Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã cho phép Công ty Thủy điện Ðồng Nai (trụ sở đóng tại TP Bảo Lộc) ứng dụng thành công mô hình nhà máy điều khiển thủy điện thông minh với việc đưa vào hoạt động Trung tâm quản lý vận hành xa (OCC) đã hỗ trợ đắc lực cho việc khắc phục khó khăn trong quản lý, vận hành "một chốn ba nơi" của Công ty.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã cho phép Công ty Thủy điện Ðồng Nai (trụ sở đóng tại TP Bảo Lộc) ứng dụng thành công mô hình nhà máy điều khiển thủy điện thông minh với việc đưa vào hoạt động Trung tâm quản lý vận hành xa (OCC) đã hỗ trợ đắc lực cho việc khắc phục khó khăn trong quản lý, vận hành “một chốn ba nơi” của Công ty.
|
Hồ Thủy điện Đồng Nai 3 và Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 tại xã Quảng Khê, huyện Đăk Glong (Đăk Nông). Ảnh: T.A |
Công ty Thủy điện Đồng Nai hiện quản lý 2 nhà máy gồm: Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 với 2 tổ máy có công suất 180MW tại xã Quảng Khê, huyện Đăk Glong (Đăk Nông) và Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4 có 2 tổ máy với công suất 340MW đặt tại xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm. Bằng nguyên lý kết nối đa chiều trên không gian mạng, Trung tâm quản lý vận hành xa OCC đã “kéo” hai nhà máy thủy điện nằm trên 2 tỉnh Lâm Đồng - Đắk Nông cách nhau 45 km, cách trụ sở Công ty 100 km về “một chốn” điều khiển tập trung tại trụ sở. Hệ thống cho phép kết nối giữa hai nhà máy riêng biệt Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4, có thể giám sát thiết bị, thông số một cách trực quan, vận hành các tổ máy từ xa. Mặt khác, OCC sẽ kết nối nhận lệnh huy động hệ thống điện cho cả hai nhà máy, mở rộng kết nối thông tin thủy văn, hồ chứa, mực nước, lưu lượng nước về, thông tin thị trường điện. Tất cả các số liệu đều được hệ thống máy chủ cập nhật, xử lý tương thích, hiển thị logic.
Trên cơ sở cả hai nhà máy đã được đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ cơ bản ở mức tự động hóa cao, nhưng có thể nói việc ứng dụng công nghệ số vào kết nối, quản lý, vận hành hai nhà máy ở cách xa nhau là một bước đi mạnh dạn, táo bạo của Công ty Thủy điện Đồng Nai. Để hệ thống được hoạt động thông suốt, Công ty đã củng cố hệ thống truyền dẫn cáp quang, tạo đường truyền dự phòng độc lập, tạo độ bảo mật cao với nhiều lớp an ninh mạng, hỗ trợ điều khiển các tổ máy an toàn. Ông Phạm Văn Cúc - Giám đốc Công ty cho biết: Việc vận hành thử nghiệm thành công Trung tâm quản lý vận hành xa và đi vào hoạt động mô hình thủy điện thông minh là “bản lề” quan trọng giúp đơn vị đổi mới toàn diện mô hình vận hành, sản xuất, từng bước ứng dụng có hiệu quả những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo thế và lực mới cho Công ty.
Lợi ích mà mô hình mang lại trước hết phải kể là việc tối ưu hóa nguồn nhân lực, tinh gọn bộ máy điều hành. Thay vì trước đây Công ty phải huy động 10 kỹ sư chia làm 2 ca trực vận hành tại hai nhà máy riêng biệt; thì giờ đây, Công ty chỉ cần khoảng 3 - 5 người làm chủ hệ thống điều khiển xa.
Việc trực ca tại các nhà máy chỉ còn mang tính chất giám sát, bảo vệ thiết bị. Mô hình thủy điện thông minh cũng hỗ trợ đắc lực cho Công ty trong việc tham gia thị trường điện. Trước đây việc chào giá, báo giá điện thường chậm trễ do phải qua nhiều công đoạn như: tổng hợp thông tin, báo cáo, chờ ký duyệt…; với mô hình thủy điện thông minh, các thông số được hiển thị đầy đủ trên màn hình, lãnh đạo Công ty nắm bắt thông tin nhanh, từ đó việc chào giá, báo giá được tiến hành ngay tức thời không kể thời gian. Nhờ vậy, hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng cao.
Để làm chủ hệ thống quản lý, vận hành từ xa rất phức tạp với tính năng hiện đại, được số hóa tinh vi, Công ty đã chủ động quan tâm đào tạo nâng cao năng lực trình độ cho nguồn nhân lực có đủ tầm. Đơn vị đặc biệt chú trọng việc tổ chức đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ kỹ sư, xây dựng quy trình vận hành hoàn chỉnh, trao đổi học tập kinh nghiệm với các đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đồng thời, dự liệu trước các kịch bản sự cố có thể xảy ra, thực hành diễn tập kỹ năng xử lý, dự phòng theo các phương án vận hành để kịp thời ứng phó khi có sự cố, đảm bảo tuyệt đối an toàn vận hành các tổ máy.
Việc đưa vào hoạt động mô hình thủy điện thông minh, Công ty Thủy điện Đồng Nai trở thành một trong những đơn vị điển hình đi đầu ứng dụng có hiệu quả thành quả công nghiệp 4.0. Qua đó đã làm giảm sức lao động của con người, đáp ứng quy trình sản xuất kinh doanh điện ngày càng hiện đại, vì an ninh năng lượng quốc gia.
THÁI AN