần Minh Thảo cũng chỉ là kẻ “ăn theo”, “nói leo” luận điệu xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước, chế độ và bôi nhọ cán bộ lãnh đạo. Hùa theo số đối tượng cực đoan kích động chống đối khi Quốc hội nước ta bàn bạc về dự thảo Luật “Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt” vừa qua. Nói cho Trần Minh Thảo hay: Đừng vì một số cán bộ tha hóa, biến chất, tham nhũng mà cho rằng “bộ máy cai trị lũng đoạn”; chẳng có ai “làm theo mệnh lệnh” của “quan thầy” nào; chẳng có chuyện bán đất, bán nước… cũng chẳng có chuyện di dân chiếm đất, sống xen kẽ nào cả?! Hiện nay người dân đã có trình độ nhận thức nên họ biết phân biệt đâu đúng, đâu sai chứ không ngu muội như ông và những kẻ lòng dạ đen tối, hằn thù chế độ.
Không có “người dân nào ngu muội” chỉ có những kẻ lòng dạ đen tối, hằn thù chế độ mới ngu muội và buông lời xằng bậy như Trần Minh Thảo mà thôi.
Cái “có” thứ 3 hết sức bịa đặt của Trần Minh Thảo là:
“hôn nhân chéo, tạo ra thế hệ lai tạp cho đến khi dân bản địa mất luôn bản sắc giống nòi”? Ông Thảo dẫn chứng cho thiên hạ xem vụ việc nào? Ở đâu đã xảy ra tình trạng này? Ông tự suy diễn, võ đoán, đã quá “lo xa”.
Cái “có” thứ 4 và thứ 5 mà Trần Minh Thảo áp đặt cho Việt Nam dường như ông “lú lẫn” lập lại cái luận điệu đã “nhả” ra ở trên là ca thán Việt Nam không có quyền tự do “xuống đường biểu tình”, “Nhà cai trị nắm hết các phương tiện phổ biến tin tức (không có báo chí tư nhân), người dân chỉ còn
“truyền miệng và lên mạng xã hội phát biểu quan điểm…bày tỏ thái độ yêu nước, bảo vệ tổ quốc. Do đó có luật buộc tội hoang báo…luật an ninh mạng”. Nói cho ông Thảo biết, đến nay đã có hơn 80 quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Canada, Hàn Quốc… đã có các văn bản chính sách, văn bản pháp luật, luật hoặc văn bản dưới luật nhằm tạo ra các thiết chế, cơ sở pháp lý chống lại các nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia từ không gian mạng; thành lập các lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, tình báo mạng, phòng chống khủng bố mạng và tội phạm mạng… chứ không chỉ duy nhất Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng.
Rõ ràng, càng nói Trần Minh Thảo càng “lộ rõ” lời lẽ phản động của một kẻ “Tư duy hạt cát”; suy xét sự tình thuộc hạng “Ếch ngồi đáy giếng”.
THẠCH TÂM